Bộ Công an kỷ luật cảnh cáo thiếu tướng Đặng Hoàng Đa

Thứ tư, 11/05/2022 21:00
(ĐCSVN) - Bộ Công an kỷ luật cảnh cáo thiếu tướng Đặng Hoàng Đa; Thành ủy Đà Nẵng đề nghị thi hành kỷ luật ông Lê Minh Trung; Đề nghị kỷ luật 8 cá nhân thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng ở 3 tỉnh; EU và Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine của nhau; Hạ viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ 40 tỉ USD cho Ukraina…là những tin đáng chú ý ngày 11/5.
Ông Lê Minh Trung, Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP Đà Nẵng. 

Thành ủy Đà Nẵng đề nghị thi hành kỷ luật ông Lê Minh Trung

Ngày 11/5, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng tổ chức hội nghị để xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật ông Lê Minh Trung, Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP.

Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhận thấy ông Lê Minh Trung trong sinh hoạt đời sống cá nhân đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Vi phạm của ông Lê Minh Trung là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Ban chấp hành Đảng bộ TP thống nhất đề nghị Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Bí thư T.Ư Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Minh Trung theo quy định.

* Cũng tại kỳ họp này, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Đàm Quang Hưng, Phó bí thư Đảng ủy Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy ông Đàm Quang Hưng trong thời gian giữ chức vụ Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu (tháng 3/2018) đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Vi phạm của ông Đàm Quang Hưng là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm của ông Đàm Quang Hưng và theo quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Đàm Quang Hưng.

Bộ Công an kỷ luật cảnh cáo thiếu tướng Đặng Hoàng Đa

Ông Đặng Hoàng Đa - Ảnh: AN THUẬN 

Thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nguyên giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, vừa bị bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thi hành kỷ luật hành chính với hình thức cảnh cáo.

Theo văn bản thông báo từ Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương, thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an), đã bị bộ trưởng Bộ Công an ban hành quyết định kỷ luật hành chính với hình thức cảnh cáo.

Sau khi nhận hình thức kỷ luật, ông Đa từ phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được chuyển sang giữ cương vị phó cục trưởng Cục Hậu cần, Bộ Công an.

Tháng 5/2021, Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết sau khi xem xét đề nghị của Ban thường vụ Đảng ủy Công an trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an), trong thời gian giữ cương vị giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước và ngành công an trong quản lý, sử dụng tài chính và công tác cán bộ của đơn vị.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Đặng Hoàng Đa.

Năm 2019, dư luận xôn xao về việc khi giữ chức giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, ông Đặng Hoàng Đa đã bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, duyệt chi nhiều khoản không đúng dẫn tới nợ ngân sách nhiều tỉ đồng.

Sau đó, ông Đa được điều động làm phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Bộ Công an. Do vậy, những sai phạm của ông Đa liên quan đến việc lạm chi quỹ không còn thuộc thẩm quyền xử lý của Công an tỉnh Sóc Trăng. Đơn vị này đã kiến nghị Bộ Công an xử lý.

Đề nghị kỷ luật 8 cá nhân thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng ở 3 tỉnh

Ngày 11/5, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức kỳ họp thứ 8 để xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm kỷ luật.

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ trì kỳ họp. 

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ trì kỳ họp.

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã nghe báo cáo kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đối với 8 cá nhân thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh: Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang.

Các quân nhân này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng và những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những lãnh đạo chủ chốt vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu; phòng, chống tham nhũng và các quy định trong xử lý vi phạm hành chính; vi phạm công tác quản lý tài chính, tài sản, thanh quyết toán xăng dầu..., tạo dư luận xấu trong lực lượng Bộ đội Biên phòng và nhân dân.

Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với 6 quân nhân vi phạm pháp luật Nhà nước và một quân nhân vi phạm kỷ luật quân đội.

EU và Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine của nhau

EU chấp nhận chứng chỉ COVID-19 (hộ chiếu vaccine) của Việt Nam với các điều kiện tương tự như chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU.

Mẫu hộ chiếu vaccine hiển thị trên ứng dụng PC COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế. 

Ủy ban Châu Âu (EC) ngày 10/5 đã thông qua 3 quyết định xác nhận rằng chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 do Việt Nam, Indonesia và Seychelles cấp tương đương với chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của Liên minh Châu Âu (EU).

Do đó, ba quốc gia này sẽ được kết nối với hệ thống của EU và EU sẽ chấp nhận chứng chỉ COVID-19 của các nước này với các điều kiện tương tự như chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU.

Điều này có nghĩa là chủ sở hữu chứng chỉ do Indonesia, Seychelles và Việt Nam cấp sẽ có thể sử dụng chúng với các điều kiện tương tự như chủ sở hữu chứng chỉ kỹ thuật số COVID-19 của EU.

Ngoài ra, 3 quốc gia này cũng đã đồng ý chấp nhận chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU cấp cho công dân EU khi đến các nước này.

Theo Ủy viên Châu Âu phụ trách tư pháp, Didier Reynders, với sự gia nhập của Việt Nam, Indonesia và Seychelles, số quốc gia và vùng lãnh thổ kết nối với hệ thống chứng chỉ kỹ thuật số của EU được tăng lên 67.

Như vậy, vào mùa hè này, chứng chỉ của EU sẽ tạo điều kiện cho người dân Châu Âu dễ dàng đi lại trong EU và tại nhiều quốc gia khác.

Ông Didier Reynders cũng bày tỏ vui mừng khi thấy tình hình dịch bệnh đang được cải thiện và chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 vẫn là một công cụ hữu ích cho nhiều điểm đến, ví dụ như trong trường hợp yêu cầu xét nghiệm.

Các quyết định trên của EC sẽ có hiệu lực từ ngày 11/5.

Hạ viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ 40 tỉ USD cho Ukraina

Hạ viện Mỹ ngày 10.5 đã thông qua gói viện trợ quân sự khổng lồ trị giá 39,8 tỉ USD để hỗ trợ Ukraina. Con số này chiếm hơn 5% toàn bộ ngân sách an ninh quốc gia Mỹ năm 2022.

Hạ viện Mỹ. Ảnh: Văn phòng Chủ tịch Hạ viện. 

Chỉ 57 đảng viên Cộng hoà bỏ phiếu chống gói viện trợ này trong cuộc bỏ phiếu hôm 10.5. Để thúc đẩy thông qua dự luật, đảng Dân chủ đồng ý tách nó khỏi gói hỗ trợ COVID-19 trị giá 10 tỉ USD, điều bị các đảng viên Cộng hoà kịch liệt phản đối.

Dự luật sẽ tiếp tục được Thượng viện Mỹ xem xét thông qua. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer hứa sẽ “hành động nhanh chóng” để thông qua dự luật. Nếu thành công, dự luật mới sẽ nâng tổng số tiền hỗ trợ cho Ukraina của Mỹ lên 54 tỉ USD, nhiều hơn số tiền Washington viện trợ cho toàn thế giới năm 2019, theo RT.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố, dự luật là vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ và “người dân Ukraina đang đấu tranh cho nền dân chủ của họ, và cũng làm như vậy cho cả chúng ta”.

Các nghị sĩ đã phê duyệt khoản viện trợ nhiều hơn mức 33 tỉ USD mà Tổng thống Biden yêu cầu hôm 28.4. Hôm 9.5, ông Biden hối thúc Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật mới trước khi các gói viện trợ quân sự cho Kiev sắp hết vào cuối tháng 5. Đồng thời, ông Biden đã ký Đạo luật Cho vay - Cho thuê năm 2022 cho phép Mỹ gửi vũ khí không giới hạn đến Ukraina.

Gói viện trợ mới sẽ gồm 8,7 tỉ USD trang trải thâm hụt ngân sách của Ukraina và các nhu cầu khẩn cấp khác, 900 triệu USD dành cho các nước láng giềng tiếp nhận người tị nạn Ukraina và 5 tỉ USD cho các chương trình cứu trợ lương thực toàn cầu nhằm giúp Kiev không bị gián đoạn nguồn cung do chiến sự và bị Nga trừng phạt./.

 

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực