Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Động lực phát triển từ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Hành động cấp thiết để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực bứt phá cho phát triển đất nước

19:34 28/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

(ĐCSVN) – Nhiều điểm nghẽn cố hữu trong hệ thống chính sách, nguồn nhân lực, hoạt động doanh nghiệp và hạ tầng số đang cản trở khoa học-công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát huy vai trò động lực. Nếu không sớm tháo gỡ những rào cản này, các mục tiêu tham vọng của Nghị quyết 57 như kinh tế số chiếm 30% GDP, trên 40% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo vào năm 2030 sẽ khó có thể đạt được.

Việt Nam đang đặt kỳ vọng lớn vào việc biến khoa học-công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trở thành động lực chính cho tăng trưởng, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024. Nghị quyết 57 xác định bộ ba này là “đột phá quan trọng hàng đầu” để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ nghị quyết đến cuộc sống là một khoảng cách không nhỏ. Nhiều điểm nghẽn cố hữu trong hệ thống chính sách, nguồn nhân lực, hoạt động doanh nghiệp và hạ tầng số đang cản trở KH&CN, ĐMST, CĐS phát huy vai trò động lực. Nếu không sớm tháo gỡ những rào cản này, các mục tiêu tham vọng của Nghị quyết 57 như kinh tế số chiếm 30% GDP, trên 40% doanh nghiệp có hoạt động ĐMST vào năm 2030 sẽ khó có thể đạt được. Bài viết sau đây phân tích bốn vấn đề nổi cộm đang kìm hãm động lực phát triển từ KH&CN, ĐMST, CĐS, qua đó nhấn mạnh sự cấp thiết phải hành động quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 57.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ như báo cáo đã nêu từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện (các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục; các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho khoa học công nghệ hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển của ta chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, có nước 5%; chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm để tài là hình thức “làm kinh tế biến tướng”...). Nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các Nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện”.

left center right del
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học-công nghệ bên lề Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Ảnh: quochoi.vn)

Thể chế, chính sách chưa đồng bộ và linh hoạt

Một trong những lực cản lớn nhất đối với đổi mới công nghệ ở Việt Nam là hệ thống thể chế, chính sách thiếu đồng bộ, chậm đổi mới. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đòi hỏi khung pháp lý linh hoạt, nhưng nhiều quy định hiện hành vẫn lạc hậu, không theo kịp thực tiễn. Chính Nghị quyết 57 đã thẳng thắn chỉ rõ “thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu” phát triển KH&CN, ĐMST, CĐS. Tư duy quản lý kiểu cũ “không quản được thì cấm” còn khá phổ biến, khiến việc thử nghiệm cái mới gặp nhiều rào cản. Chẳng hạn, trước làn sóng kinh tế số, nhiều mô hình kinh doanh công nghệ mới (như xe công nghệ, fintech, blockchain…) loay hoay trong khoảng trống pháp lý hoặc bị điều chỉnh bởi các quy định lỗi thời không phù hợp. Việc thiếu các cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) khiến doanh nghiệp e ngại triển khai sáng kiến đột phá do sợ vướng luật.

Bên cạnh đó, một số quy định nhân sự cứng nhắc cũng làm hao hụt nguồn lực chất lượng cho khoa học công nghệ. Quy định tuổi nghỉ hưu cố định là ví dụ điển hình: Nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học giỏi buộc phải về hưu ở tuổi 60-62 dù vẫn còn năng lực và mong muốn cống hiến. Ở các viện nghiên cứu, trường đại học, không ít “cây đa, cây đề” về khoa học phải nghỉ công tác theo luật định, tạo khoảng trống về chuyên môn và kinh nghiệm mà lớp kế cận khó bù đắp ngay. Trong khi nhiều nước linh hoạt kéo dài thời gian làm việc của các chuyên gia cao cấp hoặc mời họ cố vấn sau nghỉ hưu thì Việt Nam mới chỉ manh nha cơ chế này. Việc chậm cập nhật chính sách nhân sự khiến chúng ta lãng phí chất xám và tri thức quý báu.

Đặc biệt, cơ chế quản lý tài chính cho nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp rườm rà, thiếu hấp dẫn đang kìm hãm nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân vào R&D. Luật pháp cho phép doanh nghiệp trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KH&CN, nhưng thủ tục sử dụng quỹ này rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp sợ rủi ro bị truy thu thuế hoặc phạt nếu chi quỹ không đúng mục đích, nên thà không trích lập hoặc trích rồi để đó. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, giai đoạn 2015-2021 có 1.281 doanh nghiệp trích lập quỹ KH&CN với tổng số tiền khoảng 23.000 tỷ đồng, nhưng họ chỉ sử dụng được 14.400 tỷ (60%), phần còn lại đành nộp trả vì không tiêu hết. Thậm chí, khối doanh nghiệp FDI hoàn toàn không mặn mà với cơ chế quỹ này vì “lợi ích tài chính không tương xứng với rủi ro” khi sử dụng quỹ. Trường hợp Tập đoàn Cao su Việt Nam từng phải hoàn trả tới 84% quỹ KH&CN đã trích lập do không triển khai được hoạt động R&D nào đáng kể. Rõ ràng, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Các quy định cứng về tỷ lệ trích lập, nội dung chi tiêu, quyết toán… cần được thiết kế linh hoạt hơn, sát thực tiễn hơn nếu muốn biến doanh nghiệp thành “động lực chính của đổi mới sáng tạo” chứ không phải gánh nặng thủ tục.

Tóm lại, thể chế chưa “mở khoá” cho khoa học công nghệ phát triển. Việc hoàn thiện khung chính sách đi trước một bước – như Nghị quyết 57 nhấn mạnh – là điều kiện tiên quyết. Cần mạnh dạn rà soát, bãi bỏ những quy định lỗi thời, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thử nghiệm cái mới, đồng thời thiết kế cơ chế quản lý linh hoạt (như tăng quyền tự chủ cho đơn vị nghiên cứu, cho phép chuyên gia kéo dài thời gian làm việc, đơn giản hoá thủ tục quỹ KH&CN...). Nếu thể chế chuyển động chậm hơn cuộc sống, thì KH&CN, ĐMST khó lòng bứt phá.

Hạn chế về nhân lực khoa học và số

Nhân lực được ví như “trái tim” của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhưng đây lại là điểm yếu cố hữu của Việt Nam. Chúng ta thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhân tài trình độ cao. Nghị quyết 57 đã nêu rõ nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH&CN, ĐMST hiện còn rất thiếu hụt. Thực trạng “chảy máu chất xám” diễn ra nhiều năm qua vẫn chưa được chặn đứng hiệu quả. Nhiều học sinh, sinh viên ưu tú ra nước ngoài học tập rồi chọn ở lại làm việc thay vì hồi hương. Theo một thống kê gần đây, trong khoảng 350.000 du học sinh đến từ Đông Nam Á đang học tại các nước, có tới 132.000 là người Việt Nam, chiếm tỷ lệ lớn nhất. Họ bị thu hút bởi hạ tầng nghiên cứu hiện đại và mức đãi ngộ cao ở các nước phát triển, dẫn tới tỷ lệ hồi hương rất thấp sau khi tốt nghiệp. Điều này đồng nghĩa mỗi năm Việt Nam mất đi hàng chục nghìn lao động trí tuệ trẻ, năng động – những người lẽ ra có thể đóng góp quan trọng cho sự phát triển khoa học công nghệ trong nước.

left center right del
Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Không chỉ khó thu hút nhân tài mới, chúng ta còn gặp thách thức trong giữ chân chuyên gia giỏi ở các viện, trường, doanh nghiệp nhà nước. Khu vực công thiếu cơ chế đãi ngộ cạnh tranh, môi trường nghiên cứu còn nhiều hạn chế, khiến các nhà khoa học đầu ngành có xu hướng dịch chuyển sang khu vực tư nhân hoặc nước ngoài. Phó Giáo sư Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thừa nhận nguồn nhân lực trình độ cao tại nhiều viện nghiên cứu đang giảm sút; các ngành khoa học mũi nhọn của viện đối mặt thách thức lớn vì chuyên gia giỏi bị khu vực tư và các tập đoàn công nghệ lớn “hút” mất. Rõ ràng, cơ quan nhà nước đang chảy máu chất xám ngay trên sân nhà do không giữ được người tài bởi chế độ đãi ngộ, lương thưởng, điều kiện làm việc kém hấp dẫn so với bên ngoài.

