3 trường điều dưỡng ở Mỹ bị cáo buộc bán 7.600 bằng giả

Thứ sáu, 27/01/2023 23:26
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – 3 trường điều dưỡng ở Mỹ bán 7.600 bằng giả, thu lợi hơn 100 triệu USD; Trộm 1,5 tỷ đồng, kẻ gian sa lưới sau 2 ngày; Sẽ xem xét xử lý nếu nghệ sĩ Xuân Bắc vi phạm; Cảnh sát chống bạo động Haiti gây bạo loạn; ... là những tin đáng chú ý ngày hôm nay, 27/1.

Bắt nhanh kẻ gian trộm 1,5 tỷ đồng

Ngày 27/1, Công an huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã tạm giữ Nguyễn Thành Vũ (SN 1999, ngụ huyện Tam Nông) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Trước đó, chiều 23/1, Công an huyện Tam Nông nhận được tin báo của ông N.V.H. (SN 1951, ngụ thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) về việc bị mất trộm khoảng 600 triệu đồng và khoảng 40.000 USD. Tổng trị giá tài sản bị mất trộm khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tang vật cơ quan Công an tạm giữ. 

Công an huyện Tam Nông nhanh chóng triển khai lực lượng đến hiện trường và tiến hành truy xét các đối tượng nghi vấn. Đến chiều 25/1, Công an huyện phát hiện, bắt giữ Vũ tại xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười), khi đối tượng đang trên đường từ TP Hồ Chí Minh quay về nhà tại thị trấn Tràm Chim.

Qua điều tra, Vũ thừa nhận hành vi trộm cắp tài sản. Cơ quan Công an thu giữ: 40.244 USD; 900 Euro; 826 triệu đồng cùng một số ngoại tệ khác, tổng trị giá tài sản khoảng 1,7 tỷ đồng.

Sẽ xem xét xử lý nếu nghệ sĩ Xuân Bắc vi phạm

Chia sẻ với báo chí ngày 27/1, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, Xuân Bắc tham gia chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2023, câu chuyện Cái tát của mẹ trên trang facebook cá nhân được đưa ra đúng vào thời điểm vừa kết thúc chương trình, trong câu cuối của câu chuyện có nhắc đến chương trình này mặc dù câu cuối là câu ngoại đề, không liên quan tới câu chuyện nhưng cũng rất dễ bị liên tưởng.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, câu chuyện là những phát ngôn mang tính cá nhân của Xuân Bắc, "Tuy nhiên ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng cần có một cách ứng xử cẩn trọng để tránh những tranh cãi trái chiều trong dư luận, làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của mình”.

 Nghệ sĩ Xuân Bắc

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm, khuyến cáo các nghệ sĩ ứng xử đúng mực. Chính vì thế, từ năm 2021, Bộ đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Quy tắc đã nhấn mạnh: "Trung thực, có trách nhiệm trong phát ngôn, bày tỏ, chia sẻ quan điểm, không gây mâu thuẫn, tổn hại đến uy tín, quyền lợi hợp pháp của đồng nghiệp... Tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, khán giả để hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật; ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả...".

* Trước đó, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng đã gửi lời xin lỗi khán giả và cho biết, câu chuyện mà nghệ sĩ viết trên status của mình chỉ là câu chuyện cá nhân và không có ý làm tổn thương, xúc phạm khán giả, “qua dư luận, câu chuyện của tôi đã gây hiểu nhầm cho một số khán giả và tôi chân thành xin lỗi khán giả về điều này và mong muốn khán giả tiếp tục đồng hành, ủng hộ".

Cảnh sát chống bạo động Haiti gây bạo loạn

Hơn 100 cảnh sát chống bạo động Haiti chặn đường, đập phá phương tiện, gây náo loạn thủ đô Port-au-Prince sau khi 14 đồng nghiệp bị băng đảng sát hại.

Các sĩ quan cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Port-au-Prince và thành phố Gonaives ngày 26/1 xuống đường "vì giận dữ", cáo buộc chính phủ không hành động trước tình trạng bạo lực băng đảng nhắm vào họ. Họ mặc thường phục, cưỡi xe máy đi dọc các tuyến phố để phản đối tình trạng cảnh sát bị băng đảng giết hại.

Khoảng 100 cảnh sát phong tỏa đường phố, bắn chỉ thiên, đốt lốp xe, đập phá xe cộ, camera an ninh, khiến căng thẳng leo thang. Một số sĩ quan phá cổng tư dinh của Thủ tướng Ariel Henry và khi thấy bên trong không có người, họ hướng đến sân bay quốc tế Haiti, nơi ông Henry vừa hạ cánh sau khi tham dự một hội nghị ở Argentina.

Cảnh sát chống bạo động mặc thường phục đốt lốp xe trong cuộc bạo loạn phản đối các băng đảng giết hại nhân viên thực thi pháp luật ở Port-au-Prince, Haiti, ngày 26/1. Ảnh: AFP 

Người biểu tình tìm cách phá cổng để xông vào sân bay, nhưng Thủ tướng Henry đã rời khỏi địa điểm này. Nhiều doanh nghiệp và trường học vẫn đóng cửa sau vụ bạo loạn.

Vụ bạo loạn nổ ra trong bối cảnh từ đầu năm tới nay, 14 sĩ quan đã thiệt mạng sau các vụ tấn công của những băng nhóm tội phạm vào đồn cảnh sát. Theo Cảnh sát Quốc gia Haiti, chỉ riêng vụ đấu súng ngày 25/1 đã khiến 7 sĩ quan thiệt mạng.

Các thành viên băng đảng còn đăng lên mạng xã hội video thi thể đẫm máu của 6 sĩ quan, súng vẫn còn khoác trên ngực. Cảnh sát Haiti cho biết băng Gan Grif đến nay vẫn giữ thi thể của những người này.

Port-au-Prince và nhiều thành phố khác bị tàn phá suốt nhiều tháng bởi bạo lực băng đảng. Truyền thông Haiti cho hay nước này chứng kiến số vụ bắt cóc gia tăng đáng kể từ đầu năm.

Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền Quốc gia, tổ chức nhân quyền tại Haiti, cho biết 78 sĩ quan cảnh sát đã bị băng đảng giết hại từ khi Thủ tướng Henry lên cầm quyền năm 2021. Tháng 10/2022, chính phủ Haiti kêu gọi cộng đồng quốc tế điều lực lượng an ninh đa quốc gia tới giúp nước này khôi phục trật tự, nhưng chưa bên nào đáp ứng, dù Mỹ và Canada đã tăng cường viện trợ an ninh.

Theo các nhóm nhân quyền Haiti, các băng đảng vũ trang kiểm soát ít nhất 60% diện tích thủ đô và khu vực lân cận, đồng thời khống chế các tuyến đường ra vào thành phố.

Mỹ: 3 trường điều dưỡng bán 7.600 bằng giả, thu lợi hơn 100 triệu USD

USA Today đưa tin 3 trường điều dưỡng ở Florida (Mỹ) đã bán 7.600 bằng điều dưỡng giả, trị giá lên đến hơn 100 triệu USD.

Ba trường cung cấp bằng giả hiện đã đóng cửa. Ảnh minh hoạ: ANA. 

Ngày 26/1, công tố viên liên bang cáo buộc 3 trường điều dưỡng gồm Siena College, trường Điều dưỡng Palm Beach và Viện quốc tế Sacred Heart (tất cả đều có trụ sở tại miền Nam Florida) đã cung cấp hàng nghìn bằng giả cho các y tá có nguyện vọng bỏ qua khóa đào tạo cần thiết để được cấp phép hành nghề. Mỗi bằng giả này trị giá 15.000 USD, tổng cộng lên đến 114 triệu USD.

Hiện 3 trường trên đã bị đóng cửa, 25 bị cáo, bao gồm giám đốc trường học và người nhận bằng tốt nghiệp, bị buộc tội trong đường dây này. Mỗi người phải đối mặt với án tù 20 năm nếu bị kết tội.

Hiện tại, Bộ Tư pháp Mỹ đang truy tố những người tham gia vào kế hoạch đồng thời cáo buộc họ trong 5 trường hợp riêng biệt.

Theo USA Today, từ khoảng tháng 11/2018 đến tháng 10/2021, Siena College bị cáo buộc đã bán 2.016 văn bằng và bảng điểm giả.

Trong khi đó, từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2021, ít nhất 7 y tá đã lấy bằng giả từ trường Điều dưỡng Palm Beach, Học viện Sunshine, Quisqeya và trường Y tế Florida - tất cả đều chung chủ sở hữu.

Tương tự, từ tháng 11/2020 đến tháng 7/2021, chủ sở hữu Viện quốc tế Sacred Heart và 2 người khác (đồng thời là đồng phạm của vụ án tại Siena College) đã cung cấp 588 bằng và bảng điểm giả. Hai đồng phạm nói trên cũng hoàn thành các khóa học trực tuyến thay cho người mua bằng./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực