leftcenterrightdel

Bài 3: Mở rộng ngành học để thu hút tuyển sinh đào tạo về Nông nghiệp

(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiều khi chúng ta tự giới hạn không gian nông nghiệp, những giáo trình nông nghiệp khép kín quá. Bây giờ, chúng ta cần tư duy nền nông nghiệp mở, rất nhiều ngành để làm nông nghiệp mà không phải chỉ học trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật,… Thương mại điện tử để bán hàng cho người nông dân cũng là nông nghiệp.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khi trao đổi với phóng viên báo chí về công tác đào tạo nguồn nhân lực Nông nghiệp hiện nay.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Phóng viên (PV): Những năm gần đây, việc đào tạo nguồn nhân lực Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn khi số lượng học sinh đăng ký vào học ngành Nông lâm nghiệp đang giảm mạnh. Bộ trưởng có những nhìn nhận, đánh giá như thế nào trước thực trạng này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thực ra, trong tuyển sinh thì không chỉ riêng ngành Nông nghiệp, kể cả một số ngành khác cũng đang gặp khó khăn, đây cũng là một xu thế bình thường. Chúng ta nhìn ra xu thế đó để chúng ta tìm ra các giải pháp.

Tôi trăn trở hoài, có lẽ chúng ta chưa có cách để truyền thông hay là cách các trường của chúng ta giới thiệu về ngôi trường, giới thiệu về ngành Nông nghiệp đang còn hạn chế? Xu thế thoát ly nông nghiệp cũng là một thực tại trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải xem xét lại ngành nghề của mình, xem xét lại trách nhiệm của mình. Bản thân mình đã làm hết sức mình chưa, đã truyền cảm hứng cho các em chưa?.

Bây giờ, chúng ta giới thiệu cho các em là học nông nghiệp không có nghĩa là ra đồng, không có nghĩa là chỉ trồng trọt, chăn nuôi, xuống ao hồ mà nông nghiệp còn có những công nghệ vi sinh, làm trong các phòng thí nghiệm, nghĩa là những đỉnh cao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp bây giờ người ta dùng những thiết bị bay để phun thuốc trừ sâu. Đó là nông nghiệp. Thành ra nhiều khi chúng ta tự giới hạn không gian nông nghiệp, những giáo trình nông nghiệp khép kín quá, bây giờ chúng ta tư duy nền nông nghiệp mở, rất nhiều ngành để làm nông nghiệp mà không phải chỉ học trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật,… Thương mại điện tử để bán hàng cho người nông dân cũng là nông nghiệp.

Bên cạnh đó, học du lịch nhưng vẫn làm nông nghiệp được, học cơ khí vẫn làm được trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp. Thành ra, các trường chưa biết cách để mở ra không gian để các em thấy rằng làm nông nghiệp có nhiều cách để tiếp cận bằng những đỉnh cao khoa học công nghệ. Nó là một khoa học, thậm chí là một khoa học chuyên sâu mà không phải chỉ là điện tử, bán dẫn, ô tô, hay là quan hệ quốc tế - những ngành thời thượng bây giờ.

Vấn đề AI, 4.0 cũng đều làm được ở trong nông nghiệp. Như vậy khái niệm nông nghiệp chúng ta phải mở ra. Học nông nghiệp phải tiếp cận với công nghệ thông tin, học công nghệ thông tin có thể làm nông nghiệp được, để các em thấy là bản thân mình học nông nghiệp nhưng mình có thể không trực tiếp làm nông nghiệp, mà  có thể làm công nghệ thông tin, làm dữ liệu lớn. Những khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn dư địa rất lớn nếu như các trường mở ra không gian đó.

Tôi nói rằng nhiều khi các em không muốn học nông nghiệp, chúng ta phải hỏi tại sao như thế?. Tất nhiên nó là một xu thế và cũng không phải tất cả đều học nông nghiệp, ngành nào cũng có thể làm nông nghiệp được. Và, học nông nghiệp cũng có thể làm được các ngành khác được.

Các em sau này làm về một cửa hàng bán lương thực thực phẩm sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc, biết chế biến ra đạng hóa các sản phẩm, sơ chế, tinh chế tạo ra giá trị gia tăng,… để các em thấy rằng không gian học nông nghiệp rất là phong phú.

leftcenterrightdel
 Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, học nông nghiệp không có nghĩa là chỉ trồng trọt, chăn nuôi, xuống ao hồ mà nông nghiệp còn có những công nghệ vi sinh, làm trong các phòng thí nghiệm, nghĩa là những đỉnh cao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp

PV: Trước những khó khăn của đào tạo nguồn nhân lực Nông nghiệp hiện nay, xin Bộ trưởng cho biết, ngành NN&PTNT có những định hướng như thế nào về công tác này?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta đang kiến tạo ra một con đường mà như Thủ tướng đã nói, chúng ta phải tạo ra nguồn lực mới. Ngoài nguồn lực đầu tư từ ngân sách của chúng ta cho nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo, chúng ta mở ra một nguồn lực xã hội hóa. Như vậy, điều này sẽ làm một chuyện mà sẽ được nhiều mục tiêu.

Doanh nghiệp cũng cần không gian để chứng minh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đến trường lại kích hoạt tư duy bổ sung vào những giáo trình, những bài giảng phù hợp với xu thế thị trường. Kinh tế thị trường hiện nay gắn liền với doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta đang đưa luồng gió mới của thị trường, tư duy kinh tế vào trong trường. Đi theo cùng luồng gió mới là nguồn lực của doanh nghiệp, và điều đó sẽ trở thành một cách để chúng ta đào tạo.

Thứ hai là chúng ta sẽ mở ra phương thức đào tạo, phân nửa thời gian học ở trong trường và phân nửa học ở doanh nghiệp. Như vậy hoạt động nghiên cứu của các trường sẽ gắn liền với đời sống kinh tế của doanh nghiệp. Và doanh nghiệp lúc đó cũng sẽ không phải đầu tư những cái mà các trường đã có rồi như: phòng thí nghiệm có rồi, nghiên cứu khoa học có rồi,… Hai bên hỗ trợ nhau để đỡ lãng phí nguồn lực đầu tư, hai nguồn lực cùng hợp lại với nhau sẽ kích hoạt giáo dục của chúng ta đi theo hướng thị trường, sản phẩm nông nghiệp ra được thị trường, sinh viên học sinh cũng ra được thị trường, hòa nhập được với thị trường.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Để khắc phục những tồn tại trong công tác đào tạo nguồn nhân lực Nông nghiệp, nông thôn và chuẩn bị nhân lực cho triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022, Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/BCSD ngày 8/5/2023 về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030".

Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, phương hướng và nhiều giải pháp đồng bộ cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, tay nghề cao để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đủ năng lực nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ hiện đại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, yêu nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp.

Sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Định hướng học nghề nông nghiệp và bổ trợ kiến thức nông nghiệp, trong đó, triển khai học kỳ nông nghiệp cho các trường thuộc Bộ để trang bị kiến thức cơ bản về nông nghiệp, tình yêu đối với ngành nông nghiệp cho các ngành phục vụ nông nghiệp và các ngành phi nông nghiệp để khi ra trường các em có thể phục vụ trong ngành nông nghiệp hoặc định hướng công việc, kinh doanh các ngành liên quan đến ngành nông nghiệp,…

 

Nội dung: B.T
Ảnh: Tác giả và tư liệu
13/09/2023 01:17