PV: Hiệp thương là hoạt động rất quen thuộc trong quy trình bầu cử tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn có nhiều người chưa hiểu rõ hiệp thương là gì và tại sao lại phải tổ chức hiệp thương. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Pha: Hiệp thương trong bầu cử là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương hoặc ở địa phương) thảo luận để thỏa thuận thống nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp; lập danh sách sơ bộ và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Pha. Ảnh: TN.
Như vậy, mục tiêu quan trọng nhất của hiệp thương là sàng lọc, lựa chọn, không để lọt vào danh sách chính thức người ứng cử không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để ứng cử. Chẳng hạn, người đang chấp hành hình phạt tù, người có hành vi vi phạm pháp luật, không gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, không nhận được đủ sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú hay nơi công tác, không đáp ứng được dù chỉ 1 trong các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương thì sẽ không thể được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thực ra không phải chỉ riêng Việt Nam, mà rất nhiều nước trên thế giới cũng làm như thế. Nước nào cũng không thể cho phép người đang mang án hình sự, đang có hành vi vi phạm luật tham gia ứng cử trở thành đại biểu Quốc hội hay nghị sĩ. Nhiều nước khác cũng quy định cho tổ chức này, cơ quan khác thực hiện những nhiệm vụ như pháp luật Việt Nam giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện trong hoạt động bầu cử.
PV: Nghĩa là hoạt động hiệp thương của Mặt trận không hề cản trở quyền tự do ứng cử của công dân?
Ông Nguyễn Văn Pha: Đúng như vậy!. Theo nghiên cứu của tôi và kinh nghiệm thực tiễn tham gia một số cuộc bầu cử, từ các quy định của Hiến pháp cho đến các luật về bầu cử của Việt Nam đều rất thông thoáng, không có khoảng cách nào, không có phân biệt đối xử giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Nên nhớ, có những nước quy định, một người muốn ứng cử vào nghị viện thì phải thu thập được một số lượng chữ ký nhất định hoặc phải ký quỹ một khoản tiền nhất định để bảo đảm. Riêng Việt Nam thì không hề có quy định như vậy!. Người ứng cử ở Việt Nam chỉ cần nộp đủ hồ sơ và vượt qua các vòng hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức là vào danh sách chính thức những người ứng cử.
Theo quy định của pháp luật về bầu cử: Thứ nhất là những người do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu; thứ hai là những người tự ứng cử. Pháp luật Việt Nam quy định rõ người nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đủ 21 tuổi trở lên thì đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Không có hạn chế nào cả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được pháp luật trao cho nhiệm vụ đại diện các tầng lớp nhân dân, thay mặt nhân dân xem xét người nào đủ điều kiện ứng cử, người nào không đủ điều kiện ứng cử. Trong số nhiều người ứng cử thông qua quá trình hiệp thương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ lựa chọn một số người nhất định theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm số dư ở mỗi đơn vị bầu cử, chứ không phải ai đủ điều kiện ứng cử cũng đều được đưa vào danh sách chính thức người ứng cử. Do vậy mới phải hiệp thương.
PV: Trước tình trạng số người tự ứng cử “lọt” qua các vòng hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn ít, có ý kiến cho rằng hoạt động hiệp thương chưa thực sự bảo đảm dân chủ?
Ông Nguyễn Văn Pha: Theo quy định, để đưa được ai vào danh sách chính thức người ứng cử thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải tổ chức hiệp thương. Quy trình hiệp thương đã được quy định cụ thể trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, các trường hợp cụ thể nếu hội nghị hiệp thương không thỏa thuận thống nhất được thì phải tiến hành biểu quyết. Đã là biểu quyết thì cơ hội ngang nhau, người nào đạt được nhiều sự tín nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hơn thì người đó được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử. Tôi công tác trong lĩnh vực bầu cử khá lâu rồi, chưa thấy có sự hạn chế nào cả. Thực tế là trong ít nhất ba nhiệm kỳ của Quốc hội gần đây vẫn có những người tự ứng cử trúng cử làm đại biểu Quốc hội. Nếu bị hạn chế, họ làm sao có thể được đưa vào danh sách chính thức người ứng cử, để được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội?
Còn khi đã được vào danh sách chính thức người ứng cử và được phân bổ về các đơn vị bầu cử thì phiếu bầu cử sẽ được lập theo thứ tự chữ cái A, B, C, không có chuyện xếp người tự ứng cử xuống dưới cùng hay lên trên cùng để cử tri gạch. Danh sách những người ứng cử kèm theo tiểu sử tóm tắt có dán ảnh của từng người ứng cử được niêm yết công khai tại nơi bỏ phiếu. Khi cử tri đi bầu cử, họ đọc tiểu sử tóm tắt hoặc nghiên cứu về từng người ứng cử từ trước, họ thấy ưng người nào thì để, không ưng thì họ gạch, không ai được quyền can thiệp, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép hay mua chuộc cử tri để cử tri chọn người này, bỏ người kia.
Mọi hoạt động bầu cử đều được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên và các cơ quan truyền thông giám sát chặt chẽ, nếu có biểu hiện nào như trên, tức là có sự vi phạm luật pháp luật về bầu cử, thì đều bị yêu cầu đình chỉ và xử lý kịp thời.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!