Liều thuốc nào cho "bệnh vô cảm"?

Thứ tư, 02/11/2022 10:33
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng khiến dư luận bàng hoàng, sợ hãi. Tính mạng con người-thứ tài sản vô giá đã bị tước đoạt một cách “lạnh lùng” dưới những bàn tay không chút run sợ của những kẻ máu lạnh và vô cảm.
 Sự vô cảm có lẽ nào đã giết chết lòng vị tha, tình yêu thương, giết chết nhân cách của một con người. Ảnh minh họa

Một cuộc ẩu đả vừa xảy ra tối 14/10/2022 tại Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) đã khiến 2 người chết, 1 người bị thương nặng và chắc chắn sẽ có nhiều người vào vòng lao lý. Nguyên nhân của vụ án bắt nguồn từ việc 2 nhóm nhậu ngồi ở 2 bàn cạnh nhau và nói chuyện lớn tiếng nên đã xảy ra cãi vã. Mặc dù đã được căn ngăn nhưng trong 1 nhóm đã có người gọi cho bạn bè tới để cùng đánh nhóm còn lại và hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.

Hay như vụ án xảy ra ở Tứ Kỳ (Hải Dương) tối ngày 10/10/2022 xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm trong yêu đương, mà hung thủ đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến người phụ nữ tử vong tại chỗ. Sau đó, hung thủ dùng chính hung khí gây án đâm vào phần cổ, bụng mình 4 nhát hòng tự vẫn, tuy nhiên do được cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Hiện, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.

Chưa hết bàng hoàng đối với vụ án ở Hải Dương thì ngay tối 24/10/2022 tại Bắc Ninh, cũng vì chuyện mâu thuẫn trong yêu đương mà nghi phạm đã tước đoạt mạng sống của người yêu cũ và khiến một nam thanh niên nguy kịch bằng lưỡi dao sắc lạnh. Điều đáng sợ hãi là sau khi gây án, nghi phạm bình thản ngồi xuống khu vực gần hiện trường đợi lực lượng chức năng tới bắt giữ. Trước đó, đối tượng còn lên mạng xã hội viết những lời “tuyệt mệnh” gửi mẹ, anh trai và em gái…

 Những vụ án trên khiến người ta đặt ra câu hỏi: Phải chăng sự vô cảm đã giết chết lòng vị tha, tình yêu thương, giết chết nhân cách của một con người?

Trong cuộc sống hàng ngày, không khó để thấy những hành động “vô cảm” của con người. Một vụ tai nạn xảy ra, người bị nạn có thể nằm quằn quại trong vũng máu nhưng vẫn có những người đi ngang qua chỉ nhìn nhanh 1 cái rồi vội vàng tăng ga vì sợ liên lụy; một vụ ẩu đả trong một nhóm học sinh nhưng người lớn đứng nhìn thậm chí rút điện thoại ra quay lại để up lên mạng chứ không hề có ý định vào căn ngăn; một chiếc xe tải chở hàng hóa bị rơi hàng, trong khi tài xế lo lắng, cầu cứu sự giúp đỡ thì có những người vẫn “tranh thủ” lượm nhanh vào túi mình…

Trở lại những vụ án rúng động dư luận trong thời gian qua, không chỉ người trong cuộc vô cảm, mất hết tính người mà cả người ngoài cuộc cũng khiến chúng ta phải lên án. Họ thản nhiên quay clip để nhanh chóng đưa lên các trang mạng xã hội câu view, thậm chí là quay cả lúc hung thủ đang “tung” những nhát dao chí mạng. Khi một người đưa lên mạng thì kéo theo đó là cả nghìn người vào xem,  bình luận. Có những người chưa hiểu sự việc còn đưa ra những bình luận phản cảm, thậm chí còn “nhảy” vào trang cá nhân của nạn nhân để lại những câu nói chua sót, những bình luận thiếu văn hóa, sai sự thật.

Chúng ta đều biết rằng, mạng xã hội bên cạnh những giá trị tích cực cũng chính là con dao 2 lưỡi. Những hành vi thiếu kiểm soát của con người nếu được đưa lên mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực tới những giá trị chuẩn mực, gây nên các hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội đặc biệt là ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của nhiều bạn trẻ. Chưa dừng ở đó, bản thân những người tung clip có tính chất rùng rợn lên mạng xã hội còn phải đối mặt với các hình phạt. Cụ thể, tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) nêu rõ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn. Người vi phạm không chỉ bị phạt tiền theo quy định mà còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định trên.

Ngoài ra, khi đưa lên mạng những nội dung bạo lực, miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, cá nhân vi phạm có thể sẽ bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Bệnh vô cảm thật đáng sợ, nó khiến con người ta thờ ơ trước nỗi đau của người khác, là con đường dẫn đến tội ác.

“Bệnh vô cảm” dường như len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Nó không chỉ diễn ra ở ngoài cộng đồng mà còn có trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Người dân hiếu kỳ tập trung trước hiện trường vụ án và có những người còn quay clip tung lên mạng xã hội. Ảnh: Đ.T.
 

Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân”. Trong đó, vẫn còn tình trạng thờ ơ, vô cảm, chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân. “Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” của một số cán bộ, đảng viên thực sự là một “căn bệnh” rất nguy hại, có biểu hiện đa dạng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, như: suy nghĩ hẹp hòi, thái độ dửng dưng, làm ngơ, không quan tâm đến những sự kiện, sự việc diễn ra của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như trước khó khăn, bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; sống ích kỷ, vun vén cá nhân, kèn cựa, đố kỵ, có những hành vi trái đạo đức, lương tâm của con người; tranh công, đổ lỗi, không trung thực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc rơi vào tham nhũng, lãng phí, tư duy nhiệm kỳ. “Căn bệnh” này vô cùng nguy hại tác động sâu sắc đến niềm tin của Nhân dân với Đảng và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.

Đã tới lúc, “căn bệnh vô cảm” đáng báo động và cần phải có những giải pháp để “điều trị” kịp thời.

Trước tiên, mỗi người cần phải biết đấu tranh với cái xấu, cái ác từ trong chính bản thân mình và ở xung quanh, không thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Luôn hướng về những giá trị tích cực, học cách suy nghĩ lạc quan hơn, buông bỏ mọi oán hận.

Cần phải tăng cường tuyên truyền về những giá trị tốt đẹp của con người như lòng yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc nhau, chia sẻ những giá trị nhân văn, nhân ái. Trong các trường học cần phải chú trọng giáo dục cho các em học sinh những giá trị đạo đức làm người trước khi dạy cho các em kiến thức.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, của các trang mạng xã hội, của nền kinh tế thị trường bên cạnh những thành tựu nổi bật thì còn có những mặt trái của nó. Chúng ta cần biết hạn chế và tránh xa những tiêu cực đó. Trong mỗi gia đình, cần có sự gắn kết tình cảm để các thành viên yêu thương nhau, được quan tâm chia sẻ khi gặp khó khăn, biết sống vì nhau và như thế sẽ hạn chế những suy nghĩ tiêu cực. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia cần được lan rộng ra từ trong khu dân cư, khu phố cho tới ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần nghiêm minh, có các chế tài đủ mạnh để có sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Vô cảm là trạng thái cảm xúc và thái độ ý thức của con người. Để điều trị "căn bệnh vô cảm" có lẽ không gì bằng việc chúng ta dùng chính cảm xúc tích cực mà trung hòa nó, cần lan tỏa lòng nhân ái và nhân lên tình yêu thương trong cộng đồng. Sự ấm áp, yêu thương làm cho con người đến gần nhau hơn và từ đó, sẽ không còn chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực, những hành động tiêu cực. Đó cũng chính là tiêu chí của một xã hội văn minh, một xã hội có đạo đức và là một xã hội phát triển bền vững.

 

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực