Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ nghĩa thân hữu- nhận diện và giải pháp

13:38 31/03/2025
Chủ nghĩa thân hữu có nguồn gốc từ sự phát triển của các mối quan hệ mật thiết giữa doanh nghiệp và quan chức chính phủ. Khái niệm này xuất hiện khi các doanh nghiệp bắt đầu dựa vào mối quan hệ cá nhân với những người có quyền lực để đạt được lợi ích kinh tế, thay vì dựa vào cạnh tranh công bằng trên thị trường.

1. Chủ nghĩa thân hữu là gì? 

Chủ nghĩa thân hữu (hay quan hệ thân hữu) là một khái niệm để chỉ tình trạng các doanh nghiệp và những người có quyền lực kết hợp với nhau, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận các dự án của nhà nước, tiếp cận các điều kiện ưu đãi. Điều này không chỉ dừng lại ở từng vụ việc, từng dự án, mà có thể lan rộng hơn, ảnh hưởng tới cả quá trình ban hành chính sách, quyết định, cho phép doanh nghiệp nào đó được hưởng những ưu đãi, trợ giúp của nhà nước, như: chính sách thuế ưu đãi, những khoản trợ giúp (đầu tư) từ ngân sách, hoặc những hình thức trợ giúp kín đáo khác được thiết kế riêng dành cho các nhóm thân quen, nhóm lợi ích mà các doanh nghiệp bên ngoài khác không thể tiếp cận được. Chủ nghĩa thân hữu cũng còn bao gồm tình trạng người có chức vụ, quyền lực thiên vị, ưu ái cho bạn bè, người thân, người nhà của mình trong việc giao công việc và các lợi thế khác, đặc biệt là trong lĩnh vực cán bộ, như việc bổ nhiệm người thân, người nhà vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Chủ nghĩa thân hữu (quan hệ thân hữu) tồn tại ở nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế, nhưng ở các nước có sự giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, thì quan hệ thân hữu bị hạn chế.

Ở nước ta, khái niệm “chủ nghĩa thân hữu”, “quan hệ thân hữu” được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, sau các “đại án” như: vụ Việt Á; “Phúc Sơn”, “Thuận An”,… trong đó bộc lộ rõ những hành vi của “chủ nghĩa thân hữu”

Nguồn gốc của “chủ nghĩa thân hữu”

Chủ nghĩa thân hữu có nguồn gốc từ sự phát triển của các mối quan hệ mật thiết giữa doanh nghiệp và quan chức chính phủ. Khái niệm này xuất hiện khi các doanh nghiệp bắt đầu dựa vào mối quan hệ cá nhân với những người có quyền lực để đạt được lợi ích kinh tế, thay vì dựa vào cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Chủ nghĩa thân hữu thường được sử dụng để chỉ sự thiên vị trong việc giao công việc và các lợi thế khác cho bạn bè hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị. Ví dụ, việc bổ nhiệm “bạn thân” vào các vị trí của chính quyền, bất kể trình độ chuyên môn của họ, là một biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa thân hữu.

2. Nhận diện 

Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đều hiểu rằng, xây dựng mối quan hệ với các quan chức là rất quan trọng để có thể làm ăn dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp coi đây không chỉ là một sự cần thiết, mà còn là một cách đầu tư sinh lợi hiệu quả. Dự án đầu tư vào các quan chức khá phổ biến bắt đầu từ việc tài trợ cho chuyện "chạy" chức, "chạy" quyền. Đây là mối quan hệ hai chiều: Các doanh nghiệp có thể xin phép được tài trợ, mà các quan chức cũng có thể kêu gọi tài trợ. Cả hai bên đều hiểu cam kết bất thành văn ở đây: “Giúp anh thành công thì anh mới có điều kiện hỗ trợ”; “...Lên được mới tạo điều kiện được...”. Đây có lẽ đang là cách phổ biến nhất hình thành nên hệ thống các doanh nghiệp "sân sau", doanh nghiệp thân hữu. Nhiều doanh nghiệp còn xâm nhập qua "cửa sau" là vợ, con của quan chức để tạo sự thân tình, được hưởng mối quan hệ thân hữu. Mặt khác, quan hệ thân hữu còn được hình thành theo cách tự nhiên nữa là người nhà của cán bộ đứng ra thành lập doanh nghiệp. Họ kinh doanh nhờ mối quan hệ mà không cần phải đầu tư trí, lực. Những doanh nghiệp này không cần nhiều vốn, không cần nhiều kiến thức, kỹ năng kinh doanh, chỉ cần đón lõng và hiểu "phép chia" đối với công lao những người giúp mình có được dự án là thành công. Với những biểu hiện như vậy, rõ ràng chủ nghĩa thân hữu đang len lỏi vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Các đại án “Việt Á”; “Phúc Sơn”, “Thuận An”,… đều cho thấy rõ các mối quan hệ thân hữu.

