(ĐCSVN) – Muốn đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, trước hết, báo chí phải bám sát tôn chỉ, mục đích của mình. Trong đó, phải xác định nhiệm vụ hàng đầu của báo chí cách mạng là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Mỗi cơ quan báo chí phải là một “pháo đài” chính trị; mỗi nhà báo là một “chiến sỹ” trên mặt trận tư tưởng…
Trong bài viết với nhan đề: “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, người làm báo hiện nay có nhiều lợi thế, nhất là trong khai thác thông tin, chỉ vài phút vào Internet là có thể biết cả thế giới có việc gì đang diễn ra; do sự phát triển của các loại hình báo chí mà chúng ta có thể lựa chọn sử dụng bất kỳ một sản phẩm báo chí nào. Điều ấy trong thời kỳ kháng chiến trước đây không thể nào có được. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về quy mô, tính chất, mang nhiều tiện ích đến cho người đọc, người xem, người nghe, thì lòng tin vào báo chí cũng có mặt đang bị giảm sút đáng lo ngại. Đó là do không ít thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay thiếu trung thực, phiến diện một chiều, thậm chí là xuyên tạc, sai sự thật.
Sự bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi các báo phải cạnh tranh. Cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc; đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng những thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền.
Muốn thế, người làm báo phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, đi sâu vào cuộc sống, lăn lộn trong thực tiễn để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh hiện thực cuộc sống bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin, đồng thời đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân. “Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc: Báo chí luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển chung hiện nay. Báo chí phải là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng.
Tổng Bí thư nêu rõ, cũng cần nhắc lại rằng, báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội.
“Cho nên chúng ta không thể mơ hồ. Không mơ hồ trước hết về bản chất, chức năng của báo chí, để từ đó xác định rõ chỗ đứng, góc nhìn và cách nhìn của mình trong việc thu nhận thông tin, phân tích thông tin và công bố thông tin” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Phân tích rõ mục đích của thông tin, Tổng Bí thư cho rằng: Ai cũng nói là báo chí phải thông tin đúng sự thật, phải khách quan. Nhưng sự thật đó là sự thật nào? Sự thật nhìn dưới góc độ nào? Động cơ dụng ý nói ra để làm gì? Có lợi cho ai và có hại cho ai? Nói ra để xây dựng hay để phá hoại?... Đây là vấn đề mấu chốt, cực kỳ quan trọng và quyết định.
Tổng Bí thư nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định: Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Như vậy, trách nhiệm của báo chí thật hết sức nặng nề và vẻ vang…
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nêu rõ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Báo chí phải tiếp tục đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm cao hơn nữa trong xã hội. Mỗi người làm báo phải “nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng”.
Trên cơ sở đó thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng; tích cực tuyên truyền, phổ biến Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; đề cao tính tư tưởng, tính văn hóa, tính giáo dục trong từng sản phẩm báo chí. Kịp thời phát hiện, cổ vũ, động viên gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực. Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, tôn trọng sự thật, trách nhiệm xã hội cao, không để tiêu cực chi phối, không để tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí. Khoa học-công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp như thế nào, cũng không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, tính nhân văn của người làm báo. Đồng thời, kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người làm báo, cùng những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo.
|
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo và các tác giả đoạt giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự là lực lượng tuyến đầu, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kịp thời đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động, nội dung thông tin bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội; đồng thời, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những cá nhân hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trên mặt trận tư tưởng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, thời gian tới, báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, kết hợp giữa “xây” và “chống”. Tăng cường các thông tin chính thống, tích cực, chủ động để lấn át các thông tin xấu độc trên không gian mạng, nhất là cần tiếp thu, đổi mới các hình thức tuyên truyền để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI-năm 2021 - Ảnh: Phạm Cường |
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cần nâng cao chất lượng và đa dạng hơn nữa cả nội dung và hình thức chuyên trang, chuyên mục và áp dụng các tiện ích đa phương tiện để chuyển tải hấp dẫn nội dung tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII. Tập trung khẳng định những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thành tựu đổi mới. Đó là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong đó đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả đồng bộ của ngành Tuyên giáo và các cơ quan chức năng, tạo thành thế trận ngày càng hoàn thiện; hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí là lực lượng tiên phong đi đầu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên cả ba phương diện: nhận diện, tuyên truyền và trực tiếp đấu tranh, xử lý.
Vì vậy mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, thế hệ trẻ có sức “đề kháng”, sức “miễn dịch” tốt trước các thông tin xấu độc, tự giác tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí phải chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, xác định âm mưu, thủ đoạn, hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch. Sáng tạo, nhạy bén trong việc nắm, dự báo sát, đúng tình hình trong nước, khu vực và thế giới có tác động trực tiếp tới Việt Nam; tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời cho báo chí, góp phần định hướng dư luận. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, trang thông tin điện tử và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên internet, mạng xã hội.
Cùng với đó cần thực hiện tốt phương châm tăng cường tuyên truyền lan tỏa thông tin chính thống, “nhân cái đẹp để dẹp cái xấu”, đẩy lùi tiêu cực, lấn át các thông tin xấu độc. Bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính tên mặt báo.
Bên cạnh đó, cần tạo diễn đàn trao đổi để đảng viên và Nhân dân tham gia trực tiếp vào các công việc của đất nước, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Đặc biệt là dành thời lượng tuyên truyền, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và hệ thống chính trị xã hội; tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
“Mỗi cơ quan báo chí cần xác định đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu của tòa soạn” – đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh./.
Nhóm PV
Bài 1: Vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng
Bài 2: Xóa bỏ “rào cản” vì một nền báo chí cách mạng
Bài 3: Phát huy mạnh mẽ sự nghiệp “phò chính, trừ tà”
Bài 4: “Xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt
Bài 5: Mỗi cơ quan báo chí là một “pháo đài” chính trị, mỗi nhà báo là một “chiến sỹ”