Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Thái Nguyên bị bắt

Thứ hai, 26/12/2022 20:44
(ĐCSVN) - Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Thái Nguyên bị bắt; Vụ nổ lớn ở Đắk Lắk: Nghi do chế tạo pháo, 2 cháu nhỏ tử vong; Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu; Ukraine kêu gọi loại Nga khỏi ghế thường trực Hội đồng Bảo an… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (26/12)

Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Thái Nguyên bị bắt

leftcenterrightdel
Cận cảnh khu tập kết than khai thác trái phép của Công ty CP Yên Phước. 

Chiều 26/12, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với một số lãnh đạo, cán bộ tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Cụ thể, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt để tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Huyện ủy Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), nguyên Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên; cùng 3 người khác là lãnh đạo phòng thuộc các Sở Công Thương, Tài nguyên – Môi trường.

Các bị can trên bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Các quyết định khởi tố, lệnh bắt để tạm giam các bị can trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn phê chuẩn.

Được biết, việc khởi tố các bị can trên liên quan đến việc khai thác than trái phép.

Về sai phạm của các cá nhân trên, ngày 21/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành thông báo: Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Thế Giang; đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông Nguyễn Thanh Tuấn và ông Nguyễn Ngô Quyết.

Vụ nổ lớn ở Đắk Lắk: Nghi do chế tạo pháo, 2 cháu nhỏ tử vong

Ngày 26/12, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) xác nhận đã có thêm 1 cháu nhỏ liên quan đến vụ nổ vào chiều 25/12 tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) tử vong.

leftcenterrightdel
Cháu N.Đ.B.A. đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. 

Theo đó, cháu nhỏ thứ 2 tử vong liên quan đến vụ nổ là N.Đ.B. (12 tuổi). Trước đó, cháu B. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng bị đa chấn thương phức tạp ở vùng mặt, bỏng mắt, dập phổi… Đến 20 giờ tối 25/12, gia đình đã xin đưa cháu về nhà để chuẩn bị hậu sự.

Ngoài cháu B, chiều 25/12 Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên còn tiếp nhận 2 cháu nhỏ khác liên quan đến vụ nổ gồm: N.M.T. (12 tuổi) và N.Đ.B.A. (9 tuổi, cùng ngụ thị trấn Buôn Trấp).

Trong đó, cháu T. bị đa chấn thương, các vết thương nham nhở ở vùng hàm mặt, vai, ngực, cẳng chân, bỏng mắt. Hiện cháu T. đã được chuyển xuống một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh để cấp cứu.

Trước sự chứng kiến của bác sĩ và người thân, cháu A. cho biết vào chiều 25/12, nhóm bạn tới một căn nhà trên thôn Quỳnh Tân 3 (thị trấn Buôn Trấp) để xem chế tạo pháo.

Theo cháu A. có người trong nhóm đã đặt hàng, mua thuốc nổ trên mạng với giá 200.000 đồng. Khi đang nhồi, nén thuốc nổ để làm pháo thì không may bị nổ. "Cả nhóm 6 người, nhưng 2 người ra ngoài chơi nên không sao, còn 4 người ở trong thì bị nạn" - cháu A. kể lại.

Trước đó, vào khoảng 15 giờ ngày 25/12, một tiếng nổ rất lớn phát ra tại 1 căn nhà ở thôn Quỳnh Tân 3. Khi mọi người tới hiện trường thì phát hiện 4 cháu nhỏ bê bết máu nên đưa đi bệnh viện. Trong đó, cháu B.G.T. (11 tuổi) do bị thương quá nặng nên tử vong sau đó.

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu

leftcenterrightdel
Diễn biến VN-Index và chỉ số VN30 trong phiên 26/12. Ảnh chụp màn hình bảng giá VNDirect. 

VN-Index thủng mốc 1.000 điểm trong phiên đầu tuần bởi áp lực xả hàng ồ ạt của nhà đầu tư trong nước, qua đó mở ra khả năng điều chỉnh mạnh trở lại.

Trước tuần giao dịch cuối cùng của năm, nhiều nhóm phân tích cho rằng xu hướng hiện tại của thị trường chứng khoán là đi ngang trong biên độ hẹp 1.000-1.080 điểm trên nền thanh khoản tiếp. Dòng tiền được dự báo tiếp tục co lại khi khối ngoại đang trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và cuối năm, còn nhà đầu tư trong nước hạ tỷ trọng cổ phiếu để tránh rủi ro nhưng không đến mức xuất hiện những phiên bán tháo.

Một số chuyên gia với quan điểm lạc quan hơn còn kỳ vọng lực cầu bắt đáy mạnh dần khi VN-Index tiệm cận mốc tâm lý 1.000 điểm sẽ chấm dứt nhịp đi ngang, tạo đà cho thị trường đi lên.

Tuy nhiên, phiên hôm nay đang cho thấy diễn biến trái ngược hoàn toàn. Áp lực xả hàng được nhà đầu tư trong nước kích hoạt ngay sau giờ mở cửa và ngày càng mạnh lên, dẫn đến biên độ giảm của VN-Index không ngừng nới rộng.

Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên và khoảng 10 phút trước phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) thì thủng mốc 1.000 điểm. Hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn bị ép xuống giá sàn và không còn bên mua càng khoét sâu vào chỉ số. VN-Index đóng cửa tại 985 điểm, mất hơn 35 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất trong vòng ba tuần qua, đồng thời chấm dứt một tháng hồi phục từ vùng đáy lên trên mốc 1.000 điểm.

Thị trường chìm trong sắc đỏ khi có hơn 380 cổ phiếu giảm điểm, trong đó gần 100 mã chạm sàn. Rổ VN30 có đến 8 mã mất hết biên độ gồm GVR, MWG, NVL, PDR, TCB, HPG, SSI và STB. Một số mã vốn hóa lớn khác như VIB, VPB, KDH, POW không giảm sàn nhưng biên độ giảm cũng hơn 5%. Nhà đầu tư xả hàng mạnh ở nhóm bất động sản, đặc biệt là những mã mang tính đầu cơ và vừa trải qua sóng hồi phục mạnh vào đầu tháng như ITA, DIG, HQC... Nhóm này có khoảng 10 mã ghi nhận thanh khoản trên 100 tỷ đồng, nhưng hầu hết đều chốt phiên tại giá sàn. KOS – một cổ phiếu vốn hóa nhỏ - là trường hợp duy nhất thuộc nhóm bất động sản giữ được giá tham chiếu lúc đóng cửa.

Nhóm thép cũng chịu áp lực bán tháo quyết liệt khi tất cả đều mất hết biên độ. Trong đó, HPG bị nhà đầu tư trong nước bán mạnh nhất khiến giá chạm sàn 17.100 đồng nhưng bù lại được khối ngoại giải ngân ồ ạt.

Thanh khoản thị trường xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 đóng góp gần phân nửa. Giữa lúc thị trường biến động mạnh, khối ngoại lại đẩy nhanh tốc độ gom hàng. Nhóm này mua hơn 1.300 tỷ đồng và bán ra chưa đến 900 tỷ đồng. Ngoài HPG thì những mã có nền tảng cơ bản tốt như VCB, MSN, VNM được khối ngoại giải ngân nhiều nhất.

Ukraine kêu gọi loại Nga khỏi ghế thường trực Hội đồng Bảo an

leftcenterrightdel
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại Bucharest, Romania, ngày 29/11.
Ảnh: Reuters 

Ngoại trưởng Kuleba nói Ukraine sẽ kêu gọi loại Nga khỏi ghế thường trực Hội đồng Bảo an, cho rằng Moskva không phù hợp với vị trí này.

"Chúng tôi có một câu hỏi rất đơn giản: Nga có được tiếp tục là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an cũng như trong Liên Hợp Quốc hay không?", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trên truyền hình quốc gia ngày 25/12. "Và chúng tôi có một câu trả lời hợp lý, thuyết phục là 'không'".

Theo ông Kuleba, các quan chức ngoại giao quốc tế đã thảo luận về việc Nga có nên tiếp tục giữ ghế ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an hay không. Ông cho hay Ukraine sẽ bày tỏ quan điểm chính thức tại Liên Hợp Quốc vào ngày 26/12.

"Vấn đề này chưa được nguyên thủ và chính phủ các nước đề cập trong họp báo và tuyên bố công khai, nhưng ở cấp thấp hơn, các quan chức đã đặt câu hỏi Nga nên thế nào để không tạo ra mối đe dọa đến hòa bình và an ninh", ông Kuleba cho biết thêm.

Nga hiện chưa bình luận về thông tin.

Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên có nhiệm vụ ứng phó các cuộc khủng hoảng trên thế giới bằng biện pháp trừng phạt, cho phép hành động quân sự và thông qua sửa đổi hiến chương Liên Hợp Quốc. Trong số này có 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực.

5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đều có quyền phủ quyết, cho phép họ bác bỏ bất kỳ nghị quyết nào tại cơ quan này. 10 thành viên không thường trực còn lại được bầu theo nhiệm kỳ hai năm và không có quyền phủ quyết.

Giới quan sát cho rằng lời kêu gọi loại Nga khỏi ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an nếu được Ukraine đưa ra cũng gần như không thể thực hiện. Hiến chương Liên Hợp Quốc không đề ra bất kỳ biện pháp nào để thay đổi tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Bất cứ sự thay đổi nào của Hiến chương Liên Hợp Quốc cần được ít nhất 2/3 số thành viên Đại hội đồng thông qua, trong đó phải bao gồm toàn bộ 5 thành viên thường trực. Kịch bản Nga ủng hộ động thái tự loại mình khỏi Hội đồng Bảo an được coi là phi thực tế, bởi tư cách này gắn liền với quyền phủ quyết.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực