Cảnh cáo 2 nhà thầu dự án đường băng sân bay Nội Bài

Thứ năm, 02/09/2021 21:38
(ĐCSVN) - Cảnh cáo 2 nhà thầu dự án đường băng sân bay Nội Bài; Hà Nội chỉ giãn cách xã hội tại "vùng đỏ", nới lỏng ở "vùng xanh" sau ngày 6/9; Trận Việt Nam - Saudi Arabia: Quang Hải đóng vai trò hạt nhân; Nhật phát hiện hai ca nhiễm biến chủng Mu đầu tiên là một số tin đáng chú ý hôm nay 02/9.

Siết chặt quản lý trách nhiệm nhà thầu theo đúng hợp đồng

Văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ rõ Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADDC và Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm xử lý các phát sinh, vi phạm tiến độ hợp đồng; yêu cầu nhà thầu khắc phục các tồn tại, tập trung nguồn lực để dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuyệt đối an toàn.

Lãnh đạo Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) có trách nhiệm quản lý hợp đồng đúng quy định và kịp thời xử lý các vi phạm theo đúng hợp đồng thi công Dự án đường băng và đường lăn sân bay Nội Bài - Hà Nội.

Kế hoạch đưa vào khai thác dự án đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài bị chậm (Ảnh: Viết Chung)

Theo kế hoạch, ngày 15/7 sẽ đưa vào khai thác đường cất - hạ cánh (CHC) 1B và ngày 1/8 đóng cửa đường CHC 1A để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, kịp hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp 31/12.

Tuy nhiên, thiết bị về chậm đã kéo dài thời gian thi công, dự kiến ngày 9/9 mới đưa vào khai thác được đường CHC 1B và ngày 1/10 mới đóng cửa đường CHC 1A để nâng cấp. Việc này gây chậm 2 tháng so với yêu cầu, và nguyên nhân chính được cho là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo chủ đầu tư, dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng, được khởi công từ ngày 29/6/2020, hoàn thành và bàn giao khai thác bước 1 đoạn 3.000 m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn từ ngày 1/1/2021 đảm bảo chất lượng, tiến độ và khai thác an toàn cho hơn 7.500 chuyến bay.

Dự án sẽ triển khai thi công đường cất hạ cánh 1A từ ngày 1/10, cơ bản hoàn thành trước tết Nguyên đán 2022.

Hà Nội chỉ giãn cách xã hội tại "vùng đỏ", nới lỏng ở "vùng xanh" sau 6/9

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 theo đề xuất, thiết lập 3 vùng dựa trên nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Cụ thể, hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các doanh nghiệp, cơ quan, cơ sở kinh doanh dịch vụ); vùng phía Bắc Sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa tại một "chốt xanh" thực hiện Chỉ thị 16. (Ảnh: Đức Lam)

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch.

Đối với các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg để tổ chức phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ", bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu, hoàn thiện chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức thực hiện phân vùng bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, khoa học, hiệu quả theo cơ chế vận hành, liên kết, phối hợp giữa các vùng, đảm bảo đầy đủ nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đặc biệt là việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Đồng thời, đảm bảo công tác an sinh xã hội với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời những vấn đề bất cập, vướng mắc, phát sinh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trận Việt Nam - Saudi Arabia: Quang Hải đóng vai trò hạt nhân

Lần đầu tiên có mặt ở vòng đấu và quyết giành điểm số tại Riyadh, Quang Hải được HLV Park Hang Seo xây dựng như cầu nối các tuyến của tuyển Việt Nam, cùng khả năng bùng nổ từ xa trước Saudi Arabia.

HLV Park Hang Seo có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như bí mật hoàn toàn kế hoạch của đội trong trận mở màn giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra lúc 01h00 ngày 3/9 giờ Việt Nam.

Việt Nam không thể chơi tấn công trước Saudi Arabia trội hơn về nhân sự. Trong thế trận phòng ngự phản công, tiền vệ 24 tuổi Quang Hải đóng vai trò hạt nhân.

 Tiền vệ Quang Hải được kỳ vọng tỏa sáng trong trận mở màn với tuyển Saudi Arabia. (Ảnh: Phạm Hải)

Cùng với Tuấn Anh thu hồi và điều phối bóng, Quang Hải sẽ đá thấp để triển khai phản công. Những đường chuyền dài hoặc phất ra biên của cầu thủ đội Hà Nội có khả năng tạo đột biến cao.

Để khả năng chuyền bóng của Quang Hải phát huy tác dụng cao nhất, Văn Toàn nhiều khả năng được đá chính trên hàng công, bên cạnh Tiến Linh.

Tìm kiếm những quả phạt trước vòng cấm đối thủ cũng là giải pháp mà các cầu thủ Việt Nam nên tận dụng. Điểm nhấn khác của Việt Nam có thể nằm ở Hoàng Đức, trong vai trò tiền vệ đánh chặn.

Khi vắng Hùng Dũng, Hoàng Đức là một lựa chọn để tăng sức chiến đấu, trước một Saudi Arabia sở hữu nhiều cầu thủ kỹ thuật và có tốc độ.

Đội hình dự kiến (3-4-1-2): Văn Lâm; Duy Mạnh, Đình Trọng, Quế Ngọc Hải; Trọng Hoàng, Hoàng Đức, Tuấn Anh, Văn Thanh; Quang Hải; Văn Toàn, Tiến Linh.

Nhật phát hiện hai ca nhiễm biến chủng Mu đầu tiên

Trong quá trình kiểm dịch ở sân bay, Nhật Bản đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Mu - một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách “đáng quan tâm”.

 Hai ca nhiễm biến chủng Mu ở Nhật Bản được phát hiện tại sân bay. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Hai ca nhiễm gồm một phụ nữ khoảng 40 tuổi đáp chuyến bay từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hôm 26/6, trường hợp còn lại là một phụ nữ khoảng 50 tuổi từ Anh đến hôm 5/7. Cả hai trường hợp này đều không có triệu chứng của COVID-19.

Mu được phát hiện lần đầu ở Colombia vào tháng 1 năm nay và chiếm khoảng 40% ca bệnh COVID-19 ở nước này. Đến ngày 1/9, biến chủng Mu đã xuất hiện ở ít nhất 40 quốc gia. Đến nay chưa có nhiều thông tin về biến chủng Mu, có tên khoa học là B.2.621, như mức độ lây lan cũng như khả năng kháng vắc xin.

WHO nhấn mạnh cần phải có các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về biến chủng này vì nó có một loạt đột biến cho thấy đặc tính tiềm ẩn về khả năng tránh miễn dịch.

Theo WHO, tỷ lệ nhiễm biến chủng Mu trên toàn cầu hiện ở mức dưới 0,1% trong tổng số ca nhiễm. Tuy nhiên, ở Colombia, tỷ lệ này hiện là 39%./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực