Lạm phát tăng thấp nhất kể từ tháng 11/2024
Dữ liệu cho thấy lạm phát hàng năm trong tháng 3 của khu vực xuống thấp nhất trong vòng 4 tháng. Một số nền kinh tế lớn trong khu vực có mức tăng thấp hơn so dự báo nhưng có chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia thành viên. Lạm phát ở Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực, giảm còn 2,3% so với 2,6% của tháng trước, lạm phát ở Tây Ban Nha giảm xuống 2,2% từ mức 2,9% của tháng 2. Hà Lan cũng báo cáo lạm phát giảm nhẹ xuống còn 3,4% từ mức 3,5%.
Trong khi đó, Bỉ, Croatia và Slovakia ghi nhận một trong những mức lạm phát cao nhất, đều ở mức 4,3%, trong khi Latvia và Lithuania theo sát với 3,6%. Estonia chứng kiến mức tăng mạnh lên 5,1% vào tháng 2 trước khi giảm nhẹ xuống 4,3% vào tháng 3. Ngược lại, Pháp có mức lạm phát thấp nhất, chỉ 0,9% - không đổi so với tháng 2.
Về tỷ lệ lạm phát theo tháng, tháng 3 ghi nhận những biến động mạnh. Hy Lạp (1,8%) và Bồ Đào Nha (1,7%) có mức tăng đáng kể, trong khi Bỉ (-0,4%) và Estonia (-0,3%) ghi nhận sự sụt giảm.
Bức tranh lạm phát của khu vực đồng euro phản ánh những bất ổn kinh tế đang diễn ra, với xu hướng khác biệt giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến các quyết sách trong những tháng tới.
Số liệu lạm phát đã làm gia tăng kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản nữa từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong cuộc họp sắp tới vào ngày 17/4. Theo ước tính Sở Giao dịch chứng khoán London (LSEG), thị trường đánh giá có đến 80% khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất.
Việc lạm phát dịch vụ giảm đặc biệt làm tăng khả năng ECB cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng euro vào tháng 2 đạt 6,1% - tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian gần đây, càng củng cố khả năng này.
Tỷ lệ thất nghiệp thường giảm trong môi trường lãi suất thấp, khi các doanh nghiệp có thể gia tăng chi tiêu cho lao động nhờ chi phí vay rẻ hơn. Kể từ khi bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 năm ngoái, ECB đã giảm lãi suất tiền gửi từ 4% xuống còn 2,5%.
ECB đứng trước quyết định khó khăn
Mặc dù lạm phát chung giảm, không phải tất cả các tín hiệu đều cho thấy khả năng ECB sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Một số yếu tố nội tại và ngoại cảnh vẫn có thể khiến ECB bị chia rẽ trước cuộc họp 17/4.
Cụ thể, lạm phát theo tháng tăng 0,6% so với tháng 2 - mức tăng theo tháng mạnh nhất trong gần một năm. Lạm phát cơ bản cũng tăng 0,8% so với tháng trước, cao nhất kể từ tháng 3/2024. Điều này đặt ECB vào tình thế khó xử, khi phải cân nhắc giữa đà giảm của lạm phát hàng năm và áp lực giá ngắn hạn.
Bên cạnh đó một số chuyên gia dự báo khả năng giảm lãi suất của ECB vẫn phụ thuộc vào mức độ và tác động của các mức thuế mới dự kiến có hiệu lực vào cuối tuần này từ chính quyền của Donald Trump.
Tác động thực sự của chính sách thuế quan từ Mỹ và các đối tác thương mại đối với lạm phát vẫn chưa rõ ràng, thậm chí thuế quan có thể gây áp lực giảm phát do làm giảm xuất khẩu và do đó kìm hãm tăng trưởng như nhận định của một số chuyên gia. Đồng thời việc này cũng có thể dẫn đến nguồn cung hàng hóa gia tăng trên thị trường khu vực đồng euro.
Ngược lại, các biện pháp trả đũa từ EU có khả năng sẽ tác động làm tăng lạm phát trong khu vực, vì chúng thực chất là một loại thuế nội địa mới được áp dụng, và người tiêu dùng sẽ phải chịu một phần chi phí này.
Các dấu hiệu chia rẽ trong Hội đồng Thống đốc ECB cũng đang gia tăng khi một số quan chức được cho là đang cân nhắc việc tạm dừng cắt giảm lãi suất vào tháng 4 để chờ thêm sự rõ ràng, đặc biệt liên quan đến tác động kinh tế từ chính sách thương mại của Mỹ và sự gia tăng chi tiêu quân sự của châu Âu.
HN (nguồn: Eurostat, Euronews & CNBC)