Người dân có nên mua tích trữ máy thở, bình khí ôxy?

Chủ nhật, 25/07/2021 16:42
(ĐCSVN) - Với khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ máy thở, bình khí oxy trong nhà bởi thiết bị này phải được kiểm soát lưu lượng dòng, kiểm soát áp suất nên cần người có chuyên môn sử dụng.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Doisongphapluat.com

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 đang lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố với số ca mắc tăng cao đã tạo nên áp lực rất lớn cho các cơ sở y tế, kéo theo đó là sự lo lắng từ người dân. Nhiều người đã tìm, săn lùng các thiết bị thở máy, tạo ôxy, tích trữ bình khí ôxy để phòng tình huống xấu xảy ra.

Chỉ cần lên Google gõ từ khóa “bình oxy,” có hơn 16 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,7 giây. Cũng tại các trang mạng bán hàng trực tuyến, kể cả mạng xã hội, xuất hiện rất nhiều lời mời chào bán máy tạo ôxy với đủ nhãn hiệu và nhiều mức giá, hay những máy giá rẻ, không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, khi PV liên hệ với các trang bán hàng online để tìm mua máy tạo oxy y tế thì được nhiều nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm của Hàn Quốc có giá dao động 135-385 triệu đồng/máy, các loại máy của Đức giá 39-50 triệu đồng/máy, còn máy của Trung Quốc giá từ 8 triệu đồng/máy... và phải chờ 1-2 tuần, thậm chí 3 tuần mới có hàng. “Đợt này nhiều người có nhu cầu mua máy tạo oxy nên hàng chưa về kịp. Chị có thể đặt hàng, khi có bên em sẽ gọi.” – một nhân viên cửa hàng thiết bị y tế V.H (Cầu Giấy. TP Hà Nội) cho biết.

Những ngày qua, tại các cửa hàng trên con phố chuyên bán vật tư y tế Thanh Nhàn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đã bày bán tràn ngập các bình này. Dù dịch ở Hà Nội không quá căng thẳng như TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam nhưng anh Trần Ngọc Linh (quận Hoàng Mai) vẫn tranh thủ đi tìm hiểu mua 1 máy tạo ôxy 5 lít có giá 14 triệu đồng, máy đo huyết áp 950.000 đồng và 1 hộp kit test nhanh COVID-19 giá 4 triệu đồng. Theo anh Linh, gia đình có bố mẹ đều ngoài 70 tuổi trong khi khu vực chung cư anh sinh sống những ngày qua liên quan ca F0 nên ai cũng lo lắng.

Tại phố Phương Mai - chuyên bán vật tư y tế ở quận Đống Đa, TP Hà Nội - số lượng người đến mua các thiết bị ôxy, bình ôxy, máy thở và kit test nhanh COVID-19 nhiều hơn hẳn. Theo thông tin từ các cửa hàng, các bình này được nạp oxy tinh khiết 99,8% theo tiêu chuẩn của bộ Y tế; khí oxy trong bình được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh phổi… Do vậy, nhiều người đã liên hệ đặt mua các sản phẩm này để phòng trường hợp có người thân tại nhà mắc COVID-19.

Ở TP HCM, tình trạng đổ xô đi mua máy thở ôxy, kit test nhanh COVID-19 càng nhộn nhịp hơn. Tại những con đường chuyên kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế ở quận 10, dù trong thời gian giãn cách xã hội nhưng các cửa hàng vẫn tất bật buôn bán. Một số chủ cửa hàng cho biết hiện chỉ còn máy tạo ôxy dòng cao cấp. Theo ông Đình Sỹ, một chủ cửa hàng thiết bị y tế trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), hơn nửa tháng qua, người mua máy tạo ôxy dòng thấp tăng mạnh. Cửa hàng ông không để nhiều thiết bị, bình thường chỉ trưng bày từ 3-5 máy nên khi khách hỏi cũng không có nhiều để cung cấp.

Bên cạnh máy tạo oxy, thì máy đo nồng độ oxy cũng đắt hàng. “Đây là máy giúp theo dõi chỉ số sinh tồn tại nhà nếu không có nhân viên y tế bên cạnh. Nhiều người liên hệ đặt mua các sản phẩm này để phòng trường hợp có người thân tại nhà mắc COVID-19” – Minh Hạnh, nhân viên bán hàng online giới thiệu với khách hàng. Theo lời người bán, đây là máy được các bác sĩ dùng để đo nồng độ oxy với bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện, còn khi tầm soát tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 thì cũng dùng máy này để đo, nếu nồng độ oxy trên 94% mới được tiêm. “Một máy có thể sử dụng đo cho nhiều người. Ngoài đo oxy còn đo được nhịp tim. Trước đây thì chỉ những người mắc bệnh lao phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, tai biến… mới có nhu cầu mua về sử dụng. Nay chắc lo sợ bị nhiễm COVID-19 nên nhiều người mua dự phòng” – người này cho hay.

“Máy đo nồng độ oxy rất chạy hàng vì giá mềm, dao động từ 600.000-1 triệu đồng/máy. Tuy nhiên, máy chỉ ưu tiên bán trên kênh online” – một nhân viên tại cửa hàng thiết bị y tế trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) nói và hướng dẫn cách sử dụng rất đơn giản: chỉ đưa ngón tay phải vào vị trí đo, nếu nồng độ oxy và nhịp tim vượt quá giới hạn quy định thì máy sẽ nhấp nháy màn hình thông báo. Ngược lại không thấy thông báo gì là hô hấp khoẻ mạnh bình thường.

Trước thực trạng người dân tự mua máy tạo ôxy, máy thở, bình ôxy... tự dùng tại nhà, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết người dân không nên dự trữ bình ôxy trong nhà bởi thiết bị này phải được kiểm soát lưu lượng dòng, kiểm soát áp suất nên cần người có chuyên môn sử dụng. Đối với các trường hợp bệnh nhân COVID-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp bệnh nhân COVID-19 đều cần đến thở máy. Theo dữ liêu được ghi nhân trong đợt dịch lần này, có khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% số ca cần thở ôxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập" - ông Khoa giải thích.

Theo ông Khoa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống ôxy, khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn để vận hành. Bên cạnh đó, trong quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cũng cảnh báo việc người dân tự ý mua các thiết bị tạo ôxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết. Khi mắc COVID-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với ôxy y tế. "Máy tạo ôxy là một nguồn ôxy y tế để điều trị suy hô hấp, có thể dùng trong bệnh viện hoặc tại nhà, chủ yếu cho suy hô hấp mạn tính phải dùng với liệu pháp ôxy dài ngày. Với COVID-19, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ điều trị cách ly tại nhà với trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Khi đã phải dùng đến máy tạo ôxy tức là đã nặng rồi thì không thể điều trị tại nhà được. Việc người dân đổ xô mua các thiết bị tạo ôxy sẽ tạo ra sự phân bố nguồn lực sai lệch, gây khủng hoảng trên thị trường và xã hội" - ông Nhung nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc người dân không có chuyên môn dự trữ trong nhà có thể gây ra nổ như áp suất vượt quá mức tối đa cho phép của bình; bình ôxy không được kiểm định, khí ôxy nạp vào bình không bảo đảm mức độ an toàn. Nếu nhiệt độ tăng cao thì áp suất bên trong bình cũng tăng dẫn đến cháy nổ gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ths.BS Vũ Trần Thiên Quân – Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho rằng, không phải máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) nào cũng đạt chuẩn, nếu người dân mua qua mạng, hàng hóa không rõ nguồn gốc thì không thể biết được chất lượng.

Cũng theo BS Quân, người dân không nên tự trang bị máy SpO2. Bởi tuy thao tác đơn giản, nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả oxy máu khi đo bằng máy SpO2 như tưới máu kém vùng đo SpO2 kém, nhịp tim không đều, nhiễu chuyển động, truyền ánh sáng bị chặn như những người sơn móng tay màu xanh hoặc đen… có thể cho ra kết quả không chuẩn xác./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực