leftcenterrightdel

Bài 3: Thực tiễn dùng người tài!

(ĐCSVN) – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, vận hội như ngày nay”, thành tựu ấy có đóng góp quan trọng của những người tài. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề trong phát hiện và sử dụng người tài cần được bàn bạc thảo luận làm rõ.

leftcenterrightdel
 

Tại cuộc hội thảo khoa học do Bộ Nội tổ chức về Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua nhiều nơi có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, có nơi khá thành công, có nơi không. Việc sử dụng, giữ được người tài và tạo điều kiện cho người tài có môi trường phát huy tốt hơn khả năng còn nhiều khó khăn, và bất cập. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng từng có đề án Mê Kông 1000 đào tạo các nhà khoa học, thạc sĩ, đại học ở các quốc gia trên thế giới nhưng khi về bố trí sử dụng không phù hợp.

PGS,TS Lê Minh Thông đặt vấn đề vì sao không hút được nhân tài, và quan trọng là làm họ xuất hiện và sử dụng được họ mới là điều khó. “Một khi nhân tài quay lưng lại với quốc gia, với sự nghiệp thì nguy cơ sụp đổ là chuyện có thật. Nếu chúng ta không trọng được nhân tài, không giữ được nhân tài và không tạo môi trường cho nhân tài tồn tại, phát triển thì thất bại. Phải học lại bài học ‘nhân tài là nguyên khí quốc gia’, ông Thông cho biết.

Ông Thông cũng khuyên,"đừng trừu tượng hóa nhân tài lên, vẽ nhân tài là người có đầy đủ áo, mũ, ô và mọi thứ thì rất khó. Hãy quan niệm nhân tài ở từng cấp độ khác nhau để trân trọng và bồi dưỡng từng người".

Theo ông Thông, nhân tài tùy thời điểm, có thể rơi rụng, có những người hôm nay là nhân tài, ngày mai không còn là nhân tài nữa thì cũng là chuyện bình thường, đừng có hoảng hốt. PGS,TS Lê Minh Thông nêu ví dụ “Muốn có 1 cầu thủ tài năng là phải tốn kém, phải nâng niu, bồi dưỡng từ bé. Nhân tài là tốn kém nhưng mang lại hiệu quả. Đừng có bảo bỏ bao nhiêu tiền mãi chả được gì. Đầu tư nhân tài là đầu tư rủi ro”.

leftcenterrightdel

Ông Thông nêu cảm giác giới trẻ, những người có tài không thích vào khu vực công và cho rằng trong khu vực công đang có nhiều bất ổn về chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc và uy tín thấp. Điển hình như hàng loạt vụ bê bối diễn ra, từ cấp cơ sở trở lên, rồi tiêu cực, tham nhũng… tình trạng nhiều công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hoạt động không hiệu quả...

“Nhân tài vào làm việc để cống hiến, không phải để bị sai vặt, pha trà rót nước nhưng thực tế ít được giao việc vì các "bề trên" ngồi đó cả rồi, các cháu phải đợi các chú về mới đến lượt”, ông Thông nhấn mạnh.

PGS,TS Lê Minh Thông cho biết, các nước xem công chức nhà nước là tinh hoa, vào công chức là vô cùng vinh dự. Theo ông, để thu hút nhân tài, phải đổi mới cơ chế chính sách, làm sạch bộ máy để người ta thấy vào khu vực công có thể nỗ lực, cống hiến; còn vào rồi thấy 30% cắp ô thì “nhìn đã chán”.

Còn TS Dương Quang Tung, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước cho rằng, nhân tài không phụ thuộc vào bằng cấp, nhiều người học giỏi chưa chắc đã là nhân tài.

Theo ông Tung, để thu hút, trọng dụng nhân tài phải tập hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ mỗi chuyện đãi ngộ. Muốn trọng dụng thì người đứng đầu phải là “minh chủ”, biết sử dụng người. “Còn người đứng đầu không khách quan, đưa những người kém cỏi lên quản lý nhân tài thì không phát huy sự tự do sáng tạo của nhân tài, rồi kèn cựa, nịnh nọt… làm thui chột nhân tài”, ông Tung nói.

PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Để làm giảng viên trường Đảng nói thật là gia đình phải có điều kiện mới có thể nuôi được ước mơ, ươm mầm tài năng phát triển, chứ trông chờ vào lương khởi đầu 2,34 thì rất khó. Đấy là một thực tế cần nói thẳng”. Ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng, trông đợi Nghị quyết TƯ 7 về cải cách tiền lương sắp tới đây giao người đứng đầu có quyền sử dụng 10% nguồn chi lương dùng để thưởng thêm có thể thu hút nhân tài, trả lương cao cho chuyên gia.

Ông Lâm dẫn chứng: Trong khi đó, Singapore dành 4% ngân sách để thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài bằng các chính sách tài chính và phi tài chính. Tức là ngoài lương tháng, thưởng, họ còn quan tâm đến phúc lợi an sinh xã hội, môi trường làm việc, có cơ hội phấn đấu, được trao quyền và trách nhiệm, gắn với quyền lợi.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa.  ( Theo: vietnamnet.vn) 
 

Về sử dụng, bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lúc dùng cán bộ, nhiều người đã phạm vào sai lầm sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực... Như thế cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng”.

Sử dụng nhân tài còn nhiều điều chi phối bất cập, theo đó tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả…. “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, ... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

 

Theo PGS,TS Lê Minh Thông “Vấn đề chạy chức, chạy quyền, 5C (con cháu các cụ cả), các vấn đề vần “ệ” (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ rồi mới đến trí tuệ) rất nhiều; “bổ nhiệm người nhà người thân”, “cả họ làm quan”... Do quan hệ mà ông nọ, ông kia lên vị trí giám đốc, vụ phó vụ trưởng… khiến mọi người nhìn vào không phục. Người sử dụng nhân tài như thế nhân tài vào làm gì? Và cũng không vào được. Người sử dụng phải biết đứng trên vai người tài năng. Nhân tài phải tâm phục khẩu phục thì họ mới cống hiến, còn không thì họ chỉ làm qua loa”.

Dẫn chứng đó là rất nhiều câu chuyện “cả họ làm quan” bổ nhiệm “ người nhà”, “người thân” sử dụng nhân tài như vậy là không ổn, tình trạng này có lẽ tồn tại ở nhiều nơi mà thời gian qua báo chí đưa tin và dư luận nhân dân phản ánh khá rõ về vấn đề này. Có lẽ dư luận cũng chưa quên trường hợp con đường thăng tiến nhanh chóng của ông Lê Phước Hoài Bảo (sinh năm 1985, con trai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh). Ngay sau khi ra trường năm 2012, ông Lê Phước Hoài Bảo đã liên tục được bổ nhiệm nắm giữ nhiều trọng trách tại tỉnh và đến tháng 9-2015, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam khi vừa tròn 30 tuổi; đồng thời trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam. Đầu tháng 2 vừa qua, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã kết luận: Trên cương vị người đứng đầu, ông Lê Phước Thanh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, Ban Bí thư quyết định kỷ luật ông Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.

leftcenterrightdel
 
 

Trước đó, liên quan đến việc bổ nhiệm, quy hoạch “thần tốc” người thân, người nhà, ông Hà Quốc Phong, Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới (Quảng Bình) bị kỷ luật, điều chuyển công tác. Vụ bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cũng đã khiến các cán bộ có liên quan bị kỷ luật, cách chức. Đặc biệt, những trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” người thân, người nhà của cán bộ lãnh đạo liên tiếp được các cơ quan báo chí phản ánh thời gian gần đây cũng cho thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, có trường hợp bổ nhiệm con trai Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; bổ nhiệm, quy hoạch vợ và con trai của Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới...

Việc sử dụng người tài năng còn nhiều vấn đề phải bàn từ cơ chế chính sách đến chế độ đãi ngộ, từ khâu phát hiện đến đào tạo bồi dưỡng và sử dụng. Tất cả những nội dung ấy đòi hỏi chúng ta phải có những qui định cụ thể trở thành nguyên tắc, qui chế, pháp luật, tuy nhiên nó sẽ phải rất linh hoạt không thể ngồi chờ anh “nghiên cứu” để đưa ra quyết định. Nếu chậm chân sẽ mất cơ hội bởi sử dụng người tài cũng mang yếu tố cạnh tranh.

Đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về lối sống, phẩm chất, đạo đức năng lực của cán bộ đảng viên nhất là cán bộ cao cấp, người đứng đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì người đứng đầu tài giỏi có đủ phẩm chất năng lực và uy tín để trọng dụng người tài và để người tài tin tưởng.


Nội dung: Nguyễn Minh - Thực hiện: Phạm Cường

Bài 1: Ai là người tài?

Bài 2: Người tài cần gì ở chúng ta? 

Bài 4: Tiêu chuẩn nào để lựa chọn cán bộ cấp chiến lược “người tài”

Bài 5: Vận nước đặt vào cả đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

26/10/2020 17:22