Hệ quả của việc thiếu nhân tài là Việt Nam không có đủ “tổng công trình sư” dẫn dắt các dự án công nghệ chiến lược. Những lĩnh vực đòi hỏi trình độ rất cao như phát triển vi mạch, AI, sinh học phân tử, vũ trụ... gần như vắng bóng chuyên gia tầm cỡ quốc tế người Việt đứng mũi chịu sào. Trong các dự án lớn, chúng ta thường phải thuê chuyên gia nước ngoài hoặc chấp nhận triển khai với nhân sự trong nước ở mức độ năng lực hạn chế, dẫn đến kết quả không như mong đợi. Ngay cả trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số – vốn được coi là thế mạnh của người Việt – thì vai trò kiến trúc sư trưởng cho các dự án tầm quốc gia vẫn chưa rõ ràng. Việc “tính toán hình thành cơ chế Kiến trúc sư trưởng hoặc Tổng công trình sư” cho các dự án lớn về KH&CN, CĐS mới chỉ là đề xuất trên giấy của lãnh đạo, trong khi lẽ ra những nhân sự như vậy phải được đào tạo, trọng dụng từ lâu.

Không chỉ thiếu nhân tài đỉnh cao, mặt bằng kỹ năng số của lực lượng lao động nói chung cũng chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số trong tương lai. Dù tỷ lệ người dùng Internet và smartphone tại Việt Nam khá cao, phần đông lao động vẫn chỉ có kỹ năng số cơ bản, thậm chí nhiều lao động phổ thông chưa thành thạo tin học văn phòng. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam còn phải cải thiện rất nhiều về chỉ số kỹ năng tương lai cho lực lượng lao động, đặc biệt là kỹ năng công nghệ tiên tiến. Khi chuyển đổi số lan rộng, nhiều công việc truyền thống sẽ thay đổi hoặc bị thay thế, lao động không có kỹ năng số sẽ bị đào thải. Đây là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực số đông đảo, có chất lượng cao. 

Để KH&CN, ĐMST, CĐS thực sự trở thành động lực phát triển, Việt Nam cần một chiến lược nhân lực toàn diện. Một mặt, phải có cơ chế vượt trội thu hút nhân tài trong và ngoài nước – như Nghị quyết 57 đề ra việc xây dựng chính sách đặc biệt về nhập quốc tịch, nhà ở, thu nhập, môi trường làm việc để mời gọi chuyên gia giỏi, kể cả người Việt ở nước ngoài về cống hiến. Mặt khác, cần đầu tư mạnh vào đào tạo trong nước: nâng cao chất lượng đại học, sau đại học trong các ngành khoa học – công nghệ then chốt, đồng thời thúc đẩy các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Khi có đội ngũ nhân lực trình độ cao đủ mạnh, chúng ta mới hy vọng làm chủ được công nghệ lõi và tạo ra những đột phá “Make in Vietnam” thực sự.

Doanh nghiệp chưa là trung tâm của đổi mới sáng tạo

Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm – vừa là nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, vừa trực tiếp bỏ vốn đầu tư cho R&D, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới. Tuy nhiên, hiện nay khu vực doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự trở thành “động lực chính của ĐMST” như kỳ vọng. Khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) – những đơn vị sở hữu nguồn lực lớn – lại tỏ ra kém năng động trong đổi mới. Nguyên nhân đến từ cơ chế quản lý còn nặng tính hành chính, thiếu linh hoạt, khiến lãnh đạo DNNN ngại rủi ro. Không có nhiều động lực để DNNN mạo hiểm đầu tư vào công nghệ mới khi lợi ích thì chưa thấy ngay, nhưng trách nhiệm giải trình nếu thất bại lại rất cao. Tâm lý “ăn chắc mặc bền” khiến nhiều DNNN chọn cách dựa vào tài sản sẵn có, khai thác thế độc quyền hơn là đổi mới mô hình kinh doanh. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá, bổ nhiệm cán bộ DNNN chưa gắn với chỉ tiêu đổi mới sáng tạo, nên lãnh đạo doanh nghiệp không chịu áp lực phải sáng tạo để thăng tiến. Ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng hay hạ tầng, các tổng công ty nhà nước vẫn vận hành theo phương thức truyền thống, ít đầu tư cho R&D các giải pháp đột phá về công nghệ xanh, thông minh.

Ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân dù năng động hơn nhưng đa phần quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế nên khó đầu tư cho ĐMST bài bản. Hiện tại, 98% trong tổng số gần 930.000 doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Khối DNNVV thường thiếu vốn, nhân lực và công nghệ để theo đuổi các dự án R&D dài hơi, rủi ro cao. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn dựa vào lợi thế lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẵn có thay vì đổi mới công nghệ. Thống kê cho thấy chỉ khoảng 20-30% doanh nghiệp Việt hiện có hoạt động ĐMST dưới bất kỳ hình thức nào. Con số này quá thấp so với các nước phát triển và thấp hơn nhiều so với mục tiêu Nghị quyết 57 đặt ra là trên 40% doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vào năm 2030.

Nói cách khác, hiện gần 80% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc chơi ĐMST, chưa đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Đây là một thách thức lớn: khu vực tư nhân chưa thực sự trở thành “đầu tàu” kéo đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.

Việc doanh nghiệp chưa tích cực ĐMST còn thể hiện ở tỷ lệ đầu tư cho R&D/GDP của Việt Nam khá thấp, chỉ khoảng 0,5% GDP những năm gần đây – trong đó phần lớn lại từ ngân sách nhà nước. Mục tiêu nâng chi R&D lên 2% GDP với 60% từ doanh nghiệp vào năm 2030 đòi hỏi một bước chuyển biến mạnh mẽ trong thập kỷ tới. Nếu không có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp rót vốn nhiều hơn cho nghiên cứu, mục tiêu này sẽ rất khó đạt. Nguyên nhân không chỉ do doanh nghiệp thiếu tiềm lực, mà còn do liên kết giữa doanh nghiệp với viện trường yếu. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đổi mới nhưng không biết tìm kiếm công nghệ, chuyên gia ở đâu, trong khi các viện nghiên cứu có sẵn sáng chế thì lại khó kết nối với doanh nghiệp để thương mại hóa. Đây là điểm nghẽn hệ thống trong hệ sinh thái ĐMST: thiếu các tổ chức trung gian, mạng lưới kết nối cung-cầu công nghệ hiệu quả.

Tóm lại, để doanh nghiệp thật sự trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, cần một loạt giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, phải đổi mới cơ chế quản trị DNNN, đưa tiêu chí sáng tạo, hiệu quả dài hạn vào đánh giá lãnh đạo, khuyến khích họ dám nghĩ dám làm. Thứ hai, cần hỗ trợ DNNVV về vốn (qua quỹ hỗ trợ ĐMST, ưu đãi tín dụng), về công nghệ (kết nối với viện trường, chuyên gia), về thị trường (giúp họ tham gia chuỗi cung ứng lớn) để giảm rủi ro khi đầu tư đổi mới. Thứ ba, xây dựng các cụm liên kết đổi mới sáng tạo (innovation hub, tech park) nơi doanh nghiệp, startup, trường viện cùng hợp tác, chia sẻ nguồn lực. Kinh nghiệm các nước cho thấy doanh nghiệp chỉ thực sự đổi mới khi có môi trường thuận lợi và áp lực cạnh tranh đủ lớn. Việt Nam đang hội nhập sâu, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, hy vọng điều đó sẽ thúc ép doanh nghiệp trong nước tăng tốc đổi mới để tồn tại và phát triển.

Hạ tầng và dữ liệu số hạn chế

left center right del
Ảnh minh hoạ (Nguồn: baochinhphu.vn)

Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, là nền tảng cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ. Mặc dù Việt Nam đã có bước tiến nhất định (phủ sóng 4G rộng khắp, thử nghiệm 5G, cáp quang đến nhiều xã phường), nhưng nhìn chung hạ tầng số chưa đồng bộ, hiện đại. Khoảng cách số giữa các vùng miền vẫn rất đáng lo ngại. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người dân dễ dàng tiếp cận Internet tốc độ cao, dịch vụ số phong phú; trong khi ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, chất lượng kết nối rất kém, thậm chí chưa có mạng cố định. Chẳng hạn, tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet ở nông thôn thấp hơn nhiều so với thành thị. Năng lực tiếp cận các dịch vụ chính phủ điện tử, thương mại điện tử của người dân vùng sâu còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ họ bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số. Nghị quyết 57 cũng nhận định “hạ tầng số còn nhiều hạn chế” chính là điểm nghẽn cần khắc phục. Mục tiêu phủ sóng 5G toàn quốc trong những năm tới đòi hỏi nguồn lực đầu tư khổng lồ, nếu không có sự tham gia tích cực của tư nhân và hợp tác quốc tế, e rằng khó hoàn thành đúng hạn.

Cùng với hạ tầng, dữ liệu số được ví như “mỏ dầu mới” của nền kinh tế số, nhưng Việt Nam chưa khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này. Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia còn manh mún, phân tán ở nhiều bộ ngành khác nhau và thiếu kết nối, chia sẻ đồng bộ. Các dự án cơ sở dữ liệu lớn như dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tài chính... phần lớn vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Chưa có một trung tâm dữ liệu quốc gia đủ mạnh làm đầu mối tích hợp và phân phối dữ liệu chung. Nhiều cơ quan, địa phương xây dựng dữ liệu riêng lẻ, dẫn đến trùng lặp và lãng phí. Doanh nghiệp muốn khai thác dữ liệu công cũng khó khăn vì mỗi nơi một kiểu, thiếu cổng dữ liệu mở thống nhất. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 57 là “hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành”, hình thành sàn giao dịch dữ liệu thông suốt. Việc dữ liệu không được liên thông như hiện nay là rào cản lớn cho đổi mới sáng tạo, vì các ứng dụng AI, Big Data, IoT... cần nguồn dữ liệu phong phú và liên tục từ nhiều lĩnh vực. Nếu dữ liệu vẫn “đóng băng” trong các silo riêng rẽ, chúng ta khó lòng phát triển các dịch vụ số tiên tiến hay kinh tế dữ liệu.

Mặt khác, vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Càng chuyển đổi số, nguy cơ lộ lọt thông tin, tấn công mạng càng cao. Việt Nam thời gian qua chứng kiến nhiều vụ hacker tấn công hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp lớn. Tuy xếp hạng trên Chỉ số an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Việt Nam khá ấn tượng (top 25 thế giới), nhưng điều đó chủ yếu phản ánh cam kết của Chính phủ trên giấy tờ. Thực tế năng lực phòng thủ mạng của nhiều tổ chức còn yếu, ý thức bảo mật của người dùng chưa cao. Chẳng hạn, theo Bộ Công an, chỉ riêng năm 2023 đã có hàng nghìn cuộc tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ gần như không có biện pháp bảo mật nào đáng kể, trở thành mồi ngon cho tội phạm mạng. Hệ sinh thái số sẽ khó phát triển bền vững nếu người dân và doanh nghiệp thiếu niềm tin vào tính an toàn của môi trường mạng. Do đó, củng cố an ninh, an toàn thông tin phải song hành với xây dựng hạ tầng số. Chính Nghị quyết 57 cũng nhấn mạnh bảo đảm “an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu” là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển CĐS quốc gia.

