Bài 4: Khát vọng hùng cường & bản lĩnh Việt Nam
(ĐCSVN) – Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ngày càng tỏa sáng qua việc đẩy mạnh triển khai công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu phát triển vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Khí phách và sức mạnh Việt Nam
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh cho hoà bình, độc lập và tự do, chưa từng khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào dù chúng mạnh hơn ta rất nhiều, trong đó những thế lực xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Khí phách và sức mạnh Việt Nam đã trở thành huyền thoại sử sách mãi còn ghi…
Tự hào về Tổ quốc Việt Nam, một dân tộc quật cường đã trải qua nhiều chặng đường gian khó, từ đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội… Trải qua hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc…, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, đã minh chứng cho tầm nhìn, tư duy lãnh đạo của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.
Nhờ đó, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được ban hành kịp thời đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển của đất nước. Những thành tựu to lớn này càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, tư duy đổi mới, sáng tạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ. Theo đó mà nhiều cơ chế, thể chế, chính sách được “xé rào”, “phá bỏ”, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được hình thành, tạo tiền đề quan trọng dẫn đến Nghị quyết số 10-NQ/TW (khoán 10) được Bộ Chính trị ban hành năm 1988 sau Đại hội Đảng VI - Đại hội đổi mới của đất nước.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USDvà GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực (trong đó có 16 hiệp định thương mại tự do - FTA); có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường…
Trong 35 năm qua, kể từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, những đổi mới kinh tế và chính trị đã thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế (Ngân hàng thế giới-WB, Quỹ tiền tệ quốc tế-IMF…), tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của nước ta ước đạt khoảng 3.521 USD, đứng thứ 120 trên thế giới; quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng thứ 37 thế giới, đứng thứ 4 ASEAN. Việt nam lần đầu tiên lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên vừa qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ngày càng tỏa sáng
Bày tỏ với những thành tựu đáng tự hào này, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Hôm nay, nhìn lại cả chặng đường đã đi, tôi vui mừng được chia sẻ rằng đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ"… Sự thay da, đổi thịt được thể hiện rõ từ nông thôn đến thành thị, từ hạ tầng giao thông đến các loại hình dịch vụ giải trí… Sự sầm uất không chỉ dừng lại ở hình ảnh các tòa nhà cao tầng, xe cộ, phương tiện giao thông hiện đại hay các hoạt động giao thương thuần túy, mà nó còn được thể hiện ở một tầm cao mới với sự giao thương và hội nhập kinh tế số, sự sôi động đã có mặt hầu hết trong mọi hoạt động của xã hội thông qua nền tảng công nghệ. Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới có tốc độ gia tăng nhanh nhất về số thuê bao điện thoại di động và lượng người sử dụng internet cũng như các thiết bị thông minh như smatphone…
Hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế, nhất là thành công trong phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất thế giới trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế. Có được thành công này càng khẳng định tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã lan tỏa và vượt ra ngoài biên giới, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư, sự yêu mến và khâm phục của bạn bè quốc tế.
Với ý chí kiên cường của người Việt Nam, với khát vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dân tộc ta nhất định sẽ đạt được khát vọng hùng cường. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ngày càng tỏa sáng hơn qua việc đẩy mạnh triển khai công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII, khẳng định ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”.
Chúng ta càng thấy các giá trị định hướng, chỉ đạo sâu sắc trong Văn kiện Đại hội XIII: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Bài học về thể chế, về tư duy lãnh đạo và khát vọng hùng cường của dân tộc, cũng như lợi ích của người dân đã được nhận diện khá rõ ràng cả hai mặt thành tựu và hạn chế, được minh chứng xuyên suốt theo chiều dài lịch sử của đất nước. Có thể khẳng định, bất luận ở góc độ quản trị nào, từ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế cho đến chính quyền các cấp từ cơ sở, địa phương cho đến quản trị quốc gia thì các yếu tố vĩ mô - nền tảng cốt lõi mang tính chiến lược dài hạn luôn phải được coi trọng hàng đầu, còn những giải pháp mang tính ngắn hạn bao giờ cũng phải đảm bảo phục vụ cho các mục tiêu dài hạn.
Tầm nhìn đó, tư duy đó luôn được khẳng định ở cương lĩnh chính trị, các văn kiện Đảng và ngày càng được bồi đắp, củng cố sau mỗi kỳ đại hội Đảng. Đó chính là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, là khát vọng, là ý chí, nghị lực và bản lĩnh Việt Nam./.
Bài 1: Đừng để khát vọng hùng cường chỉ là “giấc mơ”
Bài 2: Khát vọng hùng cường & tư duy lãnh đạo
Bài 3: Khát vọng hùng cường & bài học về sự trỗi dậy
Bài 4: Khát vọng hùng cường & bản lĩnh Việt Nam
Bài 5: Khát vọng hùng cường & hiện thực hóa ở Việt Nam