3. Tác hại của “chủ nghĩa thân hữu”

Chủ nghĩa thân hữu có nhiều tác hại đối với nền kinh tế và xã hội. Cách làm ăn dựa vào quan hệ thân hữu đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho đất nước, tạo ra những nguy cơ, những rủi ro chưa thể lường hết, như:

Gây ra sự bất công trong kinh doanh: Có thể nói, tình trạng quan hệ thân hữu là rất tai hại, làm bóp méo động lực kinh doanh, động lực phát triển kinh tế thị trường. Nếu để tình trạng quan hệ thân hữu phát triển sẽ dần "bóp chết" việc làm ăn chân chính. Trước hết, quan hệ thân hữu làm cho môi trường kinh doanh bị hủy hoại nghiêm trọng. Các doanh nghiệp không có mối quan hệ thân thiết với quan chức chính phủ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh và nguồn lực, dẫn đến môi trường kinh doanh không công bằng. Không ít doanh nghiệp nêu chuyện, ở một vài địa phương, việc gia nhập thị trường gần như là không thể đối với các doanh nghiệp không nằm trong nhóm thân hữu hoặc ở địa phương khác đến. Các doanh nghiệp như vậy sẽ khó có được các hợp đồng, dự án, chi phí kinh doanh luôn bị đội lên, không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị phá sản. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp thân hữu lại tận dụng được cơ hội nhờ được ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực bao gồm đất đai, tài nguyên, tiếp cận hợp đồng, thương quyền...   

Làm giảm hiệu quả kinh tế: Khi các doanh nghiệp dựa vào mối quan hệ thay vì năng lực thực sự, nguồn lực kinh tế không được phân bổ một cách hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến sự lãng phí và giảm năng suất tổng thể của nền kinh tế.
Thúc đẩy tham nhũng: Chủ nghĩa thân hữu thường đi kèm với tham nhũng, khi các quan chức chính phủ nhận hối lộ hoặc ưu đãi đặc biệt để đổi lấy sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp thân hữu. Vì những mục đích của nhóm thân hữu mà những cán bộ có quyền có thể quyết định cả những việc đi ngược lại lợi ích quốc gia, hủy hoại môi trường.

Làm suy yếu niềm tin vào hệ thống pháp luật và chính trị: Khi người dân nhận thấy rằng thành công kinh doanh phụ thuộc vào mối quan hệ hơn là năng lực và sự công bằng, niềm tin vào hệ thống pháp luật và chính trị sẽ bị suy giảm. Bất công và bất bình xã hội đang bị tích tụ lại ngày một nhiều hơn. Nếu mọi cơ hội đều do một nhóm thâu tóm thì những người làm ăn chân chính sẽ còn được gì? Điều này đi ngược với những giá trị về bình đẳng và công bằng xã hội mà chế độ đang hường tới, xây dựng. Nó cũng dẫn đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực công vì lợi ích tư.

Cản trở sự phát triển bền vững: Chủ nghĩa thân hữu có thể tạo ra các doanh nghiệp tồn tại nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ mà không có khả năng cạnh tranh thực sự. Điều này cản trở sự phát triển bền vững và đổi mới trong nền kinh tế. Một số doanh nghiệp có thể lớn mạnh, nhưng quan hệ thân hữu dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh, bóp mép động lực của các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp nhận thấy đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hay áp dụng các phương thức quản lý tốt nhất để hạ giá thành sản phẩm không quan trọng bằng việc đầu tư để có các mối quan hệ thân hữu với các cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thay vì tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, thì doanh nghiệp thân hữu lại đầu tư nhiều cho các mối quan hệ với các quan chức, cho “đút lót”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít đầu tư vào khoa học-công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, dẫn đến hệ quả là năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế nước ta cũng rất thấp.

Thực tế, có những “đại gia” ở Việt Nam không hề đột phá gì về khoa học, công nghệ, không có phát minh hay sáng chế gì, không có năng lực kinh doanh gì đặc biệt, nhưng lại được trúng thầu liên tiếp, được tiếp cận các dự án của nhà nước, tiếp cận các điều kiện ưu đãi, tài nguyên, nguồn lực, ví dụ, cho phép xây dựng một công trình lớn, một con đường cao tốc... Sau đó, không ít trường hợp, họ cũng không làm gì cả mà bán lại ngay cho người khác và ăn chênh lệch ngay hàng nghìn tỷ đồng. Quan hệ thân hữu cũng có thể len lỏi vào những điều luật, thông tư, quy định và gây ra bất bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ khác. Nên nhiều doanh nghiệp của Việt Nam không lớn lên được, một số thậm chí không muốn lớn lên.

4.  Giải pháp ngăn chặn chủ nghĩa thân hữu

 (1). Đẩy mạnh xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế về kiểm soát quyền lực. Mọi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn đều phải được kiểm soát chặt chẽ từ bên trong và kiểm soát từ bên ngoài bằng các cơ chế và quy định rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt, trong công tác cán bộ phải đánh giá đúng khả năng công tác, phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác, ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm với quyền hạn…

Cần tăng cường công khai, minh bạch, mọi quyết định quan trọng của các cơ quan nhà nước phải được đưa ra lấy ý kiến. Phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tăng cường trách nhiệm giải trình. Bất kỳ ai quyết định điều gì dù là dựa trên ý kiến tập thể cũng phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu quyết định đó sai trái và phải bị trừng phạt, dù là trách nhiệm tài chính, hành chính hay hình sự.

(2). Đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền mạnh, đồng thời nỗ lực cải cách hành chính. Pháp luật là phải được thượng tôn, rõ ràng, đồng bộ và nhất quán, đồng thời mang tính hiện đại, theo kịp trình độ phát triển luật pháp, thông lệ quốc tế. Các thủ tục hành chính phải đơn giản hóa, công khai, công bằng, thống nhất, nhanh chóng và trực tiếp. Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn trong hệ thống cơ quan hành chính phải gắn liền với tăng cường trách nhiệm trực tiếp và cuối cùng. Bảo đảm mọi tài sản xã hội, mọi luật định, mọi công việc nhà nước đều có người chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm hình sự cụ thể, rõ ràng. Kiểm soát chặt việc tự vay, tự trả của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các địa phương và cả khu vực tư nhân liên kết với các DNNN hay bảo lãnh của Nhà nước. Công khai, minh bạch đầu tư công và các số liệu của các DNNN để có giám sát từ cộng đồng, cùng phối hợp với giám sát của cơ quan nhà nước. Cần công khai việc công bố các dự thảo và văn bản chính thức luật lệ, quy định có liên quan đến người dân để nhân dân có thể đóng góp, hiểu rõ và thi hành đúng. Cần thi hành hệ thống thông tin điện tử thống nhất, dễ tra cứu về các thu, chi liên quan đến thu, chi ngân sách và đầu tư công trên internet để có thể theo dõi, giám sát.

(3). Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ cơ chế "xin - cho" trong quản lý kinh tế - xã hội. Cần hoàn thiện các quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu các dự án, đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản công theo hướng minh bạch, công khai, chặt chẽ và đồng bộ, bảo đảm môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và công bằng, lường trước và “bịt kín” tất cả các “lỗ hổng”, khắc phục những hạn chế, phòng ngừa "tham nhũng vặt", “sách nhiễu”, “vòi vĩnh” trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Song song với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh. Trong đó, hoàn thiện các quy định về kê khai tài sản cán bộ công chức, tăng cường cơ chế giám sát của xã hội; bổ sung quy định về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc hoặc không giải trình hợp lý; sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng: xử lý, thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhận quà biếu; tăng nặng các chế tài pháp lý, từ xử lý kỷ luật, xử lý hành chính cho đến xử lý hình sự, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn nữa đối với các hành vi vi phạm…

(4). Đổi mới công tác cán bộ theo hướng đề cao quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu. Khắc phục tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình hình thức nhưng không bảo đảm chất lượng cán bộ; coi trọng phát hiện, đào tạo, sử dụng và tôn vinh người tài, đặc biệt là đối với những người đứng đầu đủ tâm và đủ tầm gánh vác trọng trách; kiên quyết chống những biểu hiện tham nhũng trong công tác cán bộ cũng như thường xuyên phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển; cần thường xuyên luân chuyển cán bộ, tái lựa chọn cán bộ, tránh để một cán bộ tồn tại ở một vị trí quá lâu. 

(5). Coi trọng các nhân tố chất lượng và yêu cầu phát triển bền vững. Cần đa dạng hóa các phương thức huy động và đầu tư (BOT, BT, PPP...); tích cực thu hồi, “bóc tách” và thương mại hóa những tài sản đất đai và bất động sản cùng các tài nguyên công cộng khác trên địa bàn bị chiếm hữu trái phép, sử dụng sai mục đích, quá tiêu chuẩn hoặc không hiệu quả… để đưa vào thị trường vốn.

(6). Xử lý nghiêm mọi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, như: quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu, mua bán tài sản công… Đặc biệt, cần điều tra làm rõ có hay không hành vi nhận hối lộ trong các vụ án lợi dụng chức vụ hoặc thiếu trách nhiệm.... Nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội phải quyết liệt, kiên trì điều tra, chứng minh tội phạm và xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tránh bỏ lọt tội phạm.

 

PGS,TS Nguyễn Văn Giang

Hội đồng Lý luận Trung ương



Tài liệu tham khảo
1. TS Nguyễn Sĩ Dũng, TS Nguyễn Minh Phong, Hoàng Gia Minh, Hồ Quang Phương: Chống chệch hướng sang chủ nghĩa tư bản thân hữu - Yêu cầu sống còn, QĐND điện tử, 06/05/2017. 
2. TS Lê Đăng Doanh, Quan hệ thân hữu đang ‘bóp chết’ làm ăn chân chính, Chinhphu.vn, 07/12/2016.
3. Huy Hào, Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn đất nước, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, 12/4/2023.
 4. Thấy gì ở 3 'đại án' sắp xét xử?, Đại đoàn kết (e) 26/02/2024.












 

 

 

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm