Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công an tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh biên giới tại Anh

07:51 01/04/2025
Ngày 31/3, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh về An ninh biên giới diễn ra tại London, Vương quốc Anh.

left center right del
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang (phải) dự và phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN).

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Lương Tam Quang đã tham gia các phiên họp về đấu tranh chống tội phạm buôn bán người, tội phạm trên không gian mạng và ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm tội phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh sự phát triển bùng nổ của các công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh… đã và đang làm không gian mạng cũng như cuộc sống con người thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích to lớn không thể phủ nhận, những thành tựu công nghệ thông tin mới và các dịch vụ, ứng dụng thông minh trên không gian mạng cũng làm xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Tại Việt Nam thời gian gần đây, tội phạm triệt để lợi dụng mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến để lừa gạt, dụ dỗ người Việt Nam đi nước ngoài làm việc với hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”, “thu nhập ổn định”, sau đó ép buộc làm việc trong các cơ sở kinh doanh sòng bạc hoặc lừa đảo trực tuyến. Trước tình hình trên, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch quan trọng về phòng chống mua bán người và di cư bất hợp pháp, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiên quyết đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần thực hiện mục tiêu “bảo vệ an ninh con người”.

Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, lao động ở nước ngoài; cảnh báo rủi ro, hậu quả và phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng để dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo người dân xuất cảnh trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp ở nước ngoài nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa trong các tầng lớp nhân dân.

Bộ Công an Việt Nam thường xuyên tổ chức rà soát, xác minh, nắm chắc tình hình công dân có hoạt động xuất cảnh, di cư trái phép, vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Đồng thời, Bộ Công an cũng tăng cường các biện pháp nắm bắt tình hình trên không gian mạng, chủ động phát hiện, xử lý các hội, nhóm, tài khoản mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, giới thiệu dịch vụ đưa người ra nước ngoài, nghi vấn hoạt động môi giới, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

left center right del
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm tại Lancaster House. (Ảnh: TTXVN).

Nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thực thi pháp luật, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị hoạt động phòng, chống tội phạm mạng xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người, phải được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia trên không gian mạng; rà soát, hoàn thiện các văn bản thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương tạo cơ sở pháp lý cho đấu tranh với loại tội phạm này.

Bộ Công an Việt Nam đề xuất các cơ quan thực thi pháp luật các nước hợp tác chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ kịp thời các thông tin và phối hợp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động phạm tội, ngăn chặn nguồn tài trợ và các kênh lôi kéo, lừa gạt dụ dỗ người dân di cư trái phép, nhất là các hội nhóm kín trên không gian mạng.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng nhấn mạnh các nước cần tập trung xác minh, làm rõ bản chất, nguyên nhân, điều kiện, địa bàn, xu hướng hoạt động của loại tội phạm mạng này để thực hiện công tác phòng ngừa “từ sớm, từ xa”. Bên cạnh đó, cơ quan thực thi pháp luật các nước cần tăng cường công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc trên lãnh thổ mỗi quốc gia, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến di trú, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho người nước ngoài trên lãnh thổ của nhau.

Các quốc gia có kinh nghiệm cũng cần quan tâm hỗ trợ, đào tạo, nâng cao năng lực, tổ chức hội nghị, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phòng, chống mua bán người; cung cấp thiết bị, phương tiện chuyên dụng hiện đại cho các quốc gia khác nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời và rút ngắn khoảng cách về năng lực phòng, chống tội phạm mạng./.


Theo Phong Hà/TTXVN

Tag:

File đính kèm