Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng

Thứ bảy, 17/09/2022 20:35
(ĐCSVN) - Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng; "Chạy án" cho nguyên Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức, hai cựu cán bộ công an bị phạt 15 năm tù; Tunisia ra sắc lệnh phạt đến 10 năm tù giam với hành vi phát tán “tin giả” nhắm vào các quan chức hàng đầu là những tin đáng chú ý trong ngày 17/9.

Gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng - Ảnh: Hoàng Phong

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, ngày 17/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng và ông Phạm Mạnh Cường về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. 

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.

Trước đó, ngày 16/9, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương cùng một số lãnh đạo tỉnh này. 

Trong đó, ông Phạm Xuân Thăng được xác định đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Ông Phạm Xuân Thăng chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; để nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Phạm Xuân Thăng cùng một số lãnh đạo Hải Dương đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, người dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm mất uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương và từng cá nhân.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng.

Phạt 6 bị cáo trong vụ lừa "chạy án" gần 60 tỷ đồng 

Ngày 17/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 6 bị cáo trong vụ lừa "chạy án" gần 60 tỷ đồng cho nguyên Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức Nguyễn Minh Quân.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Kim Anh

Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bùi Trung Kiên (sinh năm 1980, cựu cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03, Bộ Công an) 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4 - Bộ luật Hình sự.

Tòa tuyên phạt 5 bị cáo còn lại gồm: Lê Thanh An (sinh năm 1976, cựu cán bộ Phòng 5, C03, Bộ Công an) 6 năm tù; Trần Văn Long (sinh năm 1976, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt) 3 năm tù; Nguyễn Ngọc Triệu (sinh năm 1973, cựu Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Thượng tọa Thích Đồng Huệ, Trụ trì Chùa Nôm, đã có Quyết định hoàn tục và thôi tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam) 5 năm tù; Bùi Thị Hồng Giang (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Bùi Gia và cộng sự) 9 năm tù và Hà Duy Tuấn (sinh năm 1985, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Cổ phần đầu tư Long Thịnh) 9 năm tù về cùng tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365, khoản 4 - Bộ luật Hình sự.

Bản án sơ thẩm xác định, đầu năm 2021, khi C03 xác minh các hoạt động liên quan đấu thầu ở Bệnh viện thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Quân (khi đó là Giám đốc Bệnh viện) lo sợ bị phát hiện ra các sai phạm nên đã liên hệ nhờ các bị cáo trong vụ án “chạy án” giúp.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2021 đến tháng 7/2021, ông Quân đã nhiều lần đưa cho Bùi Trung Kiên, Bùi Thị Hồng Giang và Trần Văn Long 2,67 triệu USD (tương đương gần 60 tỷ đồng) để chạy án.

Bị cáo Bùi Trung Kiên mặc dù không được phân công nhiệm vụ xác minh sự việc liên quan Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Kiên biết rõ bản thân không có khả năng và cũng không có ý định nhờ ai xin giúp nhưng vì muốn chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân nên vẫn nhận lời giúp ông Quân để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “giá” 2,2 triệu USD và Kiên đã nhận đủ số tiền này.

Tháng 5/2021, thấy C03 vẫn kiểm tra quyết liệt, Kiên bị ông Quân đòi lại tiền. Kiên đã trả 1,15 triệu USD, còn chiếm đoạt 1,05 triệu USD (tương đương 23,5 tỷ đồng). Sau này, bị cáo Kiên đã nộp lại số tiền chiếm đoạt này.

Không nhờ được Kiên, ông Quân tiếp tục nhờ các bị cáo còn lại và đưa cho họ tổng số hơn 1,5 triệu USD. Bị cáo Lê Thanh An (khi đó là cán bộ C03) nhận đủ số tiền này và nhờ Hà Duy Tuấn đi “lo lót” giúp. Tuấn lại cầm 970.000 USD đến nhờ bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu giúp đỡ. Bị cáo Triệu nhận lời và lại đi nhờ một người khác giúp đỡ ông Quân nhưng không được.

Trong đó, bị cáo Kiên lừa đảo chiếm đoạt của ông Nguyễn Minh Quân hơn 23 tỷ đồng. Bị cáo Giang và Long môi giới hối lộ hơn 36 tỷ đồng, bị cáo An môi giới hơn 33 tỷ đồng, Tuấn hơn 22 tỷ đồng, Triệu hơn 8 tỷ đồng để giúp ông Nguyễn Minh Quân “chạy án”, nhưng không thành.

Theo bản án sơ thẩm, đây là vụ án nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội. Các bị cáo đều nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, do vậy, cần cách ly các bị cáo mới có tác dụng cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

Đối với bị cáo Kiên mặc dù không có khả năng giúp đỡ ông Quân nhưng đã nhiều lần nhận tiền của ông Quân với số tiền rất lớn, thể hiện ý chí thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Đây là tình tiết tăng nặng của bị cáo Kiên nên bị cáo Kiên phải chịu mức án cao nhất trong số các bị cáo trong vụ án.

Hội đồng xét xử cũng cân nhắc việc các bị cáo trong vụ án đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, có ý thức bồi thường, khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền phạm pháp... nên quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Tunisia ra sắc lệnh trừng phạt hành vi tung tin giả

Tổng thống Tunisia Kais Saied - Ảnh: REUTERS 

Tổng thống Tunisia Kais Saied ngày 16/9 đã ký ban hành sắc lệnh quy định mức phạt 5 năm tù giam đối với những hành vi phát tán “tin giả” và tăng lên thành 10 năm tù giam nếu hành vi này bị đánh giá là nhắm vào các quan chức hàng đầu của quốc gia châu Phi. Bên cạnh đó, những đối tượng vi phạm cũng bị xử phạt 50.000 dinar (15.600 USD).

Sắc lệnh định nghĩa hành vi phạm tội là “cố ý sử dụng mạng truyền thông và hệ thống thông tin để sản xuất, quảng bá, xuất bản hoặc phát tán thông tin hay tin đồn sai sự thật”.

Sắc lệnh trên được đưa ra 14 tháng sau khi Tổng thống Saied tăng cường quyền lực và cố gắng tìm cách xử lý các đối tượng “gây tổn hại đến quyền lợi của người khác, trật tự công cộng và quốc phòng”, cùng với những kẻ “gieo rắc hoảng loạn trong nhân dân”./.

 

Cẩm Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực