Cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo nhận án 14 năm tù

Thứ bảy, 06/11/2021 20:08
(ĐCSVN) - Tổng cục phó Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) bị tuyên 14 năm tù; đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại sau hơn 10 năm đợi chờ; Mỹ có thể hết dịch COVID-19 vào tháng 1/2022, là một số tin trong nước và thế giới đáng chú ý hôm nay 06/11.

Bị cáo Nguyễn Duy Linh nhận mức án trong khung đề nghị của Viện kiểm sát

Sau một ngày xét hỏi và nghị án, sáng 06/11, TAND Hà Nội tuyên mức án 14 năm tù với bị cáo Nguyễn Duy Linh, 50 tuổi, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) về tội Nhận hối lộ, theo điều 354 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Nguyễn Duy Linh cũng đã nộp 5 tỷ đồng nhận của Vũ "Nhôm". Khoản tiền này được sung công.

leftcenterrightdel
Bị cáo Nguyễn Duy Linh, 50 tuổi, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an bị tuyên án 14 năm tù do nhận hối lộ 5 tỷ đồng (Ảnh: TTXVN)

Mức án nằm trong khung hình phạt đề nghị của VKS (13-15 năm tù). HĐXX thông báo bị cáo xin vắng mặt khi nghe tuyên án.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm"), 46 tuổi, bị phạt 7 năm 6 tháng do Đưa hối lộ. Bị cáo Hồ Hữu Hoà, 37 tuổi, nhận 2 năm 7 tháng 25 ngày về tội Môi giới hối lộ, bằng thời hạn tạm giam nên được ghi nhận chấp hành xong hình phạt, được trả tự do.

Đây là bản án thứ 5 với Vũ, tổng hình phạt phải chấp hành là 30 năm tù. Ba năm qua, bị cáo liên tiếp ra tòa trong nhiều vụ việc được xét xử ở Hà Nội, TP HCM, từ cố ý làm lộ bí mật nhà nước đến lạm dụng chức vụ hay liên quan sai phạm quản lý đất đai tại Đà Nẵng...

HĐXX cho rằng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, làm mất niềm tin vào cơ quan nhà nước trong bối cảnh tội phạm tham nhũng đe dọa tồn vong của chế độ… cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cả 3 người đã thành khẩn khai báo, vận động gia đình nộp tiền bất chính nên được tuyên dưới khung hình phạt.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại

Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ bàn giao Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông để chính thức đưa vào khai thác thương mại sau hơn 10 năm chờ đợi và nhiều lần thất hẹn.

Dự án có tổng chiều dài tuyến chính 13,05km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa với 12 ga trên cao). Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian chạy tàu toàn tuyến là 23,63 phút.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh lễ bàn giao dự án (Ảnh: Viết Thành)

Khi đưa vào hoạt động thương mại, tuyến đường sắt này sẽ hoạt động liên tục từ 5h - 23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến, lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

Tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo Tổng thầu EPC (Trung Quốc) phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) trong quá trình khai thác, vận hành, bảo hành hệ thống.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417,8km.

Đồng thời lưu ý, để công trình sau khi đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, thành phố yêu cầu Hanoi Metro và các đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận tài liệu, chuyển giao công nghệ, tổ chức vận hành tàu trên tuyến bảo đảm an toàn, chính xác, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; bảo trì phương tiện và hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn; khai thác nhà ga hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người đi tàu.

Trong quá trình vận hành khai thác, bảo đảm tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông Vận tải để tổ chức quản lý khai thác trên tuyến bảo đảm thích ứng, an toàn linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 có hiệu quả.

Lãnh đạo Pfizer: Mỹ có thể hết dịch 2 tháng tới

Tiến sĩ Scott Gottlieb, thành viên hội đồng quản trị hãng Pfizer, từng là ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự đoán đại dịch sẽ chấm dứt ở Mỹ vào tháng 1/2022, khi lệnh tiêm vaccine có hiệu lực.

Vào ngày 4/1/2022, đại dịch có thể sẽ kết thúc, ít nhất là ở Mỹ, sau khi chúng ta vượt qua làn sóng lây nhiễm. Chúng ta sẽ ở trong giai đoạn đặc hữu của virus này.

Đây cũng là thời điểm Cơ quan Y tế và An toàn Nghề nghiệp Mỹ yêu cầu tất cả công ty có từ 100 nhân viên trở lên phải thực hiện lệnh tiêm vaccine bắt buộc cho người lao động. Quy định này có thể ảnh hưởng tới 84 triệu lao động Mỹ.

Những người không chịu tiêm liều thứ hai vaccine Moderna hay Pfizer hoặc một liều Johnson & Johnson sẽ phải đeo khẩu trang trong văn phòng từ ngày 5/12 và nộp kết quả xét nghiệm âm tính hàng tuần từ 4/1/2022. Người có kết quả dương tính sẽ phải cách ly.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Scott Gottlieb trong một cuộc phát biểu ở New York, hồi tháng 11/2018 (Ảnh: Reuters)

Quy định được miễn trừ cho các trường hợp liên quan lý do y tế và tôn giáo. Các nhân viên làm việc hoàn toàn ngoài trời, làm việc tại nhà hoặc ở nơi không người cũng có thể được miễn trừ. Các công ty không tuân thủ quy định có thể bị phạt từ 13.600 USD đến 136.000 USD.

Nhận định của Gottlieb được đưa ra sau nghiên cứu cho thấy thuốc kháng nCoV của Pfizer có thể giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong với những bệnh nhân dễ tổn thương.

Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 47,2 triệu ca nhiễm và hơn 770.000 ca tử vong do nCoV. Nước này đã tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 66% dân số, trong đó hơn 57% tiêm đủ liều./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực