Bộ Công an sẽ tích hợp giấy đi đường vào mã QR của công dân

Thứ năm, 09/09/2021 19:51
(ĐCSVN) - Bộ Công an sẽ tích hợp giấy đi đường vào mã QR của công dân; Chính phủ bổ sung thêm 14.620 tỉ đồng từ tiết kiệm chi để chống dịch COVID-19; Hà Nội phân bổ gần 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm; Truy tố Trương Châu Hữu Danh và các thành viên nhóm “Báo Sạch”; Mỹ đề nghị một số quan chức dưới thời chính quyền tiền nhiệm từ chức… là một số tin tức đáng chú ý diễn ra ngày 9/9.

Bộ Công an sẽ tích hợp giấy đi đường vào mã QR của công dân

Phần mềm tích hợp giấy đi đường vào mã QR sẽ được thực hiện một cách thuận tiện tại các chốt kiểm soát... Ảnh: Hoàng Hải. 

Ngày 9/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH), Bộ Công an đã thông tin về việc thực hiện 3 phần mềm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: phần mềm quản lý công dân vùng dịch; phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ COVID-19 và phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm COVID-19.

Trong đó, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, Cục đã đưa vào sử dụng ứng dụng VNEID quản lý công dân vùng dịch. Ứng dụng VNEID được phát triển trên cơ sở hệ thống khai báo y tế và di chuyển nội địa đã ra đời trước đó tại địa chỉ Web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn

Hiện nay, ứng dụng VNEID đã được đăng tải trên cả hai kho ứng dụng Appstore và CH Play nên có thể phục vụ đa số người dùng.

Phần mềm trên còn dễ dàng triển khai ở các điểm khi có yêu cầu như siêu thị, cửa hàng thuốc, trung tâm thương mại... mà không cần phải lập chốt do công an kiểm soát. Đồng thời, phần mềm sử dụng trên nhiều nền tảng như thông qua điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng có kết nỗi internet trên địa chỉ web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn 

Thông qua ứng dụng VNEID hệ thống quét mã QR bằng camera tại các chốt kiểm soát dịch cũng sẽ được thực hiện một cách thuận tiện.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, đã có 16.921 tài khoản cán bộ sử dụng tại 6.616 chốt kiểm soát, có 5.263.863/5.310.217 (tỷ lệ 99,1%) tờ khai qua chốt, có 26.549 shipper hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng phần mềm…

Chính phủ bổ sung thêm 14.620 tỉ đồng từ tiết kiệm chi để chống dịch

Chính phủ yêu cầu tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những việc chưa cấp bách phục vụ cho công tác phòng chống dịch - Ảnh minh hoạ: Vietmamplus

Từ nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021, Chính phủ đồng ý sử dụng 14.620 tỉ đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 9/9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký đã đồng ý với Nghị quyết về phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021.

Cụ thể, với nghị quyết này, Chính phủ nhất trí thông qua phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, tập trung chi cho phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung 14.620 tỉ đồng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 vào nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện nhiệm vụ trên.

Trước đó, trong nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành đã yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác.

Thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19…

Hà Nội phân bổ gần 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm

 (Ảnh minh hoạ: TL) 

Hà Nội vừa có quyết định phân bổ gần 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, từ nguồn vaccine do Bộ Y tế cấp.

Theo đó, Sở Y tế phân bổ về cho 30 quận, huyện, thi xã trên địa bàn TP để tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội.

Vaccine này cũng được sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị quận, huyện và các đơn vị y tế tăng tốc độ tiêm chủng, tổ chức thêm điểm tiêm chủng lưu động, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm, giảm bớt thủ tục hành chính, bố trí nhân lực để sử dụng số vaccine được phân bổ trong thời gian sớm, an toàn nhất.

Đến thời điểm này, Hà Nội đã nhận 4,3 triệu liều vaccine COVID-19 từ Bộ Y tế. Theo thống kê từ Sở Y tế, đến ngày 8/9, Hà Nội đã tiêm gần 2,9 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó, 2.570.866 người đã tiêm mũi 1 và 317.777 người tiêm đủ 2 mũi.

