Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
|
 |
Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại tổ.
|
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93% là một kết quả tích cực trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên, các quý còn lại cần đạt trung bình 8,4% – một thách thức không nhỏ khi nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những rủi ro về địa chính trị, tài chính, thương mại và dòng vốn đầu tư, đặc biệt là thách thức đến từ chính sách thuế của Hoa Kỳ và tác động của chiến tranh thương mại.
Một trong những điểm đáng lo ngại là sự suy yếu của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Trong quý I/2025, trung bình mỗi tháng có hơn 26 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn 8,2% so với số lượng doanh nghiệp mới thành lập và tái gia nhập.
Đại biểu nhấn mạnh: “Chúng ta không thiếu quyết tâm, cũng không thiếu chính sách”. Từ Hội nghị Trung ương 5 khóa XII năm 2017 đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW xác định rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và ngày 17/5/2025 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một bước tiến quan trọng mang tính đột phá về tư duy quản lý và thiết kế thể chế nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phát huy hiệu quả ngay từ những tháng còn lại của năm 2025, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
Nhằm biến mục tiêu cải cách từ khẩu hiệu thành hành động thực chất, đại biểu tập trung nhấn mạnh một số điểm cần khắc phục và giải pháp căn cơ để chính sách đặc biệt này có thể đi vào thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân.
“Khoán 10 mới” cho cải cách thể chế và đòn bẩy tài khóa thực chất
Đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh, cần một cuộc “đại phẫu” thể chế để tạo môi trường thuận lợi thực chất cho kinh tế tư nhân. Đại biểu chỉ rõ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp dù có năng lực và sản phẩm tốt vẫn bị kìm hãm bởi thủ tục chồng chéo giữa các cơ quan. Điển hình là lĩnh vực logistics, để mở một trung tâm phân phối tích hợp, doanh nghiệp phải xin hàng chục loại giấy phép từ các cơ quan khác nhau, dẫn tới mất thời gian, bỏ lỡ cơ hội.
Từ bài học “Khoán 10” trong nông nghiệp, đại biểu nhấn mạnh nền kinh tế cần một “Khoán 10 mới” cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, cần mạnh dạn thí điểm cơ chế “giấy phép im lặng” – nếu cơ quan nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai. Áp dụng trước cho các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án qui mô nhỏ... nhằm thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy từ “xin - cho” sang “cam kết - chịu trách nhiệm”.
Đặc biệt, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”, chỉ xử lý hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, có lỗi cố ý và gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này sẽ góp phần giải phóng sức sản xuất của doanh nghiệp tư nhân, giúp họ không còn phải “đi đường dài với đôi chân trần” giữa mê cung thủ tục.
Song song với thể chế, chính sách tài khóa và tiền tệ cũng cần thực sự là “đòn bẩy tăng trưởng”, chứ không dừng lại ở vai trò “trấn an tinh thần”. Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như Nghị định 82/2025/NĐ-CP (gia hạn thuế, tiền thuê đất) và Nghị định 31/2022/NĐ-CP (hỗ trợ lãi suất 2%), nhưng việc triển khai còn rất chậm. Gói lãi suất 2% từng được kỳ vọng là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, sau gần hai năm chỉ giải ngân chưa tới 5%, do điều kiện tiếp cận khắt khe khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – “xương sống” của nền kinh tế – bị loại khỏi cuộc chơi.
Theo đại biểu, để dòng vốn thực sự đến đúng nơi cần thiết, cần đồng bộ ba nhóm giải pháp: cải cách đánh giá tín dụng phù hợp với đặc thù doanh nghiệp, giao chỉ tiêu giải ngân bắt buộc cho từng tổ chức tín dụng, và khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát độc lập với bộ chỉ tiêu minh bạch.
Kiến tạo thị trường minh bạch, công bằng, liêm chính
Đại biểu nhấn mạnh cần tăng tốc phát triển thị trường, coi đây là đòn bẩy chiến lược, tạo động lực tăng trưởng và nâng cao sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân.
Với thị trường xuất khẩu, cần chinh phục bài bản hơn, tận dụng triệt để 17 FTA đã ký, bởi hiện tại ta đang để lãng phí tới 69% dư địa từ các Hiệp định này. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ hiệu quả để doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực công nghệ, chất lượng nhân lực, khả năng quản trị rủi ro và tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, lao động, minh bạch và truy xuất nguồn gốc. Bởi nếu không có năng lực cạnh tranh thì thị trường dù có rộng mở cũng sẽ không dành chỗ cho những người đi sau, đi chậm.
Với thị trường nội địa - mỏ vàng gần 100 triệu dân, phải tiếp tục khai thông sức mua, kích hoạt tiêu dùng, loại bỏ tầng nấc trung gian, hiện đại hoá phân phối tạo lực đẩy tăng trưởng nội địa. Cụ thể cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình D2C đưa sản phẩm trực tiếp từ nhà máy tới tay người tiêu dùng; nâng cấp chợ truyền thống, số hoá khâu thanh toán, tối ưu quản trị chuỗi cung ứng, và đầu tư xây dựng thương hiệu Việt một cách chuyên nghiệp, bài bản.
Cuối cùng, một điều vô cùng quan trọng là cần phải kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng, liêm chính, không thể để gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái len lỏi, làm méo mó sân chơi, suy yếu niềm tin, bóp nghẹt những doanh nghiệp chân chính và xói mòn lòng tin thị trường như thời gian qua. "Đây không chỉ là yêu cầu quản lý, mà là cam kết đạo đức với một nền kinh tế phát triển dựa trên giá trị thật" - đại biểu nhấn mạnh./.