Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề ra thời gian cụ thể, không để chậm trễ việc triển khai các chương trình, dự án Nghị quyết 57

21:25 22/05/2025
(ĐCSVN) - Chiều 22/5 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) họp trao đổi về các chuyên đề: Mô hình hợp tác “3 Nhà”; xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh; lựa chọn, thu hút 100 chuyên gia giỏi để tham gia những chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo trọng điểm quốc gia; kiểm điểm những nhiệm vụ chậm muộn.

left center right del
Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Các đồng chí: Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì cuộc họp.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ với sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí
 Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Thông báo kết luận số 15-TB/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo, trên cơ sở trao đổi, phối hợp và tổng hợp thông tin của các cơ quan liên quan, Thường trực Tổ Giúp việc đã có những báo cáo cụ thể nêu rõ những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới .

Tập trung vào những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đồng chí Ngô Hải Phan cho biết, về mô hình hợp tác “3 nhà”, hiện chưa có khung pháp lý đồng bộ giữa các luật (KH&CN, Giáo dục đại học, Sở hữu trí tuệ, Tài sản công, Đầu tư, Ngân sách…); thiếu cơ chế linh hoạt trong tài chính R&D; chưa rõ quy định phân chia sở hữu trí tuệ và lợi ích thương mại. Còn thiếu nền tảng chung để chia sẻ nhu cầu - kết quả giữa doanh nghiệp và trường đại học; “đầu bài” nghiên cứu từ doanh nghiệp chưa rõ ràng hoặc thiếu cơ chế tiếp nhận. Doanh nghiệp thiếu động lực hợp tác do rào cản về chính sách; các trường thiếu cán bộ chuyên trách quản lý R&D, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ....


Về phát triển trí tuệ nhân tạo, lựa chọn, thu hút 100 chuyên gia giỏi để tham gia những chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo trọng điểm quốc gia, những chương trình của Chính phủ hiện nay mới dừng ở mức dự thảo chưa được ban hành. Theo Báo cáo của Đảng ủy Chính phủ, mới chỉ có danh sách các chuyên gia nhưng chưa có đánh giá về kết quả sử dụng cũng như sản phẩm và đóng góp cụ thể của các chuyên gia này. Hiện còn thiếu cơ chế đặc thù để thu hút chuyên gia xuất sắc, chưa có khung chính sách riêng biệt về mức lương, ưu đãi, môi trường làm việc cho chuyên gia AI tương xứng với thị trường quốc tế, cơ chế ký hợp đồng, làm việc linh hoạt còn rườm rà, nhiều rào cản hành chính, không ít các chuyên gia trong và ngoài nước e ngại sự gò bó, thiếu linh hoạt trong khu vực công lập hoặc các nhiệm vụ nhà nước chủ trì. Hạn chế trong kết nối chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, chưa có chính sách thu hút mạnh mẽ, kênh kết nối chuyên nghiệp với nhiều chuyên gia là Việt kiều làm việc tại các trung tâm AI lớn như: Mỹ, Nhật, Hàn, Châu Âu...

left center right del
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số - ơ yếu Ngô Hải Phan báo cáo tại cuộc họp.

Về tình hình triển khai xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc: Thiếu hành lang pháp lý và công cụ quản lý cho quy hoạch và phát triển đô thị thông minh; Công tác quy hoạch còn yếu, chậm chuyển đổi và chuẩn hóa dữ liệu, chưa tận dụng hiệu quả công nghệ ICT; Nguồn lực hạn chế, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ; đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm, số lượng ít; Thiếu liên kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bên; sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân còn yếu; Dữ liệu còn phân tán, thiếu liên thông, không đồng bộ, chưa chuẩn hóa; khó khăn trong cân bằng giữa chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin; thiếu tiêu chuẩn, kỹ thuật chung...

Về Khu công nghiệp Công nghệ cao, các khu công nghệ cao bước đầu đã hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, kết quả còn chưa tương xứng với kỳ vọng; hạ tầng, thể chế, chính sách thu hút đầu tư, nhân lực chất lượng cao và môi trường hỗ trợ nghiên cứu và phát triển vẫn là những điểm nghẽn chủ yếu cần được tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.


Về tinh hình kết quả triển khai các nhiệm vụ chậm muộn, hiện có 21/44 nhiệm vụ đã hoàn thành và thực hiện theo lộ trình; 09/44 nhiệm vụ hoàn thành một phần; 11/44 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Theo đó, về xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hợp tác công tư để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (nhiệm vụ giao Bộ Tài chính), chính sách nếu chậm ban hành có thể dẫn đến mất cơ hội thu hút đầu tư tư nhân; giảm hiệu quả triển khai chuyển đổi số và không tận dụng được động lực từ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hay chậm muộn việc rà soát, sửa đổi, ban hành văn bản quy định việc sử dụng Sổ tay Đảng viên (nhiệm vụ giao Ban Tổ chức Trung ương) sẽ m ảnh hưởng đến xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các dịch vụ công của Đảng...


Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đến từ các cơ quan, Ban, Bộ, ngành và các địa phương đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những việc đã làm được, nhất là những việc chưa làm được, đồng thời đưa các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các chương trình, đề án được hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra.

left center right del
Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Các đại biểu tập trung vào các nội dung như sửa Luật ngân sách nhà nước, Luật thuế thu nhập cá nhân; cơ chế khấu trừ thuế, hoàn thuế, giãn thuế doanh nghiệp và cá nhân, miễn giảm thuế; giảm bớt, làm ngắn các thủ tục hành chính; quy định về phát triển công viên khoa học công nghệ; có chính sách đặc thù để đáp ứng đủ công suất về nguồn điện sạch, điện đủ...

Đáng chú ý, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội kiến nghị cần mở rộng khu công nghệ cao Hòa Lạc thành khu đô thị với đầy đủ các hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, bệnh viên, nhà ở,... Trong đó cần mở rộng hợp tác với các trường đại học, các doanh nghiệp, xây dựng cơ chế phối hợp; đẩy mạnh thu hút nhân tài, thu hút chuyên gia, đào tạo công nghệ cao; sớm đầu tư đường sắt số 5 đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và chuyên gia lên khu công nghệ cao...


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng 2 khu công nghệ cao tại Hà Nội và và TP Hồ Chí Minh cần phải làm rõ là trở thành hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ nhưng không khuyến khích các doanh nghiệp vào đây sản xuất vì sẽ không đủ nguồn lực về đất đai... Hiện nhà nước đầu tư rất lớn vào hai khu công nghệ cao này từ công tác giải phóng mặt bằng đến hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề còn khó khăn lớn nhất là phát triển hạ tầng xã hội. Mà hạ tầng xã hội không có thì các khu công nghệ cao không phát triển được...


Do đó, về pháp lí, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố nên rà lại và đưa ra các quy định chung cho các khu công nghệ cao. Hà Nội phải đầu tư nhanh tuyến đường sắt số 5, thành lập các trung tâm dữ liệu tại đây. Đồng thời cần có cơ chế chính sách để thu hút được các chuyên gia, giữ chân nhân tài. Phó Thủ tướng đồng tình với kiến nghị của các đại biểu và đồng ý giao các bộ, ngành rà soát lại các thủ tục đầu tư để đơn giản hơn trong quá trình triển khai....

left center right del
Các đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh: Có 3 nhóm việc về pháp lý, hạ tầng phát triển, nhân sự, đến tháng 6/2025 các đầu việc không đi được thì năm 2025 không đi được, dẫn đến các năm sau không thể đi được. Đến thời điểm này chúng ta đã nỗ lực rất lớn, đáp ứng được rất nhiều nội dung. Tuy nhiên, cách đây nửa tháng, Thường trực Ban Chỉ đạo vẫn phải kí gửi 44 đầu việc đến các nơi hiện nay đang chậm muộn và có nguy cơ bị nghẽn.

Nhấn mạnh 6 đầu việc mà chủ yếu liên quan đến Luật của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính,... đồng chí Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, các luật mà không thông thì không thể “chạy” được, sản phẩm sẽ không có. Do đó, đồng chí đề nghị, các cơ quan, bộ, ngành và các đơn vị liên quan cần phải khẩn trương, tích cực phối hợp với nhau để nhanh chóng hoàn thiện các luật, dự án, đề án theo đúng lộ trình đã đề ra.


Theo đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, trong suốt thời gian kể từ khi triển khai đề án chuyển đổi số, chúng ta đã nhận được rất nhiều những ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án. Điều này cho thấy sự quan tâm của các đối tượng thụ hưởng đối với các đề án là rất lớn. Vì vậy, đề nghị, cơ quan chủ trì tiếp tục lấy ý kiến của các đối tượng thụ hưởng để bổ sung vào dự thảo báo cáo trình Quốc hội sắp tới; đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển trước để áp dụng một cách tối đa, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta.

left center right del
Quang cảnh cuộc họp.

Về phát triển đô thị thông minh, đồng chí đề nghị 2 thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh hoàn chỉnh lại các kế hoạch, lộ trình phát triển của địa phương mình trước ngày 28/5 trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp hôm nay. Giao Bộ Ngoại giao là cơ quan thường trực, kết nối với những người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài muốn hợp tác trong lĩnh vực KH&CN, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát các chủ trương, chính sách và đề xuất kiến nghị để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học được hợp tác, cống hiến.

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc cũng yêu cầu trước ngày 28/5, từng đơn vị được nhận thông báo liên quan đến chậm, muộn phải viết báo cáo, đề ra các giải pháp khắc phục và phải đề ra thời gian để “đuổi” kịp, để thống nhất lại để ban chỉ đạo không để chậm trễ việc triển khai các chương trình, dự án Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.../.

Thu Hà

Tag:

File đính kèm