Chiều 17/10, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai tổ chức Tọa đàm “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế”.
|
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo. |
Tham dự và Chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tọa đàm có sự tham dự của các đồng chí: Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Về phía tỉnh Gia Lai có đại diện: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai; đại diện các sở, ngành: Sở Nông nghiệp; Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Hội Nông dân tỉnh Gia Lai; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Gia Lai, Hiệp hội nữ doanh nhân tỉnh Gia Lai; đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai; đại diện lãnh đạo các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xuất khẩu.
Về phía Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có đại diện Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên Cơ quan đại diện khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam... Tọa đàm cũng có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học.
|
Đồng chí Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. |
Phát biểu Đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Gia Lai là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Trong đó, có nhiều nông sản là đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, cao su, chanh dây, bơ, sầu riêng, chuối, sa nhân tím, đinh lăng, đương quy, hà thủ ô đỏ...
Hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, riêng nhóm hàng nông sản đang chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với nhiều mặt hàng nông sản đã có mặt ở những quốc gia lớn trên thế giới. Tuy có được những kết quả khả quan, nhưng điều đó vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
|
Các đồng chí chủ trì Hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Công Dũng cho biết, Tọa đàm có sự tham gia của hơn 200 đại biểu với 20 tham luận của các đại diện các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp là cơ hội để các đại biểu cùng nhau trao đổi, đánh giá những kết quả mà hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai đã thực hiện được trong thời gian qua; cùng phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn cũng như nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó khắc phục những hạn chế, phát huy những mặt tích cực và đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, giúp khai thác hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra những đột phá trong xuất khẩu nông sản. Qua Tọa đàm cũng giúp cho các ngành, các cấp có thêm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách phù hợp, thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững của Gia Lai.
Với tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Công Dũng nhấn mạnh một số nội dung mà các đại biểu sẽ cùng nhau tập trung phân tích, làm rõ trong Tọa đàm: Những thuận lợi, khó khăn từ những đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Gia Lai đối với phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những loại cây trồng chủ lực và có lợi thế cạnh tranh, mang lại giá trị kinh tế lớn. Đánh giá cụ thể về thế mạnh trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai theo từng vùng, từng địa phương. Tỉnh đã phát huy thế mạnh đó như thế nào? Cơ sở lý luận về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của vùng. So sánh thế mạnh của nông sản Gia Lai so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và trong sự phát triển chung của cả nước; Hoạt động liên kết để khai thác tiềm năng, tăng thêm nguồn lực. Vấn đề xuất khẩu nông sản của Gia Lai thời gian qua, thuận lợi, khó khăn và giải pháp tháo gỡ. Hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn, thuận lợi và khó khăn, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sự phát triển hay không. Việc đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển mạng lưới logistic tạo điều kiện xuất khẩu nông sản phát triển...
|
Tọa đàm có sự tham gia của hơn 200 đại biểu với 20 tham luận của các đại diện các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp là cơ hội để các trao đổi, đánh giá những kết quả hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai. |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao về việc Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức Tọa đàm ý nghĩa này. Đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên trong phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững là “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ...”. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất nông sản thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản.
Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh về nông, lâm nghiệp với diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, có hơn 837.643 ha đất màu mỡ để sản xuất nông nghiệp, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị. Tỉnh hiện cũng đang sản xuất nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, trái cây các loại...; bên cạnh đó còn có nhiều loại rau củ, nông sản khác đã và đang là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu hàng nông sản của địa phương.
Ngành nông nghiệp của Gia Lai đang tạo ra được nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, đặc trưng theo từng vùng. Hiện toàn tỉnh có 409 sản phẩm đạt OCOP đạt 3 - 4 sao, trong đó có: 59 sản phẩm đạt 4 sao và 350 sản phẩm đạt 3 sao. Cùng với đó, hầu hết cây trồng chủ yếu ở đây được hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Gia Lai đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản. Được biết, hiện các mặt hàng nông sản của Gia Lai đã và đang xuất khẩu với mức tăng trưởng khả quan sang thị trường của gần 40 quốc gia trong đó đặc biệt đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ… Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 70 % - 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương với các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nói trên.
Đồng chí Phan Xuân Thủy cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, cũng như các tỉnh Tây Nguyên nói chung, ngành nông nghiệp Gia Lai hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đồng chí khẳng định, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực (sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít,...), cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè), cây dược liệu, rau, hoa, chăn nuôi gia súc bảo đảm môi trường và gắn với công nghiệp chế biến.
“Để đạt được các nội dung, mục tiêu nói trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển mà tỉnh Gia Lai cần khẩn trương triển khai là hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn, biến tiềm năng thành lợi thế đối với lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói riêng.” - Đồng chí Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, Tọa đàm “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế” là diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương cùng trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, cởi mở, khách quan và tâm huyết những vấn đề về thực trạng, tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức và hướng giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả để giúp cho ngành nông nghiệp Gia Lai có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
|
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Tọa đàm, đồng chí Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới, có sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với các thị trường xuất khẩu. Tỉnh Gia Lai vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh sẵn có, cần phải tập trung nguồn lực để phát triển xuất khẩu nông sản chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, thông qua Tọa đàm, tỉnh Gia Lai đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ Gia Lai trong việc mời gọi, kết nối các đối tác, doanh nghiệp đến Gia Lai đầu tư, hình thành và phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông sản có thế mạnh của Gia Lai đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật và quy định của thị trường tiêu thụ các nước. Đồng thời, hỗ trợ Gia Lai phát triển hệ thống logistic trong lĩnh vực nông sản (từ sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu) để giúp nông sản hàng hóa có thế mạnh của Gia Lai tiến nhanh, tiến sâu vào thị trường các nước.
“Tỉnh Gia Lai cũng cam kết tạo các điều kiện cho nhà đầu tư được nhiều thuận lợi trong thụ hưởng các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thực hiện việc liên kết, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư để tạo hiệu quả cao nhất.” - Đồng chí Dương Mah Tiệp khẳng định./.