Thị trường nội địa, thương mại trong nước đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.
Theo các chuyên gia, cùng với xuất khẩu và đầu tư, thương mại nội địa đã tạo thành "chân kiềng" có tính bổ trợ vững chắc, góp phần quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay.
Khơi thông thị trường
Hai tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.137,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,3%). Trong tổng mức chung, doanh thu bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm 2025 ước đạt 878,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, bán lẻ hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đây là lý do các doanh nghiệp lớn của ngành bán lẻ đã và đang nỗ lực đầu tư mở rộng hệ thống phân phối, nhằm đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của thị trường nội địa trong năm 2025.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đánh giá tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước và tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mối quan hệ tương đồng.
Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, theo ông Đức, cần thiết phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi hỗ trợ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển.

Các chương trình kích cầu tiêu dùng tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường bán lẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với Thủ đô Hà Nội, việc phát triển kinh tế sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ tới tăng trưởng của cả nước. Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết thành phố đang đẩy mạnh triển khai hoàn thành mục tiêu khu vực dịch vụ của thành phố phát triển nhanh đi đôi với hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, kết hợp hài hòa giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng.
Đặc biệt, việc tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn… đẩy mạnh Chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được đẩy mạnh.
“Thành phố tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố; đẩy nhanh việc khởi công các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã có quyết định chủ trương đầu tư; Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại mới như mô hình Outlet, hệ thống máy bán hàng tự động…,” đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay.
Tối ưu hóa chuỗi cung ứng
Mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng đạt khoảng 12% trong năm 2025. Theo ông Nguyễn Anh Đức, lĩnh vực đóng góp đáng kể vào tổng mức tiêu dùng trong nước và có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới là thương mại điện tử. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng.
“Vì vậy, duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử khoảng 20% trong 5 năm tiếp theo là cần thiết để thúc đẩy GDP đạt mức tăng trưởng hai con số,” ông Nguyễn Anh Đức nhận định.
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để thúc đẩy tiêu dùng, cần thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, bao gồm các chính sách kích cầu, phát triển du lịch và quan trọng hơn cả là nâng cao thu nhập người dân thông qua việc phát triển các trụ cột khác của GDP như đầu tư và xuất khẩu.
“Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, chi tiết về tài chính, hỗ trợ những người mất việc tìm việc làm mới thông qua các chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với đó, cần tạo điều kiện cho người lao động mất việc có vốn và khả năng tự khởi nghiệp thông qua hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,” ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025, Bộ Công Thương xác định các nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó là đảm bảo nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, cụ thể là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu tác động từ biến động kinh tế bên ngoài. Phát triển hệ thống logistics thông minh, kết hợp kho bãi hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI); xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về cung-cầu và giá cả hàng hóa, giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết các đơn vị chức năng đang tập trung phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, đẩy mạnh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Nâng cao vai trò của các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng hiện đại, đảm bảo nguồn hàng đa dạng và chất lượng, đồng thời tăng cường kết nối cung-cầu, bảo đảm ổn định thị trường…

Hai tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp về kích cầu tiêu dùng mà Bộ Công Thương đưa ra, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ phải tập trung vào các giải pháp như chuyển đổi số để bắt kịp xu thế về các chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với nhau, triển khai bán hàng đa kênh, phục vụ du lịch mua sắm trải nghiệm của người dân, từ đó, tăng niềm tin và kích cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, giữa nhà sản xuất, hệ thống phân phối và người tiêu dùng cần kết hợp chặt chẽ với nhau nhằm hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Tất cả hướng đến phục vụ quyền lợi của người tiêu dùng, khi đó, người tiêu dùng sẽ có niềm tin vào sản phẩm. Đây là cách quan trọng để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng và đạt được con số 12% mà chúng ta đã đặt ra./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/