TP Cần Thơ phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững

Thứ hai, 05/06/2023 15:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Theo Uỷ ban Nhân dân TP Cần Thơ, địa phương này vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình của Thành ủy triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trồng sầu riêng xuất khẩu ở Cần Thơ. (Ảnh : Báo Cần Thơ) 

Kế hoạch nhằm xây dựng nền nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và có sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Ðồng thời, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh...

TP Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng GDP ngành Nông nghiệp đạt 2,5-3%, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp 5,5 - 6%/năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo >70%, thu nhập của người dân nông thôn tăng 3 lần so với năm 2020. Ngoài ra, Thành phố phấn đấu toàn bộ 36 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 18/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Ngành nông nghiệp Thành phố cũng đã đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa mạnh, quy mô lớn, trình độ cao, bền vững, ứng dụng nhanh và kịp thời các thành tựu khoa học công nghệ; đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm triển khai thực hiện đạt được mục tiêu đã đề ra, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ tập trung vào 2 chương trình trọng điểm là phát triển vành đai thực phẩm và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TP Cần Thơ là  phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng kỹ thuật - công nghệ cao về cả chiều rộng lẫn chiều sâu; trong đó có xây dựng và triển khai các khu nông nghiệp công nghệ cao, các trại giống công nghệ cao, để làm hạt nhân phát triển nhân rộng trên toàn địa bàn sản xuất nông nghiệp của thành phố và phục vụ du lịch sinh thái. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và mở rộng liên kết trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước) ở các khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố, tiến tới hình thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.

Theo đó, Thành phố hình thành 4 tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị. Cụ thể gồm: tiểu vùng nông nghiệp sinh thái cù lao (cù lao Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Ấu) phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp nhà - vườn (cây ăn trái, rau, hoa, sinh vật cảnh), nhà - vườn - ao gắn với hoạt động du lịch vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng. Tận dụng các bãi bồi ven cồn phát triển mô hình nuôi cá tra công nghiệp phục vụ xuất khẩu; giảm số bè nuôi trên sông Hậu, hình thành các điểm nuôi bè tập trung (làng bè) với mật độ phù hợp để kiểm soát dịch bệnh và môi trường; xây dựng trại giống thủy sản tại cù lao Tân Lộc có quy mô 10 ha. Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị mới (Thốt Nốt - Ô Môn) kết hợp giữa đầu tư thâm canh các mô hình sản xuất trên các vùng đất nông nghiệp ổn định lâu dài, hình thành vùng trồng rau, hoa, cây cảnh có quy mô 400-500ha, vùng lúa - màu và lúa - cá/tôm càng xanh, phát triển các mảng cây xanh (công viên, lâm viên)... Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị khu trung tâm (Bình Thủy - Ninh Kiều - Cái Răng) khai thác có hiệu quả quỹ đất trong các dự án trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp với tiến độ thu hồi đất, phát triển mô hình nhà-vườn trong các khu quy hoạch nhà ở đô thị mật độ thấp; các mảng xanh đô thị, cây xanh ven đường, ven sông, rạch... Và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị miệt vườn (Phong Điền - Thới Lai) hình thành vùng trồng cây ăn trái tập trung gắn với du lịch miệt vườn, du lịch sông nước với quy mô 6.000ha, xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn có quy mô 200 - 300ha, vùng sản xuất lúa giống, vùng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản và xây dựng trạm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Thành phố còn quy hoạch phát triển các ngành sản xuất như: sản xuất lúa, rau và đậu, hoa và cây kiểng, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc và gia cầm, nuôi trồng thủy sản...

Ðể thực hiện mục tiêu đề ra, kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế và năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn; thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; nâng cao trình độ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng…/.

 

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực