Nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy dự án năng lượng ở Ninh Thuận

Thứ năm, 05/12/2024 10:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng, tỉnh Ninh Thuận sẽ tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, tạo tiền đề để đề ra những mục tiêu lớn hơn, tham vọng hơn cho những năm phát triển tiếp theo.
Tổng Bí thư Tô Lâm đến chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)  

Sáng 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm và có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; quá trình triển khai chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thời gian qua.

Cùng đi với Tổng Bí thư có các đồng chí: Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư…

Khai thác hiệu quả nhiều tiềm năng thế mạnh

Tại buổi làm việc, báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV trong bối cảnh có những thuận lợi, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, với quyết tâm chính trị cao của toàn Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết và được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã kịp thời xây dựng Chương trình hành động phù hợp, sát thực tiễn; tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết sâu rộng trong toàn Đảng bộ và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; qua đó, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng bộ, đồng thuận trong Nhân dân về ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra.

Để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy tỉnh đã ban hành 23 nghị quyết chuyên đề, 14 chương trình hành động, 10 đề án, 59 chỉ thị, 354 kế hoạch, 51 quy định... để lãnh đạo, chỉ đạo trên các mặt công tác.

Đưa Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia (Nguồn: vtvgo.vn)   

Qua 5 năm thực hiện, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, ước hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9% thuộc tốp đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp; khai thác hiệu quả được nhiều tiềm năng thế mạnh. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện. Dịch vụ, du lịch phục hồi, lượng du khách đến tỉnh tăng mạnh, đến cuối năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện đáng kể, huy động nguồn lực đầu tư đạt kết quả tích cực. Trong vòng 10 năm qua, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,34% xuống còn 2,69%.

Văn hóa-xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo bước đầu đạt kết quả. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, vị thế của tỉnh được nâng lên.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực, tỉnh đã bám sát các văn bản của Trung ương, tập trung lãnh đạo quyết liệt, chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động triển khai thực hiện kịp thời Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đến nay, từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đầy đủ các khâu tổ chức học tập, quán triệt, ban hành kế hoạch thực hiện đến việc chủ động chuẩn bị điều kiện về văn kiện, nhân sự. 

Tổng Bí thư Tô Lâm với cán bộ chủ chốt tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN) 

Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35-CT/TW

Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và Hướng dẫn 27-HD/BTCTW, ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung ương, báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Thuận cho hay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức kịp thời quán triệt và hướng dẫn đến các cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp; chỉ đạo triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong Nhân dân. Qua đó, nâng nhận thức về tầm quan trọng, điểm mới của công tác chỉ đạo đại hội đảng các cấp, trong đó chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng sớm ban hành Kế hoạch, Hướng dẫn để triển khai thực hiện; thành lập ngay các Tiểu ban chuẩn bị (Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban phục vụ) và các Tổ giúp việc. Các ban tham mưu, giúp việc tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến công tác đại hội. Các huyện ủy, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc xây dựng kế hoạch chỉ đạo đại hội cụ thể đối với cấp dưới và cấp mình, hướng dẫn và chỉ đạo cấp uỷ cơ sở thực hiện Chỉ thị cụ thể ở từng địa phương.

Công tác lãnh, chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức đại hội được các cấp ủy thực hiện xuyên suốt. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn cùng với cấp uỷ địa phương lãnh đạo, chỉ đạo đại hội; làm việc với ban thường vụ các huyện, thành ủy và một số đảng ủy cơ sở để nắm tình hình công tác chuẩn bị của cấp ủy các cấp. Chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng; phát động các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Qua đó, cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, trách nhiệm trong công tác chuẩn bị Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030 trên tất cả các mặt.

Triển khai chủ trương đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Theo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Thuận, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 41/2009/QH12, ngày 25/11/2009, xác định quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tổng diện tích Quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 là 1.642,22 ha, ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 người/1.100 hộ.

Sau khi công bố quy hoạch địa điểm, Đảng bộ, Chính quyền các cấp tuyên truyền vận động, đa số Nhân dân vùng dự án đã chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng lòng tự nguyện chấp thuận di dời, bàn giao mặt bằng. Tỉnh chỉ đạo hoàn thành công tác đo đạc, kiểm kê, áp giá bồi thường tại địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, các khu tái định canh, định cư, khu nghĩa trang, với tổng diện tích 479 ha/1.029 ha; đồng thời triển khai 10 dự án thành phần phục vụ tái định cư. Đồng thời, cử 88 học sinh, sinh viên tham gia học tập ngành công nghệ hạt nhân tại Liên bang Nga; đến nay có 44 em về nước, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giới thiệu việc làm; 29 em tự tìm việc làm; 15 em chưa về nước.

Tuy nhiên, thực hiện dừng chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo tinh thần Nghị quyết 31/2016/QH14, ngày 26/11/2016 của Quốc hội, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, đảng viên, các hội đoàn thể chính trị và Nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của Quốc hội. Thông qua đó đã giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân, tạo đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: CTV). 

Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, Ninh Thuận là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, kiên cường, bất khuất, luôn có quyết tâm, ý chí vươn lên. Ninh Thuận được tái lập năm 1992 với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ, đời sống của Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, với bản lĩnh và ý chí, tinh thần dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã vượt khó vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ, phát huy tiềm năng, lợi thế, biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, đến nay đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

“Qua theo dõi tình hình, nghe báo cáo và ý kiến của các đồng chí dự buổi làm việc, Tôi đánh giá cao kết quả của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt biểu dương tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và ý chí tự lực, tự cường của người dân Ninh Thuận đã tạo nên sự đổi thay rất lớn trên tất cả các lĩnh vực”- Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh bày tỏ vui mừng và xúc động, chứng kiến vùng đất khô hạn với lượng mưa ít ỏi, thấp nhất cả nước chỉ với khoảng 700-800mm/năm nhưng Ninh Thuận đã vượt lên khó khăn, biết khai thác những tiềm năng sẵn có, từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đến du lịch xanh và nông nghiệp công nghệ cao. Ninh Thuận ngày nay không chỉ là điểm đến hấp dẫn, mà còn là lời nhắc nhở rằng sự quyết tâm, bền bỉ, sáng tạo có thể biến những thách thức thành cơ hội, mở ra con đường phát triển bền vững và đầy hy vọng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí Tô Lâm thư ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã đạt được trong thời gian qua và lưu ý: Ninh Thuận phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, chưa đi vào chiều sâu. Đặc biệt, Ninh Thuận là nơi hội tụ các giá trị khác biệt so với các địa phương khác trong cả nước như: diện tích rộng nhưng mật độ dân cư thấp; là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Trung bộ, Duyên hải Miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên; là nơi có bờ biển dài 105 km, nhiều vịnh, bãi biển đẹp, an toàn (trong đó Khu du lịch Ninh Chử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành Khu du lịch quốc gia) thuận lợi phát triển kinh tế biển, cảng biển và trung tâm dịch vụ logistics; là địa phương có tốc độ gió và số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, điện gió; là nơi hội tụ đa dạng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc, trong đó văn hóa truyền thống của người Chăm và Raglai còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo, nổi tiếng như: các công trình Tháp Chăm, làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc (trong đó Di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); là nơi có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như: Ninh Chử, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh, Nam Cương, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa...; là địa bàn lý tưởng để sản xuất muối và hóa chất sau muối; có nhiều sản phẩm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng : nho, táo, hành, tỏi, tôm giống… nhưng chưa được phát huy, khai thác hiệu quả, toàn diện và xứng tầm.

“Thực trạng trên là do các nguyên nhân như: hạ tầng chiến lược, đặc biệt là mạng lưới giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện; Ninh Thuận vẫn còn thiếu một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội còn hạn chế, bất cập; các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội nhưng chưa thật sự đầy đủ, kịp thời, hiệu quả và bản thân tỉnh Ninh Thuận mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vươn lên nhưng cần toàn diện, tổng thể hơn và nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa”- đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí trong Đoàn công tác Trung ương chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: CTV). 

Khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá

Về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, để khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, khối Đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường kiểm soát quyền lực, kiên quyết phòng chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ và hệ thống chính trị. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân, xây dựng ý chí khát vọng đưa Ninh Thuận phát triển.

Chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp

Cùng với yêu cầu trên, đồng chí Tổng Bí thư đề nghị Ninh Thuận bám sát Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp cấp trên để triển khai thực hiện. Chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; trọng tâm là công tác nhân sự phục vụ Đại hội đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu; văn kiện Đại hội đảm bảo trung thực, khách quan, có ý chí khát vọng, sát thực tiễn; tiếp thu rộng rãi ý kiến trong Nhân dân; định hướng rõ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương; nhất là chủ động bám sát những quan điểm mới, định hướng, giải pháp mang tính chiến lược của Trung ương để có giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi động lại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Ninh Thuận tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, hiệu quả, gắn với làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Để có thể phát triển đột phá trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cần phải triển khai đồng thời 02 cách tiếp cận: Tranh thủ và phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương; tạo ra cơ hội mới để thu hút nhà đầu tư, thu hút nguồn lực bên ngoài từ phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. (Ảnh: TTXVN)   

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đột phá của tỉnh như: năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế số... Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, liên thông, liên kết vùng. Tập trung phát triển Khu kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh để hướng đến hình thành Khu kinh tế ven biển; xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo liên vùng; Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ năng lượng sạch tại tỉnh Ninh Thuận; Trung tâm công nghiệp xanh- NetZero; Trung tâm sản xuất chip bán dẫn và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao giáo dục và đào tạo; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm; nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Chú trọng giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho nhân dân, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững; xóa nhà tạm, nhà dột nát. Quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư gắn bó thực sự và kinh doanh lâu dài với Ninh Thuận. Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Đồng chí Tổng Bí thư cũng đề nghị Ninh Thuận cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Thực hiện có hiệu quả công tác quân sự-quốc phòng. Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khơi động lại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo chủ trương của Trung ương, nhất là công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. (Ảnh: TTXVN)  

Thấm nhuần tư tưởng trung tâm “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Tổng Bí thư đề nghị các Ban đảng Trung ương, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương tìm hướng xử lý, giải quyết với quan điểm Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, sáng tạo, phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Với tinh thần mới, khí thế mới, Tổng Bí thư lưu ý, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương của Đảng, quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng trung tâm “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, bám sát các trụ cột quan điểm mới ra đời xung quanh “Tư tưởng trung tâm” này, khẩn trương thẩm thấu trong suy nghĩ, biến thành hành động trong tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tinh thần khẩn trương nhất “vừa chạy vừa xếp hàng”, việc gì làm được ngay thì thực hiện ngay. Cơ hội đã đến, điều kiện đã đủ, phương pháp đã có, tất cả đều phải rất khẩn trương nếu không sẽ để lỡ cơ hội.

Tổng Bí thư tin tưởng, tỉnh Ninh Thuận sẽ tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, tạo tiền đề để đề ra những mục tiêu lớn hơn, tham vọng hơn cho những năm phát triển tiếp theo.

* Hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Ninh Thuận, tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc./.

Tin, ảnh: Đình Tăng và CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực