|
Trung tâm thương mại vừa là nơi mua sắm vừa là nơi vui chơi của nhiều gia đình vào các ngày cuối tuần. |
Trong 11 tháng năm 2024, lượng khách quốc tế đến thành phố (TP) Hồ Chí Minh ước hơn 5,3 triệu lượt. Đây là con số rất ấn tượng kể từ sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo các công ty lữ hành, khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chi tiêu mua sắm còn hạn chế. TP Hồ Chí Minh chưa có hệ thống quản lý về hoạt động chi tiêu mua sắm của khách du lịch, Thành phố cũng chưa có những sản phẩm chủ lực để thu hút đối tượng khách du lịch có tiền, khách thương gia chi tiêu lớn.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài các trung tâm thương mại quy mô còn hạn chế, điểm mua sắm được nhiều du khách nước ngoài tìm đến là chợ Bến Thành và Saigon Square. Tuy nhiên, mới đây, cả hai địa điểm mua sắm này đều bị phát hiện kinh doanh nhiều sản phẩm nhái nhãn hiệu, xuất xứ và bị Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh xử phạt, cho thấy chất lượng phục vụ người tiêu dùng còn nhiều bất cập.
Đối với các mặt hàng được chế tác tinh xảo từ các nghệ nhân, khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh không có nhiều điểm bán tập trung, chất lượng chưa đa dạng để thu hút du khách và người tiêu dùng nói chung. Bà Linh Trần (Việt kiều Pháp) chia sẻ: “Mỗi lần về TP Hồ Chí Minh, tôi đều tìm mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đem qua Pháp tặng người thân, bạn bè nhưng rất khó tìm và rất khó chọn lựa”.
Có thể thấy, TP Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa xây dựng được hệ thống dịch vụ, thương mại xứng tầm một đô thị có hoạt động kinh tế và tiêu dùng sôi động nhất cả nước. Thành phố cũng chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch chất lượng cao để phục vụ đối tượng khách thương gia, người tiêu dùng có thu nhập cao.
Trong 10 năm qua, ngành dịch vụ luôn giữ vững tỷ trọng đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Hồ Chí Minh. UBND Thành phố xác định, dịch vụ là ngành có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của kinh tế Thành phố.
|
Khách nước ngoài lựa chọn sản phẩm tại cửa hàng bán đồ lưu niệm. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)
|
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhận định, ngành dịch vụ hiện còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thành phố.
Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần xác định trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu với các nhóm ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao; trong đó, nhắm đến đối tượng người tiêu dùng chi tiêu lớn làm mục tiêu để định hướng xây dựng ngành dịch vụ chất lượng cao, ngang tầm với các thành phố lớn trên thế giới.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, đề xuất TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu thành lập sở giao dịch hàng hóa góp phần kiểm soát và giải quyết bài toán về chuẩn hóa hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa giá trị lớn, có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Điều này cũng giúp người tiêu dùng đặt niềm tin nhiều hơn vào các sản phẩm chủ lực của Thành phố.
Để thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển xứng tầm và phù hợp với định hướng, thực tiễn kinh tế của Thành phố, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng đề án: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao”. Song song đó, Thành phố cũng đang triển khai đề án: “Định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến năm 2040”.
Theo đó, nghiên cứu đề xuất 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, gồm: Bán buôn, bán lẻ; vận tải, kho bãi; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; khoa học - công nghệ; kinh doanh bất động sản; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; y tế và chăm sóc sức khỏe; lưu trú và ăn uống. Các nhóm ngành này sẽ được phát triển theo hướng tập trung nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, hàm lượng tri thức cao, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cũng định hướng phát triển các ngành dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn chuyển đổi xanh và tiêu dùng xanh phù hợp với xu hướng của các nước có nền dịch vụ, tiêu dùng tiên tiến./..