Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái đã có chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS, đặc biệt là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trong thời gian tới.
Thích ứng an toàn, vượt qua thách thức
Phóng viên (PV): Được biết THADS là một lĩnh vực vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng ngành THADS đã triển khai rất nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ. Xin ông chia sẻ một số kết quả nổi bật ngành thi hành án đã đạt được trong năm 2021?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh với sự xuất hiện của biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong toàn quốc, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và miền Tây Nam Bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp tổng thể, linh hoạt, phù hợp để chỉ đạo Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) cố gắng tổ chức thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như sau:
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2022.Ảnh: TH. |
Thứ nhất, thể chế chính trị, pháp lý về THADS tiếp tục được hoàn thiện: Trước yêu cầu về nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản, ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với 07 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm. Trên cơ sở đó, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 18 – KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 triển khai Chỉ thị 04-CT/TW trong Bộ, ngành Tư pháp, trong đó xác định rõ 08 nhóm nhiệm vụ với 33 nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, công tác phối hợp trong tổ chức, hoạt động THADS, thi hành án hành chính (THAHC) được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu. Bộ Tư pháp đã với các bộ, ngành có liên quan tổng kết việc triển khai thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-KSNDTC ngày 01/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC về phối hợp liên ngành trong công tác THADS để làm cơ sở cho hoạt động phối hợp trong thời gian tiếp theo. Qua tổng kết cho thấy, công tác phối hợp đã được các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm sự thống nhất trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, tạo chuyển biến tích cực trong công tác THADS.
Tại địa phương, công tác THADS tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban Chỉ đạo THADS các cấp thường xuyên được rà soát, kiện toàn; tại nhiều địa phương, Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án là Chủ tịch UBND; hoạt động ngày càng có hiệu quả, nhất là trong chỉ đạo công tác phối hợp thi hành án, tổ chức cưỡng chế, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, những vụ việc khó khăn, phức tạp.
Thứ ba, kết quả thi hành án dân sự chưa đạt được đầy đủ chỉ tiêu đề ra nhưng trong bối cảnh rất đặc biệt, cơ quan THADS đã thi hành xong là 493.971 việc; gần 46 ngàn tỷ đồng, đã góp phần giải phóng nguồn lực lớn cho xã hội. Cùng với đó đã đôn đốc, thi hành xong 455/944 bản án, quyết định, tăng 92 bản án, quyết định so với năm 2020; đang tiếp tục thi hành 489 bản án, quyết định.
PV: Năm 2021, có thể nói kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã có bước chuyển đáng kể nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, điều này có tạo lên những khó khăn, áp lực nhất định cho các cơ quan thi hành án hay không, thưa ông?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Đúng là năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong toàn quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó công tác THADS bị ảnh hưởng rất nặng nề. Từ tháng 6/2021, dịch bùng phát tập trung ở 23 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam – đây là những địa bàn trọng điểm có nhiều vụ việc thi hành án. Tổng số phải thi hành của 23 tỉnh, thành phố này chiếm hơn 61% tổng số việc của toàn quốc; số tiền, tài sản phải thu chiếm gần 80% tổng số tiền phải thu của toàn quốc. Khi thực hiện cách ly, phong tỏa theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của địa phương, hoạt động thi hành án bị gián đoạn, nhiều việc thi hành án tài sản có giá trị lớn phải tạm dừng. Vì vậy kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã có bước chuyển đáng kể nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn.
Bước sang năm 2022, bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, điều này chắc chắn vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, áp lực nhất định cho các cơ quan thi hành án. Chúng tôi xác định vừa phải thích ứng an toàn, vừa phải đối diện với 03 thách thức lớn hiện nay là: Đạt và vượt chỉ tiêu khi số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều, dự báo tiếp tục tăng thời gian tới, trong đó thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế sẽ là một trọng điểm lớn; Rút ngắn thời gian và chi phí thi hành án; Hạn chế tối đa phải cưỡng chế thi hành án, các hệ lụy phát sinh sau khi thi hành. Rõ ràng những vấn đề này đương nhiên không chỉ khó khăn mà còn tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan thi hành án.
Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng
PV: Ngày 11/01/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sự. Luật này đã tháo gỡ kịp thời “điểm nghẽn” gây ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế như thế nào, thưa ông?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Trước hết, phải nói rằng đây là một quyết định quan trọng của Quốc hội đối với công tác THADS. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật THADS nhằm khắc phục chậm trễ, khó khăn, tháo gỡ ngay vướng mắc trong thi hành phần tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng. Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư “rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt”; thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án “nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước”.
|
Diễn đàn pháp luật công tác THADS trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. |
Việc Quốc hội khoá XV thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sự đã bổ sung quy định về ủy thác xử lý tài sản tạo điều kiện xử lý nhanh chóng các tài sản kê biên. Với cơ chế này (cùng với những điều kiện do Luật định), cơ quan THADS vẫn xử lý tài sản trên địa bàn mình, đồng thời có thể ủy thác cho cơ quan THADS nơi có tài sản thực hiện việc xử lý tài sản. Điều này góp phần rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
PV: Thực tế cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam đang được thực hiện qua kênh truy tố, xét xử, có bản án sau đó mới kê biên, tịch thu tài sản. Một số chuyên gia cho rằng sẽ khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản, hiệu quả thu hồi thấp. Quan điểm của ông như thế nào về việc đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta hiện nay chủ yếu được thực hiện dựa trên các bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Ưu điểm của cơ chế này là công khai, minh bạch, được phán quyết bằng một Tòa án có thẩm quyền, theo một trình tự thủ tục chặt chẽ. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, không phải sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền mới áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của người phạm tội tham nhũng mà được thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án tham nhũng.
Đến giai đoạn thi hành án, cơ quan THADS có thẩm quyền xác minh tài sản của người phải thi hành án để thu hồi tài sản cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức. Do đó, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng thông qua thủ tục kết án hình sự, được coi là cơ chế chủ yếu để thu hồi tài sản tham nhũng.
Về cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, đây là một cơ chế tịch thu tài sản mới, được một số quốc gia áp dụng và bước đầu cũng mang lại hiệu quả. Cơ chế này có ưu điểm là có thể tiến hành tịch thu tài sản của người phạm tội ngay cả khi họ không bị kết án, khắc phục được khó khăn lớn nhất của công tác tịch thu tài sản là phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp do phạm tội mà có. Do vậy, cần phải nghiên cứu, đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì "Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội” nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tịch thu tài sản, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền.
Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương
PV: Để thực hiện hiệu quả Chỉ số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, Tổng cục đã đề ra các giải pháp trọng tâm, đột phá gì để giải quyết các vụ việc trọng điểm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, thưa Tổng Cục trưởng?
|
Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái . Ảnh: TH. |
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Chỉ số 04-CT/TW của Ban Bí thư là cơ sở chính trị có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức và tổ chức thi hành trên thực tế của các ngành, các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác thu hồi tài sản; hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, cơ bản khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương.
Triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW, toàn Hệ thống THADS sẽ phải tập trung xây dựng Kế hoạch cụ thể căn cứ vào định hướng của Tổng cục THADS, quyết định giao chỉ tiêu đối với 09 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ chính, trong đó đặt trọng tâm ở chỉ tiêu thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Mỗi nhóm chỉ tiêu sẽ đi kèm các giải pháp để thực hiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm từ các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục đến các Chi cục THADS.
Chỉ đạo các cơ quan THADS quán triệt nội dung Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp trong toàn Hệ thống THADS; gắn với việc học tập và làm theo phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rà soát, bổ sung, điều động nguồn lực là các Chấp hành viên, Thẩm tra viên có năng lực, trình độ đến những địa bàn trọng điểm để thi hành án.
Đặc biệt, tổ chức, kiểm soát tốt việc thực hiện Kế hoạch, nhất là đối với những vấn đề phát sinh sẽ tiến hành các biện pháp, giải pháp phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm sát, bảo đảm việc thi hành án hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra sai phạm. Nếu sai phạm, thiếu sót thì phải phát hiện sớm, khắc phục ngay từ đầu; không làm phát sinh các điểm nóng, các vụ việc phức tạp.
Mặt khác, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao triển khai có hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TW, đưa vào diện Ban Thường vụ lãnh đạo trong việc xác minh, truy tìm, kê biên, phong toả tài khoản có liên quan người phạm tội; kiểm sát việc xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp, đề nghị Toà án nhân dân Tối cao tiếp tục chỉ đạo các Tòa án nhân dân khẩn trương, giải thích, đính chính bản án hoặc có văn bản trả lời kiến nghị của cơ quan THADS, chuyển giao đầy đủ, kịp thời các bản án và tài liệu kèm theo để cơ quan THADS kịp thời thi hành án.
Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ triển khai có hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TW, đưa vào diện Ban Thường vụ lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại địa phương; tiếp tục chỉ đạo Ban chỉ đạo THADS, các cơ quan hữu quan tăng cường, phối hợp với cơ quan THADS trong việc xác minh, đo đạc, xử lý tài sản được kê biên, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trên địa bàn...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.