TP. Hà Nội đặt mục tiêu tiêm mũi một cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên trước ngày 15/9.

Truy tố Trương Châu Hữu Danh và các thành viên nhóm “Báo Sạch”

Trương Châu Hữu Danh và các đồng phạm. Ảnh: TTXVN 

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ vừa ban hành cáo trạng truy tố Trương Châu Hữu Danh và các đồng phạm trong nhóm "Báo Sạch”.

Các bị can truy tố gồm: Trương Châu Hữu Danh (39 tuổi, hộ khẩu thường trú (HKTT) tỉnh Long An; nghề nghiệp phóng viên); Nguyễn Phước Trung Bảo (39 tuổi, HKTT quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng); Đoàn Kiên Giang (36 tuổi, HKTT quận 1, TPHCM); Nguyễn Thanh Nhã (41 tuổi, HKTT TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) và Lê Thế Thắng (39 tuổi, HKTT quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Các bị can cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo trạng, tháng 8/2019, các bị can Danh, Bảo, Giang, Nhã, Thắng, ngoài tạo các Facebook cá nhân còn lập thêm Fanpage “Báo Sạch” và nhóm “Làm Báo Sạch”, kênh Youtube “BS Channel” để đăng tải các bài viết. Trong đó, Danh và Bảo giữ vai trò quản trị viên; Nhã, Giang và Thắng giữ vai trò là biên tập viên.

Sau đó, các thành viên góp ý trang được đổi tên thành “Báo Sạch” và có các bài viết đầu tiên về Công ty ASANZO. Đáng chú ý, tháng 3/2020, Danh đến gặp một số người dân ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai (thành phố Cần Thơ) bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu đô thị mới Thới Lai do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Cadif làm chủ đầu tư

Tại đây, Danh xưng là nhà báo đến thu thập thông tin viết bài để bảo vệ quyền lợi của người dân. Lợi dụng thời điểm một số người dân đang bức xúc do bị ảnh hưởng bởi dự án, Danh đã viết 32 bài viết và thực hiện 29 video clip đăng công khai trên trang Facebook “Trương Châu Hữu Danh” và Fanpage “Trương Châu Hữu Danh”.

Ngoài ra, 5 bị can trên đã nhận hợp đồng làm truyền thông, quảng cáo cho các doanh nghiệp để thu lợi ích về kinh tế với tổng số tiền khoảng 2,83 tỷ đồng. Số tiền này đã được các bị can chia nhau.

Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ, các bài viết và clip do Danh thực hiện có tư tưởng mang tính phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.

Nhiều bài viết quy chụp, suy diễn một chiều nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của các cá nhân là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Quá trình điều tra, cả 5 bị can đều thừa nhận hành vi của mình.

Liên quan đến các tài liệu, văn bản đóng dấu “MẬT” và “TỐI MẬT”, trong vụ án có dấu hiệu của tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật”, do tính chất phức tạp của vụ việc, nên sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, làm rõ trong một vụ án khác.

Mỹ: Đề nghị một số quan chức dưới thời chính quyền tiền nhiệm từ chức

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki. (Ảnh: AFP) 

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị 18 quan chức được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump từ chức.

Bà Psaki nêu rõ 18 người đang làm việc tại các học viện quân sự đã nhận được yêu cầu từ chức. Nếu không từ chức, họ cũng sẽ buộc phải ngừng công việc.

Trong số những người được yêu cầu từ chức có Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway và cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, hiện đang công tác tại Học viện Hải quân Mỹ.

Bà Conway và ông Spicer đều khẳng định sẽ không từ chức.

Hiện cả 18 người đều đang làm việc tại các hội đồng của Học viện Không quân, Học viện Quân sự và Học viện Hải quân, vốn đưa ra khuyến nghị cho Tổng thống Mỹ về các vấn đề liên quan đến tinh thần, kỷ luật, chương trình giảng dạy, hướng dẫn, thiết bị vật chất, tài chính và phương pháp học tập của các học viện./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực