Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022

Thứ ba, 14/09/2021 17:11
(ĐCSVN) - Vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.

Sáng 14/9, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng. Hội nghị diễn ra với điểm cầu chính tại Bộ và 25 điểm cầu của 25 tỉnh, thành phố thuộc trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng. Đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ và 08 Chủ tịch, 17 Phó chủ tịch tỉnh, thành phố của 11 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, 14 địa phương vùng trung du - miền núi Bắc Bộ đã tham dự Hội nghị. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cơ quan đối với công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công và quy hoạch của các địa phương.

Quang cảnh Hội nghị chụp từ điểm cầu Hà Nội (Ảnh: HNV) 

8 tháng qua, phát triển kinh tế - xã hội của vùng đã đạt được những kết quả khả quan

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau. Hội nghị vùng lần này chính là nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá các vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội và đầu tư của 25 địa phương khu vực phía Bắc trong 8 tháng đầu năm 2021.

Báo cáo kết quả tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội và đầu tư công 8 tháng qua, ông Hoàng Văn Vịnh, Vụ phó Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, với các chỉ đạo, giải pháp đồng bộ quyết liệt từ Trung ương và các địa phương, mặc dù còn nhiều khó khăn, tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 8 tháng của vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du - miền núi Bắc Bộ đã đạt được những kết quả khả quan: các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh. Các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 02 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước, trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước (như Hòa Bình 16,1%, Vĩnh Phúc 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Sơn La 10,67%, Hà Nam 10,41%, Bắc Giang 10,2%, Lai Châu 10,08%,...); Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng của 02 vùng đạt 406,62 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 108,62 tỷ USD, chiếm trên 50% cả nước; Tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 36,1% cả nước; Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 30.360 DN, chiếm 37,2% cả nước. Dịp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao một số địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã kiểm soát tốt dịch bệnh góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo khái quát tinh hình kinh tế - xã hội của thủ đô trong 8 tháng qua, đặc biệt nhấn mạnh tới quá trình triển khai Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố từ ngày 23/7 đến nay. Theo ông Hải, đây cũng là nguyên nhân gây ra một số khó khăn, thách thức cho Thành phố trong triển khai giải ngân Đầu tư công, thu hút và triển khai các dự án có nguồn vốn ODA…

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân thông tin về mức độ kiểm soát dịch bệnh tại địa phương cũng như nêu bật một số điểm sáng, vẫn đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế - an sinh xã hội cũng như đạt tốc độ tăng trưởng, giải ngân đầu tư công, vốn ODA ở Top cao của vùng nói riêng và cả nước nói chung. Đáng chú ý là đã thu hút FDI với 2,8 tỷ, bước đầu phối hợp với Bộ xây dựng, đề xuất mô hình chính sách đặc thù cho địa phương phát triển...

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định về vấn đề đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch, các cấp ngành trong tỉnh cùng nhau phối hợp, hỗ trợ nhau đảm bảo tăng trưởng và thu NSNN, tiến hành phân cấp và đổi mới 16 nội dung, đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch. Lào Cai là một trong những địa phương đầu tiên được phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV) 

Về phía đại diện các địa phương khác như: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã cùng nhau nêu lên, một số khó khăn vướng mắc do giãn cách xã hội và dịch bệnh trong đó nổi lên vấn đề về tổ chuyên gia tư vấn chủ yếu từ Hà Nội, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ và lao động… Đồng thời nhấn mạnh tới tầm quan trọng trong những nỗ lực của địa phương tiếp tục duy trì một số điểm sáng trong khó khăn, thách thức vì dịch bệnh cũng như khẳng định cần thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, phát triển hiệu quả các ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ, công nghiệp sinh thái, hệ thống logictics…

Củng cố nội lực, phát huy ngoại lực, nâng cao thái độ đồng hành và phục vụ của chính quyền cơ sở

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao nỗ lực của một số địa phương khi “gặt hái” một số kết quả khả quan – duy trì được điểm sáng trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức vì dịch bệnh đồng thời cũng động viên các địa phương tiếp cận gần với hướng tiếp cận của Bộ về công tác quy hoạch, coi đây là công tác đi đầu, nền tảng để phát triển kinh tế địa phương, kinh tế vùng nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.

Cũng tại Hội nghị, đại diện một số Cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ cũng bổ sung thêm một số thông tin và giải thích bước đầu về một số kiến nghị của các địa phương. Đơn cử như Vụ Pháp chế đề cập tới nội dung tổng hợp chỉnh sửa một số chính sách luật; Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân phân tích về tiến độ giải ngân và khó khăn của đầu tư công, trong đó nhấn mạnh tới nội dung yêu cầu về chất lượng lập kế  hoạch; Vụ Kinh tế đối ngoại đề cập tới việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 trong đó có đơn giản hóa một số nội dung, thủ tục nhằm giảm tải áp lực cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Vụ giám sát bổ sung thông tin về 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà Bộ được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính. Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ Quản lý Quy hoạch đề xuất một số nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đồng thời khẳng định tới đây, “tiếp tục ban hành sổ tay hướng dẫn và họp trực tuyến với từng nhóm để tìm ra các giải pháp thiết thực và phù hợp với hoàn cảnh, thời điểm…”

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Toàn, đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh cần nâng cao hơn tính chủ động của địa phương trong triển khai các dự án đầu tư công, thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, tránh dàn trải. “Việc “chậm giải ngân đầu tư công” gần như là “căn bệnh trầm kha”, đòi hỏi phải nỗ lực quyết tâm cao để khắc phục và trong bối cảnh mới, cần xác định rõ nguyên nhân chậm trễ cũng như nội dung chậm trễ là do Luật hay do tổ chức thực hiện để có chế tài khắc phục triệt để” – ông Toàn đề xuất.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị (Ảnh: Đức Trung, MPI)

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, nếu cơ bản kiểm soát dịch bệnh, dừng giãn cách từ cuối tháng 9 và trở lại được trạng thái bình thường từ Quý 4 thì khả năng GDP cả năm 2021 có thể đạt từ 3,5-4%. Quý 4/2021 và cả năm 2022 được coi là nền tảng để triển khai hiệu quả nhiệm vụ chung của cả giai đoạn 2021-2025. Bước sang năm 2022 với nhiều yếu tố mới, cùng với xu hướng chung, Việt Nam cũng phải xác định “sống chung với dịch bệnh” và từng bước phục hồi dù mức độ phục hồi có thể không đồng đều. Việt Nam cần tận dụng cơ hội và thời cơ mới trong giai đoạn phục hồi với triển khai chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn song song với mục tiêu kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát trở lại, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân đồng thời tái cơ cấu lại kinh tế theo hướng tự chủ cao, nâng khả năng thích ứng,  chủ động trước thay đổi kể cả trong bối cảnh dịch bệnh vẫn kéo dài, coi nội lực là nguồn lực cơ bản, lâu dài còn ngoại lực là quan trọng, cần thiết. Quyết tâm tiếp tục đổi mới sáng tạo, cải cách với nỗ lực thực hiện “3 đột phá” chiến lược có lồng ghép 2 yếu tố về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa, con người Việt Nam. Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6-6,5%.

Dịp này, Bộ trưởng Dũng yêu cầu 25 địa phương của vùng trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng cần cơ bản kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo đời sống của người dân, phát triển kinh tế xã hội, coi trọng công tác quy hoạch, thu hút hiệu quả FDI… “Điều quan trọng vẫn là thái độ đồng hành tháo gỡ phục vụ doanh nghiệp của cấp ủy, chính quyền địa phương chứ không phải là các mệnh lệnh hành chính, các hoạt động xin – cho” – Bộ trưởng nhắc nhở.

Ngoài ra, các địa phương cũng phải tập trung phát huy nguồn đầu tư tại chỗ, cân đối nguồn lực và khả năng giải ngân, chú ý tới tiến độ lập quy hoạch, chất lượng lập kế hoạch...

Bộ trưởng cũng cam kết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ liên tục tham gia sâu sát cùng địa phương, chủ động hỗ trợ các địa phương trong xây dựng kế hoạch phục hồi trên cơ sở bám sát Chỉ thị 20 của Chính phủ và Hướng dẫn 4880 của Bộ về gỡ khó trong dịch bệnh với nội dung phù hợp chương trình chung, xác định rõ mục tiêu, gắn phát triển kinh tế xã hội với các phần việc trọng tâm, trọng điểm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ sớm báo cáo Chinh phủ, hoàn thiện sớm khung quy hoạch định hướng để sớm ban hành khung định hướng.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến với 03 miền Bắc, Trung, Nam bao gồm 6 vùng KTXH trong cả nước với mục tiêu hướng dẫn, trao đổi với các địa phương để đánh giá những kết quả dự kiến đạt được trong năm 2021, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch; đồng thời trên cơ sở các kết quả đạt được để đề ra mục tiêu, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 nhằm đảm bảo tập trung, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra và nâng cao sự phối hợp, chia sẻ giữa các địa phương trong công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch nhất là trong bối cảnh diễn biến của dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức họp trực tuyến với các địa phương. (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực