Ngày 10/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng
|
 |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng |
Báo cáo tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan chủ trì đã chỉ đạo rà soát và đánh giá tác động của các chính sách trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, nhằm làm rõ cơ sở chính trị của việc ban hành luật này. Các nội dung tại dự thảo luật được khẳng định là phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, nếu được thông qua, các quy định sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng, bao gồm ba nghị quyết quan trọng trong "Bộ tứ cất cánh" giúp Việt Nam phát triển. Cụ thể, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được phản ánh rõ nét. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng được luật hóa. Ngoài ra, thực hiện yêu cầu tại Thông báo số 1346/TB-VPQH ngày 28/4/2025 về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng văn bản số 14923-CV/VPTW ngày 20/5/2025 của Bộ Chính trị, ba nội dung còn lại của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được nhất trí luật hóa nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì rà soát, nghiên cứu toàn diện những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để sửa đổi, bổ sung nội dung, bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng nợ xấu. Các sửa đổi này cũng nhằm đáp ứng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để tránh mất thời cơ...
Ngân hàng Nhà nước chỉ cho vay đặc biệt đối với 2 trường hợp
Giải trình về nhóm chính sách chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục đích của ngân hàng trung ương về phát hành tiền không sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm không dẫn đến rủi ro ngân sách nhà nước phải bù lãi suất. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát các quy định về xử lý các khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo chế độ tài chính của ngân hàng này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh: Việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng cho hai trường hợp: một là tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt để chi trả cho người gửi tiền, hai là để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc của các tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt. Hoạt động này chỉ được tiến hành sau khi đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở.
"Như vậy, cho vay đặc biệt là cần thiết để ngăn chặn hiện tượng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng, hạn chế nguy cơ rủi ro lan truyền sang các tổ chức khác, hoặc hỗ trợ phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc nhằm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Mục tiêu là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh trật tự và an toàn xã hội, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Tại khoản 3 Điều 194 Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết việc cho vay đặc biệt. Thực hiện quy định này, Thống đốc đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024, quy định cụ thể mục đích, số tiền, thời hạn, tài sản bảo đảm, điều kiện tài sản bảo đảm, trả nợ vay và trách nhiệm của các bên liên quan.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, sau khi dự thảo luật được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Thông tư số 37/2024/TT-NHNN liên quan đến tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, mục đích sử dụng khoản vay, trách nhiệm của đơn vị được vay và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước khi cho vay, kiểm soát nguồn tiền để tránh rủi ro, tránh lạm dụng chính sách. Điều này nhằm giảm áp lực tái cấu trúc nội tại của ngân hàng, tăng cường tính minh bạch về trình tự, thủ tục cho vay, đồng thời tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tổn thất có thể xảy ra, phòng tránh rủi ro đạo đức, rủi ro chính sách và hiệu ứng phụ, bảo đảm niềm tin và công bằng thị trường./.