Triển lãm quốc tế vải cao cấp Texfuture Việt Nam Xuân hè 2023

Thứ tư, 22/03/2023 21:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Triển lãm là dịp để cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, hiểu nhau hơn và tìm kiếm cơ hội hợp tác để cùng phát triển.
 Khai mạc Triển lãm Vietnam Textfuture Xuân Hè 2023. (Ảnh: Minh Dung)

Ngày 22/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty cổ phần Giải pháp Dệt may bền vững (STS) và Tengda Exhibition tổ chức khai mạc triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn - Thông minh hơn - Xanh hơn”.

Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023, thu hút hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm với hơn 1.500 mẫu vải được trưng bày. Các doanh nghiệp tham gia chủ yếu đến 7 nhóm lĩnh vực chính bao gồm: vải thời trang bền vững (Sustainable Fabrics), vải thời trang các loại (Fashion Fabrics), vải chức năng (Functional Fabrics), khu công nghiệp và kinh tế tuần hoàn (Industrial Park & Circular Economy), kỹ thuật – thông tin & giải pháp dệt may (Technique, Information & Solutions), nguyên liệu bông xơ (Textile raw materials), hàng gia dụng – phụ kiện và phụ liệu dệt may (Home Textiles & Accessories).

Tại sự kiện, các doanh nghiệp giới thiệu tới khách tham quan các chất liệu vải mới nhất, xu hướng họa tiết, công nghệ tiên tiến nhất trong ngành dệt may hiện nay. Điển hình như vải kết hợp công nghệ ảo hóa, công nghệ 3D, vải xanh, vải chức năng có thành phần từ nguyên liệu tái chế như vỏ sò, cà phê, phế phẩm từ sen…

Trong khuôn khổ triển lãm còn có các chuỗi hoạt động nổi bật như: không gian sáng tạo; kết nối giao thương; giới thiệu nguyên liệu vải tự nhiên qua các trang phục dân tộc; các chuyên gia chia sẻ về các xu hướng Xuân Hè 2024, kỷ nguyên mới trong thiết kế thời trang…

Triển lãm là dịp để cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, hiểu nhau hơn và tìm kiếm cơ hội hợp tác để cùng phát triển. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để ngành dệt may hình thành hệ sinh thái liên kết vùng nguyên liệu có trách nhiệm, phát triển ngành dệt may Việt Nam theo hướng “Kinh tế tuần hoàn - Kinh tế xanh và Chuyển đổi số”.

Tin: Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực