Ngày này năm xưa: 23/11

Thứ bảy, 23/11/2024 07:45
(ĐCSVN) - Ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ đồng loạt ở nhiều địa phương, làm rung chuyển chính quyền thống trị của thực dân Pháp và tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của Pháp ở một số vùng nông thôn Nam Kỳ. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trong những cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập được chính quyền cách mạng.

Sự kiện trong nước

- Ngày 23/11/1940: Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ đồng loạt ở nhiều địa phương, mạnh mẽ nhất ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch, tập kích nhiều đồn bốt. Chính quyền cách mạng đã được thành lập ở nhiều nơi. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trong những cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập được chính quyền cách mạng.

 Tượng đài khởi nghĩa Nam kỳ đặt trước Bảo tàng huyện Hóc Môn,TP HCM. Ảnh: vtv.vn
 

Diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867 đến thời điểm đó. Cuộc khởi nghĩa đã làm rung chuyển chính quyền thống trị của thực dân Pháp và tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của Pháp ở một số vùng nông thôn Nam Kỳ. Do chưa đủ điều kiện khách quan, chủ quan chín muồi nên cuộc khởi nghĩa Nam kỳ không thành công, song đã để lại những trang sử hào hùng, chói lọi trong lịch sử cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. 

Khởi nghĩa Nam Kỳ là tiếng súng báo hiệu một cuộc khởi nghĩa toàn quốc; trở thành tiền đề thực tiễn quan trọng để Đảng đề ra chủ trương đường lối đúng đắn dẫn dắt cuộc vận động cách mạng của Nhân dân đi đến thắng lợi thông qua cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 và đại thắng mùa Xuân năm 1975.

- Ngày 23/11/1922: Ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, song rất đỗi hào hùng, vẻ vang của Đảng, đất nước và dân tộc ta. 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, một trong những người đi đầu công cuộc đổi mới ở Việt Nam với những chỉ đạo, điều hành mang dấu ấn quan trọng, táo bạo, góp phần đưa đất nước ta vượt qua thời điểm khó khăn, bước vào thời kỳ ổn định và phát triển.

- Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Đây chính là tổ chức tiền thân của Thanh tra Chính phủ sau này. Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Ngày 23/11/1945, đã đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày Truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

Trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau nhưng cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sắc lệnh 65 (23/11/1945) - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa. (Nguồn: Báo điện tử Tổ quốc) 

- Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Với ý nghĩa đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, mục đích là phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để khơi gợi, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.

- Ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.

Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo. Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên.

Tại Đại hội lần thứ ba của Hội (Tháng 12/1965), Hội Hồng thập tự Việt Nam đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ngày 23/11 được coi là ngày ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. 

Sự kiện quốc tế

  - Ngày 23/11/1945, Nhà văn Nga Alêchxây Nikôlaêvich Tôixtôi qua đời, ông sinh ngày 10/1/1882. Tác phẩm nổi tiếng là các bộ tiểu thuyết lớn "Pie đại đế", "Con đường đau khổ" với các tập "Hai chị em", "Năm 1918", "Buổi sáng ảm đạm". Ông là người có công lớn trong việc tạo dựng và phát triển thể loại tiểu thuyết sử thi Nga và kịch lịch sử Nga đến độ hoàn mỹ./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực