Chỉ có thể là lòng tham!

Thứ năm, 03/11/2022 16:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Không thể hiểu nổi, nguồn cơn nào đến nỗi để 3 người con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ. Cho dù bột phát hay sự mưu tính thâm ác thì hành vi của các cô sẽ bị xử lý thích đáng bởi pháp luật. Không chỉ có vậy, bên cạnh đó còn một bản án của lương tâm về đạo làm con. Và khi ngọn lửa bùng lên có làm các cô bừng tỉnh về tội ác của mình, có đốt cháy được những sân hận trong lòng các cô…? Nhưng hình ảnh về việc làm của các cô đã gây phẫn nộ cho dư luận và có lẽ nó còn ám ảnh lâu dài với xã hội.
leftcenterrightdel
 (Hình ảnh  bên ngoài hiện trường vụ việc. Ảnh: X Hào)

Sự việc 3 cô con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ xảy ra ở xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã gây phẫn nộ dư luận xã hội những ngày qua. Theo thông tin ban đầu, nguồn cơn vụ việc được xác định do mâu thuẫn, lòng tham và sự đố kỵ trong việc phân chia tài sản của gia đình. Bất luận lý do là gì thì hành động của 3 cô con gái đã phạm phải những điều đại nghịch bất đạo, những điều không thể tha thứ, đó là sự bất kính, bất hiếu với chính người đã mang nặng đẻ đau ra mình. Ca dao có câu: Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho. Có lẽ câu ca dao này không xa lạ với các cô, có khi các cô còn thuộc nằm lòng ấy chứ, không hiểu mẹ của các cô đã được bát canh cần nào hay chưa, còn xã hội thì đã thấy các cô mang xăng đến đốt nhà mẹ mình.

Khó có thể hình dung được cuộc sống sau này của các cô sẽ ra sao. Tạm gác lại sự lên án và cả những búa rìu dư luận, miệng lưỡi thế gian thì sự day dứt lương tâm có buông bỏ cho các cô những năm tháng còn lại của cuộc đời hay không? Lý do nào để các cô có thể biện minh cho việc làm của mình…? Chắc hẳn chỉ có thể là lòng tham!

Câu chuyện này, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội về sự suy đồi đạo đức, lối sống ích kỷ, tham lam của người đời. Ngày càng có nhiều hơn những mâu thuẫn gia đình nảy sinh từ tranh chấp, phân chia tài sản. Chỉ vì lợi ích thiệt – hơn, vì sự hiếu thắng - cái tôi của bản ngã mà người ta sẵn sàng quay lưng lại với chính người thân yêu nhất của mình, cho dù là cha mẹ, anh chị em ruột thịt. Vì thế, đã có không ít những vụ việc nghiêm trọng xảy ra, thậm chí dẫn đến chết người cũng bởi tranh chấp nhà cửa, đất đai. Điển hình như vụ thảm sát xảy ra ở Đan Phượng, Hà Nội vào đầu tháng 9 năm 2019, chỉ vì tranh chấp chưa đến nửa mét đất (0,5 m) mà 4 mạng người vô tội phải nằm xuống dưới lưỡi dao oan nghiệt của người thân.

Lòng tham đã làm lu mờ các giá trị. Ngay cả trong mối quan hệ gia đình, người ta cũng chỉ cần biết đến lợi ích của mình chứ không mấy quan tâm đến lợi ích của người khác. Huống chi các mối quan hệ ngoài xã hội, người ta sẵn sàng tranh chấp thiệt - hơn với người khác cho dù đó là ai. Đứng trước những cám dỗ, lòng tham trỗi dậy, người ta rất dễ có thể biến mình thành một phiên bản rất khác với chính mình. Không ít những người trước khi trở thành tội đồ, họ được cho là những người tử tế, có lối sống hòa nhã với xung quanh hàng xóm, đồng nghiệp… Điều gì khiến người ta thay đổi nhanh đến vậy? Chỉ có thể là lòng tham. Vẫn biết rằng, con người ta khó có thể vượt qua 3 thứ cám dỗ lớn nhất của đời người đó là tiền, tình và quyền lực. Đây được coi là những nguyên do để người ta cắt nghĩa cho những xung đột, mâu thuẫn và tranh chấp trong xã hội.

Nói như vậy, trước kia đâu có khác, con người vẫn phải đối diện với những cám dỗ tương tự, nhưng tại sao tình người lại được coi trọng hơn cả, nó được thể hiện bằng sự san sẻ yêu thương, nhường cơm sẻ áo cho nhau không chỉ dành riêng cho quan hệ tình thân, hoặc ngay cả khi người ta nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ. Người ta vẫn cho tặng nhau đất đai, nhà cửa mà chẳng cần toan tính nhiều, ngay cả khi không phải là anh em ruột thịt, thậm chí không thiếu những việc hiến tặng nhà đất cho xã hội để mở đường, mở trường… cũng hết sức giản đơn. Phải chăng, các giá trị đã thay đổi, ngày nay người ta coi trọng tài sản, vật chất hơn các giá trị tình thân. Hay do những tác động, thay đổi nào của xã hội lại khiến người ta chỉ quan tâm, thậm chí là mờ mắt bởi những lợi ích vật chất mà xem nhẹ hoặc quên đi các giá trị thiêng liêng của máu mủ ruột rà.

Có ý kiến cho rằng, giờ đây tấc đất, tấc vàng và không dễ dàng để người ta có thể chấp nhận thiệt hoặc cho không người khác tài sản, của cải của họ. Đành rằng, đấy là chuyện thay đổi về giá trị cũng như quan điểm về sở hữu tài sản, vật chất, nhưng những giá trị về tình thân không vì thế mà cũng bị thay đổi theo. Chỉ có thể là lòng tham. Đúng thế, vì lòng tham của con người về cơ bản là không có giới hạn nếu như người ta không biết tiết chế đúng lúc. Tục ngữ, ca dao đã có không ít những răn dạy, cảnh tỉnh người đời về sự tham lam bất định và khôn lường, ví như: “Sông sâu còn có kẻ dò/ Đố ai lấy thước mà đo lòng người” hay “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất đi một miếng lộn gan lên đầu"…

Các chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam vẫn được trao truyền qua bao thế hệ, gìn giữ và nuôi dưỡng từ rất sớm qua lời ru của mẹ, qua ca dao tục ngữ… Bên cạnh đó là nề nếp gia đình, gia phong dòng họ (tình) ngoài ra con người còn phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật trong ứng xử đối với các hành vi, quyền và trách nhiệm công dân trước xã hội (lý).

Xã hội phát triển, nhiều thói quen, hành vi văn hóa của con người vì thế cũng thay đổi và có nhiều mặt tiến bộ, văn minh hơn so với trước đây. Nhưng cũng không khó để nhận ra sự gấp gáp, vội vàng và lối sống thực dụng, vị kỷ ngày càng hiện hữu rõ hơn trong xã hội. Người ta sẵn sàng chà đạp, bất chấp tất cả để đạt được mục đích của mình. Theo đó là thói vô cảm, ích kỷ, những biểu hiện thờ ơ trước nỗi đau của người khác không còn là chuyện hiếm trong xã hội.

Tuy không phải là phổ biến, nhưng cơ bản các vụ xung đột, mâu thuẫn gia đình xảy ra, phần lớn liên quan đến tranh chấp tài sản, vật chất… và có những giá trị tranh chấp về vật chất cũng chẳng đáng là bao, nhưng sự mất mát về giá trị tình thân là không thể tính nổi. Vì thế mà không ít trường hợp anh em từ mặt nhau, cha mẹ từ mặt con cái, họ hàng bỗng thành người dưng, thậm chí là hận thù… 

Vẫn biết rằng, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, theo đó mỗi gia đình hẳn đều có những vấn đề riêng. Nhưng đó mới là cuộc sống. Có điều đứng trước những sự việc hoặc xung đột gia đình hay tranh chấp tài sản thì nhất định cần phải được bàn bạc kỹ lưỡng thậm chí cần phải nhượng bộ lẫn nhau để có những cách giải quyết thấu tình đạt lý nhằm mang lại sự đồng thuận cho các bên. Không đẩy sự việc tranh chấp đi quá xa, vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn đến hậu quả khôn lường. Nếu không thể giải quyết được bằng tình thì vẫn còn giải quyết được bằng lý (pháp luật). Quan trọng hơn cả, không để xảy ra những điều đáng tiếc đến khi nhận ra thì đã quá muộn màng, có hối hận cũng không kịp. Chỉ cần một phút mất kiểm soát là tội ác sẽ xảy ra. Và “hậu quả của cơn nóng giận thì bao giờ cũng nghiêm trọng hơn nguyên nhân”.

Cuộc sống con người vốn dĩ là hữu hạn, và khi chết đi có ai mang theo được tài sản, của cải gì đâu. Nếu ai cũng nhận thức được như vậy thì chẳng có chuyện bất chấp tình thân, chà đạp đạo lý chỉ vì lợi ích của bản thân mà không ít gia cảnh phải tan cửa nát nhà, người chết, kẻ thì tù tội bởi những tranh chấp đã bị đẩy đến cực đỉnh. Đây là bài học nhãn tiền cho không chỉ riêng ai. Rồi đây, các cô sẽ đối diện với những bản án từ pháp luật, bản án từ lương tâm và sự xa lánh của hàng xóm, láng giềng và xã hội bởi một chuyện động trời xảy ra nơi làng quê yên bình.

Nếu không phải là sự hiếu thắng, chỉ có thể là lòng tham, bản chất của sự tham lam, ích kỷ không hẳn là do sang - hèn, giàu - nghèo, nó chính là nhận thức, hiểu biết và sự tiết chế của mỗi con người trước những món lợi, hơn - thiệt mà thôi. Viết đến đây, người viết sực nhớ đến tác phẩm văn học nổi tiếng “Đồng hào có ma” của Nhà văn Nguyễn Công Hoan, tác phẩm này đã phản ánh về ma lực của đồng tiền và sự tham lam của người đời, ngay cả khi họ ở tầng lớp trên của xã hội nhưng vẫn tham lam, tranh giành những thứ không phải của mình với những người được cho là tầng lớp hạ đẳng của xã hội đương thời. Hẳn là đồng tiền có ma thật? Không. Chỉ có thể là lòng tham!

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực