Bài 4: Cần nhân rộng những “Điểm sáng” trong kinh tế Nông thôn mới ở Quảng Nam
(ĐCSVN) – Với Quảng Nam, nhờ tập trung quan tâm cho công tác “Tam Nông”, nhất là việc gắn chặt giữa xây dựng nông thôn mới (NTM) với phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững, đến nay tại địa phương này có khá nhiều “Điểm sáng” là những nhân tố tích cực góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê nông thôn, đồng thời cũng là các mô hình thiết thực, hiệu quả để địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng.
Hồi sinh vùng đất..."trọc"!
Đây là câu nói gây ấn tượng mạnh đối với chúng tôi khi trên đường đến thăm Làng Phương Trung, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) của Chủ tịch UBND xã Đại Đại Quang- đồng chí Hồ Quý Triều Đổng.
Đồng chí giải thích, sở dĩ gọi đây là vùng đất “trọc” bởi sau trận lũ lụt lịch sử năm 1999- 2000, toàn Làng Phương Trung (xã Đại Quang) với gần 380 hộ dân từ nhà cửa, vườn ruộng đến vật nuôi bị cuốn trôi sạch. Sau lũ lụt, làng quê vốn trù phú nhờ nằm về phía tả ngạn và thường xuyên nhận sự bồi lắng phù sa của hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn trở thành vùng đất xác xơ, trôi trọc theo đúng nghĩa.
“Qua trận lũ lụt này và các dự báo về sự biến đổi của khí hậu ngày càng phức tạp, địa phương nhận thấy nguy cơ mất an toàn đối với người dân khi sinh sống tại đây. Nên ngay sau đó xã và huyện đã tiến hành quy hoạch, di dời tất cả các hộ dân làng Phương Trung (cũ) lên sống tập trung ở làng mới cao ráo, an toàn hơn. Toàn bộ đất đai ruộng, vườn tại làng cũ được cải tạo lại, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển cây ăn trái tổng hợp gắn với chăn nuôi, làm du lịch sinh thái vào mùa khô”- Đồng chí Hồ Quý Triều Đổng cho hay.
Tuy nhiên, khi đến tận nơi, qua “mắt thấy, tai nghe” chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự trù phú, xanh thẳm của một làng quê như đang vào “thì con gái”.
Bà Nguyễn Thị Lý (70 tuổi)- Chủ cơ sở Vườn Dừa và Khu du lịch sinh thái Phương Trung vui vẻ cho hay: “Sau lũ lụt, được sự hỗ trợ của chính quyền xã và huyện, gia đình tôi sau khi di dời lên làng mới đã tiến hành cải tạo khu vườn ở làng cũ để làm kinh tế. Trước đây, chúng tôi chỉ biết trồng lúa, trồng hoa màu và một số cây ăn trái truyền thống với mô hình sản xuất “tự cung tự cấp” nên cuộc sống chỉ đủ ăn. Giờ thì với tư duy mới, cộng với sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, chúng tôi mạnh dạn cải tạo vườn ruộng cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả gắn với làm du lịch sinh thái”- Bà Lý chia sẻ và cho biết thêm, từ sau năm 2000, khu vườn nhà bà rộng hơn 02ha đã được cải tạo, đầu từ hơn 03 tỷ tiền vốn ban đầu để trồng cây ăn quả (chủ yếu là mít Thái, dừa, ổi, cam) và xây khu du lịch cộng đồng (gồm 09 căn chòi cho khách đến vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi và 01 hồ bơi rộng hơn 500m2) để đón khách tham quan, tắm hồ.
Với mô hình này, mỗi ngày vào mùa khô như hiện tại, nhiều khách đoàn là gia đình, cơ quan, doanh nghiệp và khách lẻ từ Đà Nẵng lên, từ thị trấn Ái Nghĩa sang và người dân trong xã cũng như các địa bàn lân cận đổ về thăm quan, ăn trái cây, uống nước dừa và tắm mát. Ngoài các loại trái cây cứ theo giá thị trường, nếu khách thuê chòi để nghỉ ngơi, vui chơi và tắm hồ sẽ trả 40 ngàn đồng/người/lần. Nhờ đó, ít nhất mỗi ngày bà Lý thu về hơn 01 triệu đồng.
|
|
Du khách vui vẻ dùng nước dừa, tắm hồ bơi và thăm quan, nghỉ ngơi tại Khu du lịch sinh thái Phương Trung . |
Cách vườn bà Lý vài trăm mét, chúng tôi được ông Lê Văn Cảnh (50 tuổi), Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng mít Thái da xanh làng Phương Trung đưa về thăm quan, giới thiệu vườn trồng cây ăn trái của ông. Ông cho biết, Tổ hợp tác trồng mít Thái da xanh do ông làm Tổ trưởng có 20 xã viên với tổng diện tích canh tác hơn 10ha. Riêng vườn trái cây của ông rộng hơn 7.000 m2 (trong đó bửu Thái da xanh 2.500m2, ổi 2.000m2, hơn 1.000m2 cam, diện tích còn lại là măng cụt và các loại cây ăn quả khác). “Hiện vườn mít của tôi đã được hơn 03 năm tuổi và bắt vào vào thu hoạch lần đầu. Mặc dù lần đầu thu hoạch nhưng năng suất cũng tương đối, đặc biệt là mít rất ngon, thơm được thị trường ưa chuộng. Chúng tôi mong muốn được địa phương và ngành chức năng quan tâm giới thiệu để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, giống để tiếp tục đưa vườn cây đạt chất lượng, năng suất cao hơn. Ngoài ra, qua định hướng của xã và huyện sẽ xây dựng làng Phương Trung thành Khu du lịch sinh thái. Mong rằng dự án này sẽ sớm đi vào hoạt động, chứ như hiện nay nông dân chúng tôi vẫn “tự bơi”, mạnh ai nấy làm”- ông Lê Văn Cảnh chia sẻ.
|
|
Ông Lê Văn Cảnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng mít Thái da xanh làng Phương Trung nói về mô hình trồng mít Thái da xanh của mình. |
Nói về mô hình kinh tế tại làng Phương Trung, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, Huyện đang chỉ đạo và hỗ trợ xã xây dựng đề án Du lịch sinh thái gắn với kinh tế vườn tại đây. Đây cũng là mô hình tạo hướng đi hiệu quả, phù hợp điều kiện kinh tế, sinh thái môi trường và mong muốn của người nông dân địa phương. Tuy nhiên, cái khó là nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng như đường sá, cầu cống tại đây rất khó và đòi hỏi nguồn vốn lớn do Phương Trung có địa thế như một bãi cồn ven sông, mùa mưa lũ thường xuyên gây ngập lụt, cuốn trôi hoa màu, cây cối, nhà cửa nên phải có phương án đầu tư cơ bản.
“Phương Trung sau 23 năm bị lũ lụt, giờ thì đã được bao phủ bởi một màu xanh thẳm của sự trù phú đang hứa hẹn nhiều tiềm năng. Chúng tôi xem đây là mô hình mẫu để có phương án đầu tư, phát triển và nhân rộng trong thời gian đến. Trước mắt, với sự hồi sinh của vùng đất “trọc” này, cho thấy hướng đi ban đầu của địa phương và người dân nơi đây trong việc phát triển vườn trái cây gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang dần hiệu quả, thiết thực, phù hợp. Kết quả bước đầu này cũng cho thấy tư duy làm kinh tế và bộ mặt nông thôn mới ở địa phương đang từng ngày khởi sắc”- đồng chí Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Đại Lộc nhận định.
Phát triển "du lịch xanh" trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ
Khác với huyện Đại Lộc, huyện Tiên Phước- một trong 09 huyện miền núi của Quảng Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp vườn và trang trại. Theo xác định của địa phương, nông nghiệp và thế mạnh riêng có của Tiên Phước thời gian qua và hiện nay là bà con nông dân rất tích cực đồng hành cùng chính quyền và ngành chức năng triển khai mô hình kinh tế nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trên nền tảng đó, địa phương đang khuyến khích người dân phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại vườn nhà.
Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng chí Tăng Ngọc Đức- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, làm vườn của người dân Tiên Phước có truyền thống lâu đời, cách đây hơn nhiều thế kỷ. Qua nhiều thời kỳ, vườn được cải tạo, nâng cấp, tu bổ và chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sản xuất, thu nhập, đời sống của phần lớn người dân bản địa. Vườn tại Tiên Phước nằm gọn trong không gian làng mang đặc trưng của làng quê xứ Quảng, với nhiều hạng mục, công trình thiết yếu, đóng vai trò là không gian sống, không gian ở, không gian văn hoá, không gian sản xuất gắn bó máu thịt của người dân bên sông Tiên. Vườn tại đây cũng được cơ cấu nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo kiểu vườn sinh thái đa cây, đa con, đa tầng, trong đó có những loại cây đặc sản của Tiên Phước và Quảng Nam như: Tiêu, Lòn bon, Thanh trà, Dó, Sầu riêng, Măng cụt…. “Đây là những lợi thế để thu hút khách du lịch thăm quan, tìm hiểu; là cơ sở, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng- Một hướng đi hiệu quả, phù hợp để phát triển nông thôn miền núi của Tiên Phước hiện nay”- đồng chí Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước nhận định.
|
|
Mô hình khu vườn tổng hợp của ông Đoàn Kim Thiệt, trú tại thôn A7, xã Tiên Cảnh. |
Để giúp có cái nhìn thực tế về mô hình kinh tế vườn ở địa phương, theo chân lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, chúng tôi đến thăm khu vườn tổng hợp của ông Đoàn Kim Thiệt (56 tuổi), trú tại thôn A7, xã Tiên Cảnh. Theo ông Cảnh, khu vườn nhà ông có tổng diện tích hơn 02ha, được ông cải tạo từ vườn trồng quế trước đây. “Từ năm 1995 đến nay, cây quế không mang lại hiệu quả kinh tế nên tôi đón chặt để trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao hơn như: Cau, bưởi Thái da xanh, cam, ổi, quýt, tiêu… Tuy nhiên, do là đồi núi nên tôi liên tục cải tạo, đầu tư vườn theo mô hình bậc thang, xử lý đá và dẫn nước từ núi cao về để sản xuất. Cạnh đó, với sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông và kỹ thuật huyện cũng như xã, tôi được tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn trái, được giới thiệu các loại giống cây trồng có chất lượng và hỗ trợ thêm 90 triệu từ chính quyền địa phương theo đề án cải tạo vườn tạp, cải tạo vườn rào cổng ngõ. Cùng với đó, tôi cũng bỏ ra hơn 800 triệu đồng để đầu tư cho khu vườn của mình. Đến nay, nhiều loại cây trồng cho sản phẩm và thu hoạch, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là ổi, cau, quýt, tiêu, bưởi, giúp thu nhập bình quân của gia đình hiện nay khoảng hơn 150-200 triệu đồng/năm”- ông Đoàn Kim Thiệt cho biết và chia sẻ thêm: “Tôi đang đầu tư hệ thống cống dẫn nước từ suối Hố Cần cách nhà vài trăm mét về để phục vụ sản xuất, cải tạo lại hồ cá và sẽ làm du lịch sinh thái. Khách hàng mà tôi hướng đến là khách lẻ và khách đoàn gia đình, cơ quan, đơn vị trong và ngoài địa phương đến tham quan, trải nghiệm trồng, dùng trái cây nhà vườn; đồng thời học tập mô hình để về sản xuất, áp dụng tại địa phương họ….”.
|
|
Với nhiều loại cây trồng như ổi, cau, quýt, tiêu, bưởi,
giúp thu nhập bình quân của gia đình ông Thiệt khoảng hơn 150-200 triệu đồng/năm |
Rời xã Tiên Cảnh, chúng tôi đến thăm 02 khu vườn của ông Phạm Hồng Sơn tại thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà. Ông Sơn là một trong nhiều nông dân tại xã Tiên Hà đang rất thành công trong mô hình kinh tế vườn trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, ông Sơn không giống các nông dân khác mà chọn hướng đi riêng cho mình là phát triển kinh tế vườn với đột phá là nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Sơn, ông có 02 khu vườn với tổng diện tích khoảng 04ha. Từ hơn 04 năm qua, sau khi trải qua các mô hình kinh tế vườn với cách làm theo truyền thống, kinh nghiệm của ông bà, sau đó có giai đoạn ông áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu thông thường. Tuy nhiên, những năm gần đây ông từ bỏ cách trồng truyền thống và dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu để chuyển hẳn sang trồng cây ăn quả theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. “Bền vững và hiệu quả hơn nhiều. Bởi ngày nay, khi xã hội đã phát triển, người tiêu dùng có điều kiện và nhu cầu sử dụng các thực phẩm sạch, bảo đảm sức khoẻ nên dù bỏ ra thêm nhiều tiền nhưng họ vẫn chấp nhận. Đây là xu thế tất yếu của tiến bộ xã hội, mọi người từ ăn no đã chuyển sang ăn ngon, ăn an toàn. Đây cũng là tiêu chí, mục đích trong mô hình sản xuất của tôi nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ cộng đồng. Muốn vậy, tôi có chiến lược đầu tư vườn trồng của mình theo hướng riêng là sử dụng phân hữu cơ và trồng xen canh các loài cây nhằm tạo sản phẩm quanh năm (mùa nào vụ đó, mùa nào trái đó)”- ông Sơn chia sẻ.
|
|
Khu vườn của ông Phạm Hồng Sơn tại thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà. |
Cũng theo ông Sơn, các loại cây ông trồng hiện nay là bưởi Thái da xanh xem lẫn cau, chuối, cam, chanh giấy, măng cụt. Mỗi loại này được ông sử dụng phân hữu cơ để bón, hoà với nước tưới nhỏ giọt tự động mỗi ngày. Trong khi đó, ông đặc biệt quan tâm “nuôi” các loài thiên địch trong vườn vừa là để cân bằng hệ sinh thái nhưng đồng thời cũng qua đó có nhiều loài giúp thụ phấn hoa, cho quả của vườn cây.
“Nếu như cây cau ngoài kinh tế thì nó cũng là trụ đỡ cho các cây khác như chanh giấy, măng cụt phát triển, nhất là vào mùa mưa gió. Trong khi đó cây chuối thì cho bóng mát và cũng che chắn gió để các loại khác không bị gió quật ngã. Mít khi lớn cũng tạo bóng, che nắng, giữ ẩm cho vườn. Ngoài ra, tôi không nhổ bỏ các loài cỏ trong vườn mà giữ lại để vừa giữ ẩm cho đất, vừa tạo hệ môi sinh cho gốc cây dễ phát triển”- ông Sơn bộc bạch.
Không chỉ trồng cây, trong vườn ông Sơn hiện có đến hơn 50 đàn ong rừng tự nhiên được ông thuần, dắt về làm tổ để lấy mật và thụ phấn cho cây. Ở các góc vườn thì ông bố trí những ao hồ vừa để nuôi ốc bưu đen, vừa thả cá và làm ẩm, giữ nhiệt cho khu vườn.
Đặc biệt, ông Sơn chỉ bón mỗi loài phân hữu cơ tại gốc khi trồng các loài cây, sau đó bón thúc, bón chăm đất theo định kỳ cũng chỉ phân hữu cơ kết hợp với hoà tan trong ước để tưới. Ông quan niệm “bón phân cho đất chứ không bón phân cho cây, phải nuôi đất. Đó mới là cách làm hiệu quả nhất”.
Ông Sơn tính toán, với hệ thống cây trồng tại 02 khu vườn của ông cộng với chăn nuôi gà thịt, ốc, cá, mỗi ngày ông thu về hơn 01 triệu đồng. Trong khi đó, con trai ông sau khi tốt nghiệp ngành nông nghiệp tại Đại học Nông Lâm Huế và ra trường đã đi làm nhiều nơi để tích luỹ kiến thức thiết thực. Đến nay người con này đã về cùng ông phát triển kinh tế vườn của gia đình. “Hiện nay con trai tôi còn lắp hệ thống thiết bị tưới tự động nhỏ giọt cho các nhà vườn trong và ngoài địa phương; thường xuyên tìm hiểu, mời gọi, quảng bá đối tác và người làm vườn khắp nơi trong cả nước về tham quan, tìm hiểu và học tập mô hình làm vườn của gia đình và phân phối, đưa sản phẩm ra tiêu thụ tại các điểm bán như siêu thị, chợ trên địa bàn trong và ngoài huyện. Ngoài ra, để tranh thủ nguồn thu từ các đối tác này, tôi dự kiến sắp tới sẽ nâng cấp 02 khu vườn nhà mình thành Khu du lịch sinh thái vừa để đón khách tham quan, vừa tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho khách hàng của mình”- ông Sơn chia sẻ.
Đánh giá về mô hình và những cách làm kinh tế vườn tại địa phương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước- Tăng Ngọc Đức cho rằng hiện trên địa bàn huyện Tiên Phước có khá nhiều nhà vườn thành công như ông Tiếp, ông Sơn. Phòng NN&PTNT xem đây là những mô hình vườn mẫu để tiếp tục quảng bá, phát huy nhân rộng.
“Mục đích là vừa tạo ra phong trào sản xuất kinh doanh hiệu quả, vừa tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời qua đây để góp phần cải tạo bộ mặt nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp và khang trang. Riêng với hướng đi là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch luôn là giải pháp được tỉnh và huyện khuyến khích, coi trọng. Trên cơ sở đó, sắp tới Tiên Phước sẽ tiếp tục khuyến khích và đầu tư phát triển các mô hình vườn mẫu, vườn điểm tại các xã, thị trấn gắn kết nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời sẽ hình thành mô hình chuyên canh và đa canh theo quy mô gia trại, trang trại với các loại cây đặc sản của Tiên Phước và Quảng Nam như: Tiêu, Thanh trà, Lòn bon, Sầu riêng, Măng cụt, Cau, Chuối, Mít. Cạnh đó, huyện cũng triển khai dự án trồng, chế biến dược liệu và dự án xây dựng Công viên dược liệu Tiên Phước, tạo điểm nhấn về kinh tế vườn và du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các điểm dừng chân, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cạnh đó, huyện cũng gắn với phát triển NTM với việc tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận các sản phẩm OCOP đạt chuẩn các sao, đồng thời tiếp tục giữ chuẩn 36 sản phẩm OCOP đã công nhận đến năm 2022 gắn với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng riêng có của Tiên Phước như: Rượu vang Lòn bon của Hợp tác xã nông nghiệp Phước Tuyên; các dòng sản phẩm thảo dược của HTX nông dược xanh Tiên Phước; bộ sản phẩm trầm hương của HTX Trầm hương Tiên Kỳ; các sản phẩm từ mo cau của HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Tiên Phước…. Đây chính là những kết quả thiết thực mà quá trình xây dựng NTM được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tiên Phước đã nỗ lực trong nhiều năm qua, đồng thời hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp và một ngành Nông nghiệp hữu cơ an toàn, có giá trị cao”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước- Tăng Ngọc Đức chia sẻ.
.... Lan tỏa nông nghiệp hữu cơ đến từng hộ gia đình
Cũng liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch nhưng khác với Tiên Phước là tập trung cho mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại thì tại vùng ven TP Hội An như xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà bà con nông dân tại đây lại theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ với những vườn rau sạch, hữu cơ gắn với du lịch.
Cụ thể, tại 02 xã này, từ nhiều năm qua bà con nông dân địa phương liên kết lại thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau sạch, rau hữu cơ phục vụ du khách đến trải nghiệm (trải nghiệp làm nông dân; trải nghiệp các bước trồng, chăm sóc và chế biến, thưởng thức rau sạch).
Ở xã Cẩm Hà, với làng rau Trà Quế đã trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến thăm quan Hội An. Với 200 hộ nông dân tham gia vào HTX rau Trà Quế, mỗi ngày bà con chia nhau đón tiếp khách thăm quan, hướng dẫn du khách. Theo đó, khi có khách đến bà con sẽ hướng dẫn khách trải nghiệm làm nông dân, trực tiếp thực hiện các bước, khâu như xới đất, cuốc đất, lên luốn trồng, gieo hạt, tưới nước, thu hái rau…. “Nếu khách muốn thưởng thức các loại rau tại đây, khách tự thu hoạch rồi đưa cho nhà hàng chế biến, thậm chí khách có thể tự tay chế biến các món ăn từ rau này và tự mình thưởng thức”- ông Trang Thanh Hùng, Trưởng thôn Trà Quế cho hay.
Cũng theo ông Hùng, khách đến làng rau Trà Quế sẽ được hướng dẫn mua vé, được hướng dẫn trải nghiệm. Tất nhiên phải bỏ kinh phí và các xã viên của HTX sẽ được hưởng lợi từ việc tổ chức trải nghiệm bán rau. Các tour, nhà hàng cũng liên kết với HTX để đưa khách đến, đôi bên cùng có lợi. Điều đáng nói, sở dĩ làng rau Trà Quế luôn thu hút đông du khách đến thăm quan, trải nghiệm chính là để biết cách làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Các sản phẩm rau trồng tại đây được tuân thủ đúng quy trình, cách trồng, cách thu hoạch, chế biến, đảm bảo theo tiêu chuẩn Vietgap để an toàn cho sức khoẻ người tiên dùng.
Trong khi đó, tại vườn rau Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, các hộ nông dân là thành viên của HTX rau Thanh Đông xác định mục tiêu khi tham gia vào mô hình này là hỗ trợ lẫn nhau trong họat động sản xuất, kinh doanh rau hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu PGS, đồng thời phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, tạo việc làm để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chung của tất cả các thành viên về kinh tế và đời sống ngày càng cao hơn.
“Từ khi thành lập (2014) đến nay, vườn rau hữu cơ Thanh Đông trở thành địa điểm du lịch sinh thái của xã Cẩm Thanh nói riêng và TP Hội An nói chung. Lượng khách về đây ngày một đông, đối tượng khách chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ các trường đại học trong nước và quốc tế. Cạnh đó, Vườn cũng đón một lượng khách du lịch trong và ngoài nước có mối quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ, khám phá và cảm nhận, tận hưởng cái hay, cái đẹp trong công việc hằng ngày của bà con nông dân trồng rau hữu cơ tại đây”, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh- Ngô Huyền Trân cho biết và thông tin thêm: Bên cạnh việc làm chủ phương pháp, cách thức sản xuất rau sạch theo hướng thâm canh hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ, người nông dân tại đây còn làm chủ trong điều hành và hưởng lợi từ các lợi ích kinh tế mà mô hình này mang lại. Nhờ đó, đời sống không những được nâng cao, bà con cũng như khách thăm quan, trải nghiệm đều tin tưởng, yên tâm bởi giá trị cộng đồng, giá trị an toàn cho sức khoẻ mà sản phẩm rau sạch ở đây mang lại.
|
|
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh- bà Ngô Huyền Trân nói về những kết quả từ mô hình trồng rau hữu cơ tại làng rau Thanh Đông. |
Trong khi đó, với sự phối hợp, hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển đô thị và sau khi tìm hiểu mô hình đã khá thành công tại Hà Nội, nhận thấy việc trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS được IFOAM công nhận là hướng đi phù hợp, được nhiều du khách đón nhận nên UBND TP Hội An luôn khuyến khích, dành nhiều hỗ trợ cho làng rau Thanh Đông. Đặc biệt, trong các năm qua, nhiều giải thưởng được các tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh, trao tặng như: “Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh năm 2018; Giải thưởng “Sản phẩm du lịch nông thôn hoặc thành thị bền vững năm 2020” của ASEAN diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2020 tại Brunei (1/2020)… “Đây là những động viên, khích lệ lớn để bà con nông dân địa phương tiếp tục nỗ lực và địa phương tổng kết nhân rộng. Hiện với Cẩm Thanh, không chỉ có mỗi rau Thanh Đông là rau hữu cơ an toàn mà xã đã nhân rộng, tổ chức lan toả đến từng hộ dân phương pháp nông nghiệp hữu cơ, đã và đang tiến hành đưa nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất lúa, trồng và chế biến một số nông sản và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng OCOP của mình”- đồng chí Ngô Huyền Trân, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết thêm.
Khẳng định thêm về mô hình sản xuất rau sạch và đưa vào làm du lịch trên địa bàn thời gian qua, đồng chí Mai Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cũng chia sẻ: “Với vườn rau Trà Quế, qua các hoạt động bán vé, hướng dẫn trải nghiệm cho du khách, HTX rau này và đơn vị phối hợp là Trung tâm Văn hoá TP Hội An sẽ chia lại các khoảng kinh phí thu được để hỗ trợ tái đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng như đường sá, cầu cống, hệ thống điện, nước…. Nhờ đó bộ mặt vùng quê nông thôn tại đây ngày càng khang trang, xanh- sạch- đẹp hơn. Cạnh đó, với sự liên kết của các doanh nghiệp tour, tuyến và hệ thống các nhà hàng, khách sạn đã tạo ra một mối liên kết hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp bền vững và giải quyết một lượng lớn lao động cho địa phương. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông nghiệp từ rau hữu cơ và các sản phẩm OCOP của địa phương cũng được quảng bá, được giới thiệu rộng rãi đến du khách, các đối tác và hiện nay rau sạch, rau hữu cơ Trà Quế đã vào các siêu thị, các cửa hàng rau sạch tại nhiều địa phương như Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng…”- Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết thêm.
Có thể nói, ở Quảng Nam hiện nay có khá nhiều mô hình là các “điểm sáng” trong xây dựng NTM ở địa phương. Tuy nhiên, mặc dù mỗi mô hình có hướng đi cách làm riêng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi nơi; song trên thực tế để tiếp tục nhân rộng đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh nói riêng và kể cả với Trung ương phải có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa, đột phá hơn nữa để đủ sức thúc đẩy, khuyến khích và thực sự tạo hấp lực lớn, làm lan toả mạnh mẽ cho phong trào xây dựng NTM đạt kết quả bền vững như mong đợi. Trong những chính sách này trước mắt và cần thiết là tháo gỡ cho được các khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng như đường sá, các chợ, các siêu thị cũng như đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường bên ngoài để có có đầu ra cho nông sản được ổn định; quan tâm thúc đẩy ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất và tăng cường tập huấn để nâng cao trình độ dân trí, kiến thức sản xuất cho nông dân, nông thôn.
Bài 1: Thành tựu và những vấn đề đặt ra đối với “Tam nông” ở Quảng Nam
Bài 2: Đổi mới tư duy trong “Tam nông” ở Quảng Nam
Bài 3: Xây dựng Nông thôn mới ở miền núi không có điểm kết thúc