|
Dự báo hướng đi của bão số 2. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai. |
Bão số 2 hướng vào Bắc Bộ, nhiều nơi mưa to
Chiều nay (9/8), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 năm 2022 và có tên quốc tế là Mulan.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 13h ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.
Trong 24 đến 48h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ.
Đến 13h ngày 11/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24-48h tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 60h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng suy yếu dần.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 4-6m, biển động mạnh.
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ tối và đêm mai (10/8) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.
Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m, biển động.
Từ chiều tối mai đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Nhiều website ngân hàng lớn ở Việt Nam bị giả mạo
Với giao diện và tên miền gần giống với các website ngân hàng, những trang web giả mạo này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người sử dụng.
|
Nhiều website giả mạo ngân hàng đã bị phát hiện và ngăn chặn trong những ngày gần đây. (Ảnh: Trọng Đạt). |
Theo thông tin từ dự án Chống lừa đảo (Chongluadao.vn), đơn vị này đã ghi nhận một lượng lớn các website giả mạo thông tin của nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam.
Những website này có tên miền gần giống với trang web của các ngân hàng. Trong khi đó, giao diện cũng được thiết kế y hệt, nếu chỉ bằng cảm quan, người dùng rất dễ bị nhầm lẫn.
Đại diện dự án Chống lừa đảo cho biết, hoạt động giả mạo website của các ngân hàng đang có những dấu hiệu phức tạp, đặc biệt trong khoảng 2 tuần trở lại đây.
Dự án Chống lừa đảo đã vô hiệu hóa hoạt động của khoảng 20 tên miền giả mạo. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có nhiều tên miền mới “mọc” lên, thay thế các tên miền cũ.
Đây là những website “fake” được dựng lên nhằm dẫn dụ và lấy thông tin tài khoản của người dùng. Nếu vô tình truy cập và đăng nhập thông tin lên các website giả mạo, người dùng phải đối mặt với nguy cơ bị đánh cắp thông tin dữ liệu ngân hàng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Để phân biệt, người dùng có thể nhận biết các đường link độc hại này bằng cách chú ý thật kỹ phần tên miền.
Theo chuyên gia của dự án Chống lừa đảo, các website giả mạo thường có tên miền bắt đầu bằng cụm “vn-”. Những website này cũng hay sử dụng các tên miền phụ như “acb”, “vpbank”,... nhái theo tên viết tắt của các ngân hàng lớn.
Trong trường hợp chẳng may truy cập và đăng nhập thông tin lên website giả mạo, người dùng cần ngay lập tức khóa tài khoản bằng cách gọi lên hệ thống chăm sóc khách hàng hoặc tự khóa thông qua app.
Người dùng có thể nhờ ngân hàng hướng dẫn đổi mật khẩu và đăng ký bảo mật 2 bước cho tài khoản. Ngoài ra, có thể đề xuất để ngân hàng cung cấp thay thế một số tài khoản hoặc một số thẻ khác.
Khi bắt gặp một trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, tin nhắn rác và các vấn đề có liên quan, người dùng có thể báo cáo tại các website canhbao.ncsc.gov.vn, chongthurac.vn, tingia.gov.vn, hoặc chongluadao.vn.
Nếu nghi ngờ, người dùng có thể chat với “bot” của dự án Chống lừa đảo trên Messenger để kiểm tra một trang web là độc hại hay an toàn.
Điều tra mở rộng hành vi rửa tiền, tội phạm “tín dụng đen”
Bộ Công an cho biết sẽ xử lý triệt để, nghiêm minh với các vụ án liên quan đến cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.
|
Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn các ĐBQH tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/8. |
Trong báo cáo gửi các ĐBQH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 9/8, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cho vay lãi nặng, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm công nghệ cao.
Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xủ lý các vi phạm. Cụ thể là đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1038 vụ/2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng.
Báo cáo nêu rõ, do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.
Vì vậy, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó có triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động.
Đồng thời, triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng chống tội phạm.
Trước mắt, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản.
Cùng với đó là hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng.
Ngoài ra, Bộ Công an tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Trong đó có việc nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay; xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý.
“Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động. Chỉ đạo điều tra, mở rộng đối với hành vi rửa tiền trong các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, làm tốt công tác thu hồi nguồn tiền từ hoạt động tín dụng đen”, báo cáo nêu rõ.
Trung Quốc diễn tập “phong tỏa” Đài Loan sau phát biểu của ông Biden
|
Trung Quốc tiếp tục tổ chức diễn tập phong tỏa tại eo biển Đài Loan. Ảnh: Reuters. |
Sau phát biểu của Tổng thống Joe Biden rằng Trung Quốc sẽ không đi xa hơn các cuộc tập trận, Bắc Kinh đã thông báo diễn tập mô phỏng phong tỏa Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Reuters, trong ngày 9/8, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố không cảm thấy "lo lắng" và khẳng định Bắc Kinh sẽ "không đi xa hơn các cuộc tập trận" ở eo biển Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã thông báo tổ chức các cuộc diễn tập mô phỏng phong tỏa hòn đảo.
Thông báo từ Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông quân đội Trung Quốc cho biết, các cuộc tập trận sắp tới sẽ có sự tham gia của cả không quân và hải quân, nội dung chính là mô phỏng việc phong tỏa và cắt đứt các tuyến đường hậu cần xung quanh Đài Loan.
Cũng theo Reuters, dù không nói rõ thời gian của các cuộc diễn tập, nhưng Cơ quan An toàn Hàng hải Bắc Kinh đã cảnh báo các tàu thuyền và máy bay không đi vào khu vực phía đông đảo Nam An (tỉnh Quảng Đông) trong 3 ngày tới.
Về phía Đài Loan, đại diện cơ quan đối ngoại của hòn đảo cáo buộc, Trung Quốc đang sử dụng các cuộc tập trận để thay đổi hiện trạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các cuộc diễn tập do Bắc Kinh cản trở một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất trên thế giới.
Trước đó, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trên không và trên biển với quy mô chưa từng có tại eo biển Đài Loan, diễn ra từ ngày 4/8-7/8. Đây là động thái đáp trả trước việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm hòn đảo, một hành vi mà Bắc Kinh cho rằng mang tính "khiêu khích".
60% diện tích châu Âu đang bị hạn hán
|
Lòng sông khô cạn do hạn hán tại Occhiobello, Italy, ngày 5/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn dữ liệu của Đài quan sát Hạn hán châu Âu vừa mới công bố cho biết 60% diện tích châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán.
Các phát hiện dựa trên dữ liệu từ khoảng thời gian 10 ngày gần cuối tháng 7, cho thấy 45% lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) trong tình trạng cảnh báo hạn hán vào giữa tháng 7. Ngoài ra, 15% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng.
Ngày 8/8, Cơ quan giám sát khí hậu EU (Copernicus) cũng báo cáo rằng châu Âu tiếp tục oi bức, với nhiệt độ lên tới 40 độ C trong ít nhất một ngày ở Tây Ban Nha, Pháp và Vương quốc Anh.
Vương quốc Anh ghi nhận nhiệt độ cao nhất theo ngày trên toàn quốc là 40,3 độ C, tức lần đầu tiên nước này vượt mức nhiệt 40 độ C.
Theo Cơ quan Khí tượng của Tây Ban Nha, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 cũng là thời kỳ khô hạn nhất được ghi nhận ở nước này với trữ lượng nước ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Chính phủ Hà Lan cũng chính thức tuyên bố tình trạng thiếu nước vào ngày 3/8 vừa qua.
Tại Pháp, ngày 5/8, Thủ tướng Élisabeth Borne đã công bố các quy định hạn chế sử dụng nước chưa từng có, như cấm người dân tưới cỏ, rửa xe và ngăn nông dân tưới cây. Nước Pháp đã ghi nhận tháng 7 là tháng khô hạn nhất trong hơn 60 năm qua, với lượng mưa chỉ 9,7 mm. Theo đó, hơn 100 xã và thị trấn của Pháp phải đợi xe tải cung cấp nước.
Theo một dự báo được công bố cách đây 2 tuần của Trung tâm Nghiên cứu chung thuộc EU, nắng nóng và hạn hán có thể khiến sản lượng ngũ cốc, hoa hướng dương và đậu tương ở châu Âu giảm từ 8 đến 9%.
Giao thông đường sông cũng bị ảnh hưởng do mực nước tiếp tục giảm trên toàn khối. Điểm đo tại Kaub trên sông Rhine, hiện là tuyến đường vận tải thủy quan trọng nhất ở châu Âu, đã giảm xuống 49 cm vào ngày 7/8. Nếu mực nước giảm thêm 9cm là toàn tuyến đường thủy này sẽ không hoạt động được.
Ngoài ra, điều kiện thời tiết khô hạn cũng dẫn đến các vụ cháy rừng gia tăng, với diện tích rừng bị cháy lớn chưa từng có, đặc biệt là ở Địa Trung Hải. Một khu vực có diện tích gấp đôi thủ đô Rome của Italy đã bị lửa thiêu rụi chỉ trong tháng 7 vừa qua.
Hệ thống thông tin về cháy rừng của EU (EFFIS) ghi nhận, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng diện tích rừng bị cháy tại EU là 587.868 ha, bỏ xa mức trung bình 158.000 ha trong giai đoạn tham chiếu 2006-2021./.