leftcenterrightdel

Từ bao đời nay, Áo dài luôn được coi là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc Áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, là hiện thân của dân tộc, là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.

Hình ảnh chiếc áo Tứ thân, Ngũ thân với yếm đào, khăn mỏ quạ (tiền thân của Áo dài ngày nay) từ xa xưa đã được nhắc nhiều trong ca dao, dân ca. Đó cũng là nguồn cảm hứng bất tận trong các tác phẩm của giới văn nghệ sỹ, báo chí sau này. Nhưng không chỉ là trang phục truyền thống của dân tộc, Áo dài còn là một hình ảnh đặc biệt trong ngoại giao văn hóa, kết nối Việt Nam và thế giới.

"Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu

Dù ở đâu... Paris, London hay ở những miền xa

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố

Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó… em ơi!”

Những câu ca trong bài "Một thoáng quê hương" của Nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng đã cho thấy niềm tự hào về sự hiện diện của Áo dài Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới. Áo dài ngày nay không chỉ dành cho phụ nữ Việt Nam mà nhiều người nước ngoài (trong đó đặc biệt là những phu nhân, nhà ngoại giao,…) cũng lựa chọn Áo dài để mặc như một sự tôn trọng về văn hóa Việt Nam. Áo dài cũng không chỉ xuất hiện ở phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn hiện diện ở khắp các châu lục, hay trong những sự kiện lớn của quốc tế. Chiếc Áo dài thực sự đã trở thành một hình ảnh đầy tự hào để nhận diện về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.  

leftcenterrightdel

Áo dài là sự kế thừa từ các nền tảng truyền thống 

leftcenterrightdel
 Áo tứ thân ra đời vào thế kỷ XVII, tiền thân của Áo dài ngày nay (Ảnh: Bảo tàng Áo dài) 

Theo PGS.TS Phạm Văn Dương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Áo dài không phải là sự sáng tạo của một người ở một thời điểm mà là sự kế thừa của văn hóa truyền thống hàng nghìn năm. Nói một cách khác, Áo dài chính là sự sáng tạo trên nền tảng đã có và chiếc Áo dài phổ biến ngày nay chính là kết quả của nhiều lần cách tân.

 PGS.TS Phạm Văn Dương cho biết: “Áo dài có nguồn gốc xa xưa từ Áo dài giao lãnh, rồi đến áo Tứ thân của phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, sau đó được cách tân nhiều lần. Đầu thế kỷ XX, họa sỹ Lemur (Nguyễn Cát Tường) cách tân từ bộ áo Tứ thân và Ngũ thân để trở thành phiên bản Áo dài gần với chiếc áo chúng ta thấy ngày nay. Từ áo Tứ thân, Ngũ thân, họa sỹ Cát Tường đã đưa thêm nét hiện đại của trang phục phương Tây vào, đó là chiết eo lại, để tôn đường cong của cơ thể người phụ nữ, đồng thời đưa vào thiết kế những yếu tố của đầm Tây như phần tay bánh bèo, cách tân ở cổ… để tôn lên những nét duyên dáng, quyết rũ của người phụ nữ”.

Vào những năm 1960, họa sĩ  Lê Phổ của trường Nghệ thuật Đông Dương đã đưa ra một mẫu áo gần với nét truyền thống hơn. Cổ chiếc áo dài được thiết kế kín đáo hơn, không phô diễn quá nhiều song vẫn giữ đường nét cong mềm mại của cơ thể người phụ nữ. Có rất nhiều người phụ nữ ưa dùng mẫu áo dài của họa sỹ Lê Phổ vì phụ nữ Việt Nam vẫn thích sự kín đáo, tế nhị, đặc biệt là những cô gái ở miền Bắc.

leftcenterrightdel

Theo PGS.TS Phạm Văn Dương, bắt đầu từ những năm 1970 trở lại đây, Áo dài trở nên phổ biến. Nếu như trước đây, chỉ có một bộ phận dân chúng mặc Áo dài như tầng lớp trí thức ở thành thị... thì về sau Áo dài đã trở nên phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân, từ đồng bằng, nông thôn đến thành thị…. Trước đây, Áo dài được sử dụng trong những dịp quan trọng như cưới xin, lễ hội… thì ngày nay, Áo dài được sử dụng trong mọi sự kiện. 

“Với dân tộc Việt Nam, trang phục Áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, đó là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc” – PGS.TS Phạm Văn Dương nói.

Giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc qua hình ảnh Áo dài

PGS.TS Phạm Văn Dương cho rằng: “Trước hết phải khẳng định bản sắc chính là những nét riêng để phân biệt giữa các dân tộc, cộng đồng hay quốc gia với nhau. Trên thế giới, mỗi một dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng người đều có nét riêng. Nét riêng đó không chỉ thể hiện ở những giá trị vật chất như: kiến trúc nhà cửa, các đồ dùng sinh hoạt... mà còn thể hiện ở giá trị tinh thần, gu thẩm mỹ. Ở đất nước của chúng ta, Áo dài là trang phục mà người phụ nữ Việt Nam luôn chọn để mặc trong các sự kiện quan trọng của cuộc đời họ. Từ đó, trang phục Áo dài trở thành nét riêng, bản sắc và không bị hòa lẫn, hòa tan trong các bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế. Nét riêng ấy giúp cho cộng đồng quốc tế dễ dàng nhận diện ra những nét đẹp, duyên dáng, gu thẩm mỹ riêng của người con gái Việt Nam. Đó gọi là bản sắc”.

Có thể thấy, trải qua các giai đoạn lịch sử, Áo dài Việt Nam có sự biến đổi qua nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng ở đâu, dù thế nào thì chiếc Áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được. Áo dài được định hình để trở thành nét riêng của người phụ nữ Việt Nam và được thế giới thừa nhận.

leftcenterrightdel

“Trên các tuyến phố hoa lệ của New York hay Paris, khi thấy một cô gái mặc áo dài thì bản thân cô ấy đã muốn thể hiện nét đẹp riêng của đất nước, con người cô ấy. Còn đối với những người được chiêm ngưỡng hình ảnh đó, thì bản thân họ cũng biết rằng đây là một người con gái Việt Nam, tâm thức họ nhận ra rằng bộ trang phục đó thuộc về nền văn hóa Việt Nam”, PSG.TS Phạm Văn Dương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu như nói đến Áo dài Việt Nam mà không nhắc đến Áo dài dành cho nam giới. Nhưng khác so với giới nữ, nam giới thường chỉ mặc trang phục Áo dài truyền thống trong một số dịp đặc biệt như: Dịp lễ Tết, cưới xin, hoặc trong các sự kiện có tính văn hóa truyền thống. Tuy không phải là trang phục được lựa chọn phổ biến như nữ giới nhưng việc nam giới mặc Áo dài truyền thống góp phần làm trọn vẹn hơn việc giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của văn hóa dân tộc qua hình ảnh Áo dài.

Biểu tượng cho "khả năng tự vệ về văn hóa" trước các xu hướng hội nhập

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Phát huy tinh thần đó, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn xác định ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại. 

leftcenterrightdel

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, xác định ngoại giao văn hóa thông qua các công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.  Theo đó, văn hóa không chỉ phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người - tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.

 Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Đúng như lời Tổng Bí thư đã nói, mỗi dân tộc có giá trị riêng và nhiều giá trị sẽ trở thành hệ giá trị. Một dân tộc có nhiều hệ giá trị thì đó là một dân tộc có nền văn hóa đặc sắc, phong phú. Để những giá trị riêng trở thành “căn cước”, không bị nhầm lẫn với các nền văn hóa khác.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh Áo dài và nón lá Việt Nam trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật đối ngoại (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

 

Theo PSG.TS Phạm Văn Dương, bản sắc riêng cũng trở thành “khả năng tự vệ về văn hóa” của một dân tộc trước các xu hướng hội nhập, đồng hóa. Điều này đã được thể hiện rất rõ khi Việt Nam trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, đô hộ của phương Tây, thậm chí còn trải qua những thời điểm bị “đồng hóa” và “cưỡng bức” về văn hóa, nhưng Việt Nam vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng. Bản sắc riêng, giá trị riêng được định hình, kiến tạo từ bề dầy hàng nghìn năm lịch sử đã khiến cho đất nước, con người Việt Nam “có khả năng tự vệ” về văn hóa.  Cho nên, đứng trước nhiều biến cố lịch sử, người Việt Nam vẫn duy trì được một nền văn hóa với những đặc trưng riêng, không bị đồng hóa, không bị mất đi theo thời gian.

 

"Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, một dân tộc giữ được văn hóa thì dân tộc ấy không bao giờ có thể mất đi hay bị diệt vong, trừ những dân tộc không có văn hóa. Vậy thì văn hóa là một bản sắc cực kỳ quan trọng với sự độc lập của đất nước, của dân tộc. Khi người ta nhận diện được giá trị riêng của họ thì họ sẽ ý thức giữ gìn nền văn hóa, giữ gìn dân tộc ấy. Một dân tộc không nhận diện được giá trị riêng, không biết họ ở đâu hay thuộc về nền văn hóa nào thì dân tộc đó khó có thể tồn tại trong xu hướng hội nhập đang diễn ra nhanh chóng” – PGS.TS Phạm Văn Dương nói. 

leftcenterrightdel

Nói về giá trị của Áo dài, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã từng nhấn mạnh tại Hội thảo: “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” (ngày 26/6/2020): Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ. Áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, hướng tới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

leftcenterrightdel

Từ góc độ của một nhà thiết kế, nhà thiết kế Minh Hạnh cũng cho rằng, văn hóa vẫn luôn là nền tảng trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay. Và Áo dài là một trong những vật thể có đủ “quyền lực” để truyền tải những thông điệp thời đại của Việt Nam đến với thế giới. “Cho đến thời điểm này, Áo dài đã trở thành niềm tự hào và cũng là một trong những đại diện về bản sắc không thể thay thế. Áo dài đã ghi dấu những giá trị thời đại qua những thông điệp lan tỏa sự tích cực cho cuộc sống”, nhà thiết kế Minh Hạnh khẳng định.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, Áo dài chính là di sản của Việt Nam và khi đã là di sản thì nội lực là vô cùng. Bà cho rằng, Áo dài cũng chính là đại sứ mang thông điệp về sự chuyển động tích cực của cuộc sống, về những mong ước  thành tựu trong thời đại toàn cầu hoá.

Có thể nói, Áo dài Việt Nam đã tạo dựng được “thương hiệu riêng” và để lại những ấn tượng sâu sắc mỗi khi bạn bè quốc tế nói về đất nước, con người Việt Nam. Thương hiệu này đã và đang được mỗi người dân Việt Nam, cũng như những người nước ngoài yêu mến Việt Nam khẳng định, lan tỏa và truyền cảm hứng trong trong các sự kiện văn hóa, xã hội, chính trị, ngoại giao quốc tế,..../.

* Trong bài có sử dụng một số ảnh tư liệu, ảnh sưu tầm và ảnh của các đồng nghiệp.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Bài 3: Những “sứ giả” đưa Áo dài ra thế giới

Bài 4: Đưa Áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể

 

Nhóm PV Thời sự
26/06/2023 14:18