Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch

Thứ sáu, 31/03/2023 17:06
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ tiếp tục rà soát lại các vấn đề về thể chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực của Bộ, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá.

Sáng 31/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. 

Báo cáo tóm tắt công tác VHTTDL từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 và tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ được Chủ tịch Quốc hội giao, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Hệ thống pháp luật về văn hoá hiện có 170 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 5 luật, 33 nghị định, 10 chỉ thị... Trong 9 lĩnh vực chuyên môn về văn hoá hiện đã có 5 lĩnh vực được điều chỉnh bằng luật, 3 lĩnh vực được điều chỉnh bằng nghị định, chỉ còn lĩnh vực văn học chưa có văn bản pháp luật riêng điều chỉnh trực tiếp.

Về cơ bản, hệ thống pháp luật về văn hoá hiện đã bao quát, toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành quản lý, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, chính trị, văn hoá và hệ thống pháp luật nói chung; minh bạch, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần thúc đẩy các nguồn lực xã hội tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực văn hoá, bảo đảm để phát triển phong phú, đa dạng hơn theo đúng các nguyên tắc, chuẩn mực pháp luật quy định.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận thức sâu sắc nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về văn hoá, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 và phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo Văn hoá năm 2022. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu, thể chế hoá 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng đã được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại Hội thảo Văn hoá 2022 để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.

Cụ thể là: Chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện; chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; chính sách phát triển công nghiệp di văn hóa; chính sách về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; chính sách phát triển nguồn 20 nhân lực văn hóa; chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại buổi làm việc.

Đến nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá. Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2021 – 2026 với 5 dự án luật, 9 dự thảo nghị định; ban hành Kế hoạch hành động tiếp tục thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, xác định 3 nhóm nhiệm vụ với danh mục đề án, chương trình, dự án cụ thể.

Triển khai các nhiệm vụ xây dựng thể chế, Bộ cũng đang tập trung xây dựng 2 đề án trọng tâm về “Xây dựng Bộ Chỉ số văn hoá quốc gia vì sự phát triển bền vững” và “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Qua rà soát, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, đối với hệ thống văn bản của ngành văn hoá, thể thao và du lịch đều có những quy định nguyên tắc về chính sách, ưu đãi thuế để phát triển. Tuy nhiên, hiệu lực của các quy định về chính sách thuế trong các luật chuyên ngành chỉ mang tính chất nguyên tắc, việc áp dụng phụ thuộc vào các quy định cụ thể của từng đạo luật về thuế.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị điều chỉnh sửa đổi một số luật chuyên ngành như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển văn hoá.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương những kết quả mà Bộ VHTTDL đã làm được trong thời gian qua, đồng chí nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ cần tiếp tục rà soát lại các vấn đề về thể chế, chính sách, pháp luật theo tinh thần Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và các nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến lĩnh vực của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hoá, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và kết quả Hội thảo Văn hoá do Quốc hội tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2022, Bộ VHTTDL cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm một số nhiệm vụ lập pháp ngoài Kế hoạch số 81. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trước đây dự kiến xây dựng pháp lệnh nhưng trong tình hình hiện nay cần thiết phải điều chỉnh bằng luật hay lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh (như văn học)... cũng cần được rà soát thật kỹ lưỡng.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng cần khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hoá ngang tầm chính trị, kinh tế; bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa năm 2022.

Về Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng việc Quốc hội đăng cai tổ chức sự kiện này và nêu rõ, Hội nghị sẽ có 3 phiên chuyên đề về Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Trong đó, phiên chuyên đề thứ 3 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững” liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung được phân công, đặc biệt chú ý đến tính kết nối giữa các chủ đề chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, con người trong phát triển bền vững…/.

Tin, ảnh: Thu Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực