Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần quy định các chính sách vượt trội nhất cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

12:15 16/05/2025
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

left center right del
Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ sự tán thành cao đối với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chỉ ra rằng, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là công tác có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn còn đang gặp không ít khó khăn trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, từ khâu hoạch định chính sách, soạn thảo văn bản cho đến tổ chức thi hành. Nhiều cơ quan, đơn vị thiếu cơ chế chủ động về tài chính, nhân sự; không có đủ điều kiện đãi ngộ xứng đáng cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật; việc thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức giỏi còn bị bó hẹp trong khuôn khổ cứng nhắc; ứng dụng công nghệ vào quy trình xây dựng pháp luật còn chậm so với yêu cầu đổi mới. 

Từ thực tiễn đó, đại biểu cho rằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) nhận định, việc đề ra chính sách ưu đãi, bồi dưỡng thích đáng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng và cán bộ tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách, pháp luật là cần thiết, góp phần kích thích trách nhiệm, tinh thần làm việc của đội ngũ này; tránh nguy cơ xen kẽ, đưa “lợi ích nhóm” vào hoạt động xây dựng và thi hành chính sách pháp luật.

Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ tán thành cao với quy định của dự thảo Nghị quyết, theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. 

Đại biểu cũng tán thành việc dự thảo Nghị quyết quy định việc khoán chi theo nhiệm vụ hoặc hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế thực hiện theo tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế. Tuy nhiên đại biểu đề nghị nên quy định giao Chính phủ quy định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi cho từng nhiệm vụ, hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 

 

left center right del
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP Huế)

Cũng đóng góp ý kiến về ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP Huế) cho rằng, quy định ngân sách bảo đảm “không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước” thiếu linh động, có thể không thích ứng với điều kiện thực tế và tính khả thi, lâu dài của ngân sách nhà nước. 

Đại biểu đề xuất điều chỉnh lại nội dung theo hướng: Ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, được điều chỉnh tăng dần theo yêu cầu phát triển và phù hợp với tình hình cân đối ngân sách nhà nước. Trường hợp điều kiện kinh tế xã hội hoặc nguồn lực ngân sách thay đổi lớn, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, ưu tiên nguồn lực phát triển bền vững.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP Huế) đề nghị bổ sung vào Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định: “Việc sử dụng ngân sách kèm theo Nghị quyết này phải được kiểm toán độc lập; công khai quyết toán hàng năm; bảo đảm sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và toàn xã hội”. 

Liên quan đến phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung như: vai trò của công nghệ số trong đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức; theo dõi kiểm tra, đánh giá hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung quy định số hoá ở một số khâu như tham vấn, lấy ý kiến tuyên truyền, phổ biến, giáp dục pháp luật, giám sát, phản biện xã hội…/.

 


Minh Thư

Tag:

File đính kèm