Tựu trung, hạ tầng số và dữ liệu số là hai mặt nền tảng cần được ưu tiên đầu tư, hoàn thiện. Việt Nam cần huy động nguồn lực công tư để mở rộng hạ tầng số đến vùng sâu vùng xa, thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương. Đồng thời, sớm xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu liên ngành. Mô hình Chính phủ điện tử cần chuyển mạnh sang Chính phủ số – nghĩa là các cơ quan nhà nước phải liên thông dữ liệu và cung cấp dịch vụ một cửa trên nền tảng số cho người dân, doanh nghiệp. Song song đó, cần liên tục nâng cao năng lực đảm bảo an ninh mạng, phổ biến kiến thức bảo mật cho toàn xã hội. Khi có hạ tầng hiện đại, dữ liệu thông suốt và mạng an toàn, việc ứng dụng KH&CN và CĐS mới thực sự thuận lợi để tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế.

Kết luận: Cần tháo gỡ các điểm nghẽn để đạt mục tiêu Nghị quyết 57

Bức tranh phân tích ở trên cho thấy Việt Nam còn nhiều việc phải làm để KH&CN, ĐMST và CĐS trở thành động lực phát triển đúng nghĩa. Từ thể chế chính sách cho đến nhân lực, từ vai trò doanh nghiệp đến hạ tầng dữ liệu, ở đâu cũng tồn tại những “nút thắt cổ chai” kìm hãm tiến độ triển khai Nghị quyết 57. Trong Báo cáo Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 nền kinh tế, nằm trong nhóm dẫn đầu về đổi mới đầu ra nhưng vẫn ở thứ hạng thấp về đổi mới đầu vào (đứng thứ 57 về các yếu tố như thể chế, nhân lực, hạ tầng). Điều này cho thấy những yếu tố nền tảng bên trong của chúng ta còn yếu, chưa theo kịp đà tiến bộ. Nếu không nhanh chóng cải thiện các hạn chế nội tại, Việt Nam có nguy cơ bị tụt lại khi thế giới bước vào kỷ nguyên kinh tế số. Như Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh từng cảnh báo, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp Việt có đổi mới sáng tạo là bằng chứng về nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế tri thức nước ta.

Mục tiêu Nghị quyết 57 đặt ra cho năm 2030 rất rõ ràng: kinh phí R&D đạt 2% GDP (hiện chưa tới 1%), trên 40% doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (hiện mới ~20%), năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 55% tăng trưởng, kinh tế số tối thiểu 30% GDP, hình thành vài doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ quốc tế... Đây đều là những con số tham vọng, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của toàn bộ hệ thống. Để hiện thực hóa, các điểm nghẽn phân tích ở trên cần được tháo gỡ quyết liệt. Trước hết, Chính phủ và Quốc hội phải đi tiên phong trong cải cách thể chế, ban hành các luật, nghị định mới phù hợp với sự phát triển công nghệ, dỡ bỏ rào cản hành chính. Song song, xây dựng chính sách nhân tài đột phá – từ khâu phát hiện, đào tạo đến thu hút, trọng dụng – nhằm hình thành một đội ngũ nhân lực tinh hoa dẫn dắt công cuộc ĐMST, CĐS. Khu vực doanh nghiệp cần được tiếp sức để trở thành trung tâm đổi mới: DNNN thì phải nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm sáng tạo, còn khu vực tư nhân thì được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng. Cuối cùng, đầu tư cho hạ tầng số và dữ liệu phải đi trước một bước, tạo nền móng vững chắc cho mọi hoạt động ứng dụng công nghệ.

Những giải pháp trên đây đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm cao từ Trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến tư. Nghị quyết 57 đã vang lên như một lời hiệu triệu, vấn đề còn lại là biến quyết tâm thành hành động cụ thể. Nếu chúng ta tháo gỡ được các điểm nghẽn, tận dụng tối đa trí tuệ và sáng tạo của người Việt, thì KH&CN, ĐMST và CĐS chắc chắn sẽ trở thành động lực mạnh mẽ đưa đất nước bứt phá. Còn nếu chần chừ, bỏ lỡ thời cơ, những mục tiêu chiến lược sẽ chỉ nằm trên giấy. Đã đến lúc tăng tốc hành động để “mệnh lệnh” của Nghị quyết 57 thực sự đi vào cuộc sống, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho Việt Nam – kỷ nguyên được dẫn dắt bởi tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.

 

Bài 1: 


 

 

TS. Trần Văn Khải, Phó Bí thư Đảng ủy Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Tag: