Ngày này năm xưa: 28/11

Thứ năm, 28/11/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương triệu tập. Nói chuyện với Hội nghị, Người điểm lại lịch sử phấn đấu anh dũng và những thắng lợi vẻ vang của Đảng trong suốt 30 năm lãnh đạo cách mạng.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 28/11/1951, trên đường đi công tác, nhà văn Nam Cao bị quân Pháp phục kích và bắn chết. Nam Cao có tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1917. Ông được biết đến là nhà văn hiện thực lớn thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám và là nhà báo kháng chiến thời kỳ sau Cách mạng. Trong những năm cuộc đời ngắn ngủi, Nam Cao luôn cống hiến hết mình cho cách mạng và văn chương. Một số tác phẩm nối tiếng của Nam Cao là tiểu thuyết Sống Mòn, truyện ngắn Chí Phèo, truyện ngắn Đôi Mắt…

- Ngày 28/11/1958: Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Thủ tướng Kim Nhật Thành và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên sang thăm Việt Nam.

Ngày 28/11/1958, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Kim Nhật Thành, dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Triều Tiên sang thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 27/11 đến 3/12/1958. Ảnh: TTXVN 

- Ngày 28/11/1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương triệu tập. Nói chuyện với Hội nghị, Người điểm lại lịch sử phấn đấu anh dũng và những thắng lợi vẻ vang của Đảng trong suốt 30 năm lãnh đạo cách mạng. Sau khi khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay là "tiếp tục phấn đấu để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà", Người phân tích những thuận lợi, khó khăn, nhất là những đòi hỏi về sự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ của đảng viên trong thời kỳ lịch sử mới và nhấn mạnh: "Nếu mỗi cán bộ và đảng viên ta biết làm tròn nhiệm vụ của mình, bồi dưỡng và phát triển chủ nghĩa tập thể, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, ra sức học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ một cách vẻ vang".

- Ngày 28/11/1959, Báo “Nhân Dân” đăng bài “Tết trồng cây”. Bắt nguồn từ mục tiêu lấy gỗ xây nhà cho nông dân, Bác phát động “Tết trồng cây” và mong muốn vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng sẽ khởi động cho một tập quán mới và xác định “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”. Đến năm 1995, kỷ niệm sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28/11 hàng năm là Ngày Lâm nghiệp Việt Nam. Ngày Lâm nghiệp Việt Nam nhằm mục đích tuyên truyền ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường; biểu dương ngành lâm nghiệp, phát động phong trào thi đua trồng rừng, khai thác tài nguyên rừng hiệu quả và hợp lý.

- Ngày 28/11/1983, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh về việc ban hành công trái xây dựng Tổ quốc. Mục đích của Pháp lệnh nhằm động viên nguồn vốn trong nhân dân góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà. Việc mua công trái thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và tuỳ khả năng của mỗi người.

Sự kiện quốc tế:

- Phêrêdrich ăngghen sinh ngày 28/11/1820 tại nước Đức. Ông là người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân. Cùng với Các Mác, ăngghen đã xây dựng lý luận chủ nghĩa cộng sản khoa học và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân. Phêrêdrich ăngghen là nhà cách mạng vĩ đại, nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà sử học, nhà khoa học tự nhiên và khoa học quân sự, nhà văn, nhà ngôn ngữ học. Ông là người sáng lập Quốc tế thứ hai.

- Ngày 28/11/1929, nhóm người bao gồm sĩ quan Richard Evelyn Byrd cùng cơ trưởng Bernt Balchen, phi công Harold Irving June và nhiếp ảnh gia Ashley Chadbourne McKinley đã trở thành những người đầu tiên bay qua Nam Cực. Chuẩn đô đốc Richard Evelyn Byrd là một sĩ quan Hải quân Mỹ chuyên thám hiểm địa cực. Ông vốn là phi công thuộc lực lượng Hải quân và ông là người đầu tiên thám hiểm Bắc Cực bằng đường hàng không. Ngoài ra, ông cũng là một trong những người Mỹ đầu tiên đổ bộ lên vùng cực và tổ chức các căn cứ hậu cần ở đây./.

PV (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực