Văn Chấn là huyện miền núi có địa hình phức tạp, nhiều rừng núi, hang động, suối khe chằng chịt, thung lũng bằng phẳng. Độ cao trung bình 400m so với mặt nước biển. Tuy địa hình phức tạp nhưng đa dạng, là cơ sở để huyện xây dựng các tiểu vùng kinh tế đặc thù phát triển đồi rừng, trồng lúa, khai thác khoáng sản, du lịch, thủy điện, dược liệu, chăn nuôi…
Thời gian qua, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng đoàn kết của nhân dân các dân tộc địa phương, tình hình kinh tế - xã hội huyện Văn Chấn đã có nhiều khởi sắc, đạt được những kết quả nhất định.
|
Văn Chấn là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp, là tiềm năng lớn để địa phương phát triển kinh tế du lịch. Ảnh: Kim Chiến |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có bước phát triển tích cực. Vụ đông xuân, toàn huyện gieo cấy được 2.702,5 ha lúa, bằng 100,34% kế hoạch, năng suất đạt 58,12 tạ/ha, sản lượng 15.707 tấn, bằng 100% kế hoạch; sản lượng chè búp đạt 23.100 tấn bằng 48,6% kế hoạch; tổng diện tích chè trên địa bàn hiện nay đạt 4.558,5 ha.
Sản lượng hoa quả tươi đạt 8.000 tấn bằng 55% kế hoạch với tổng diện tích cây ăn quả hơn 3.000ha. Đàn gia súc đạt 108.848 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.508 tấn; tổng diện tích rừng đã trồng đạt 2.394 ha, bằng 76% kế hoạch; địa phương duy trì diện tích đồi rừng sản xuất quế trên 9.000 ha.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 590.673 triệu đồng, tăng 9,44% so với cùng kỳ, đạt 41,6% kế hoạch năm… Thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Toàn huyện đã đón 91.370 lượt khách du lịch, tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ, đạt trên 76% kế hoạch; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 70 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt trên 800 tỷ đồng, bằng 47,63% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 300.000 USD, bằng 100% so với cùng kỳ và 33,33% kế hoạch; thành lập mới 16 doanh nghiệp, 07 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác...
Đồng thời, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các công trình xây dựng cơ bản với tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước năm 2022 là 114.133 triệu đồng; đã giải ngân 56.135 triệu đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 49,2% kế hoạch vốn. Tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm đạt 1.099 triệu đồng, bằng 50,1% kế hoạch; riêng tổng vốn đầu tư cho công tác phát triển giao thông nông thôn đạt 222,48 tỷ đồng, hoàn thành 38,9 km đường bê tông nông thôn, bằng 64,8% kế hoạch.
Cùng với đó, Văn Chấn tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách hành chính công các cấp với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt 100%; chỉ số cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được nâng cao, góp phần giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng thu ngân sách Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm đạt 147,5 tỷ đồng bằng 60% kế hoạch, tăng 41% so với cùng kỳ.
|
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi cho thu nhập kinh tế cao ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: Xuân Nguyễn |
Cạnh đó, huyện đã tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong 6 tháng, đã cấp 172 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất cho 10 trường hợp.
Trong giáo dục, Văn Chấn đã huy động học sinh ra lớp duy trì sỹ số ổn định, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần; đến nay, đã có 6 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; toàn huyện có 34/66 trường đạt chuẩn mô hình “trường học hạnh phúc”.
Công tác chăm sóc y tế nâng cao sức khỏe cho người dân không ngừng được cải thiện; đến nay địa phương đã tổ chức tiêm mũi 4 cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt 41,3%; mũi 2 cho nhóm đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 93,9%; mũi 2 cho nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 49,5%. Trong 6 tháng, đã khám, chứa bệnh cho 76.679 lượt người, toàn huyện có 104.235 người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 89,64% dân số. Những năm qua, địa phương đã thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và thích nghi tốt với dịch bệnh COVID -19 trong tình hình mới.
Công tác bảo trợ, an sinh xã hội được quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo. Địa phương đã triển khai tích cực rà soát nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 và đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Huyện đã quan tâm giải quyết việc làm và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, trong 6 tháng đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.318/2.630 lao động, đạt 50,72% kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho 1.542/2.700 người đạt 61,68% kế hoạch; số lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp 825/1.400 người, bằng 58,93% so kế hoạch.
Văn hóa - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được chăm lo; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ ổn định, không phát sinh những vấn đề lớn, phức tạp.
Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách về dân tộc, tôn giáo. Tình hình vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo cơ bản ổn định, an ninh trật tự và an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo luôn được giữ vững; các tín đồ, giáo dân cơ bản thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, không có điểm nóng phức tạp xảy ra.
Đồng chí Mai Mộng Tuân – Bí thư Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) cho biết: Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp, tập trung xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phòng, chống bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chủ động ứng phó với thiên tai; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi công các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ khởi công, xây dựng công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới tại các xã; tổng kết đánh giá các nội dung chuyên đề tích hợp vào quy hoạch của tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Huyện sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định theo hướng bền vững; khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân bám sát các mục tiêu giảm nghèo bền vững” – Bí thư Mai Mộng Tuân nhấn mạnh./.