Khởi tố vụ án và 7 bị can trong vụ nâng khống giá trị cây xanh ở Hà Nội

Chủ nhật, 01/08/2021 19:29
(ĐCSVN) - Khởi tố vụ án và 7 bị can trong vụ nâng khống giá trị cây xanh ở Hà Nội; Ngày 1/8, Việt Nam ghi nhận 8.620 ca mắc mới; Nhiều nước thay đổi chiến lược tiêm vaccine COVID-19 theo hướng "cây gậy và củ cà rốt"… là một số tin đáng chú ý hôm nay (1/8).

 

Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Xuân Hanh; Đỗ Quang Tiến; Đỗ Khắc Tú Anh; Nguyễn Thị Ngọc Lâm; Nguyễn Tuấn Nghĩa; Kiều Thị Thúy; Hoàng Đình Văn (Ảnh do công an cung cấp) 

Khởi tố vụ án và 7 bị can trong vụ nâng khống giá trị cây xanh ở Hà Nội

Ngày 1/8, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án; khởi tố 7 bị can trong vụ thông đồng nâng khống giá trị cây xanh ở Hà Nội, gây thiệt hại tài sản cho nhà nước khoảng 39 tỷ đồng; ngoài ra còn xác định một số loại cây trồng mới, thay thế, bổ sung được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
 
 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện chương trình trồng mới, thay thế, bổ sung, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, các đối tượng liên quan tại Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội (chủ đầu tư), Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (đơn vị được đặt hàng), Công ty cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (đơn vị tư vấn, thẩm định giá) và một số đối tượng khác đã có hành vi thông đồng nâng khống giá trị cây, hợp thức hồ sơ dự toán để phê duyệt đặt hàng làm căn cứ thanh quyết toán trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản cho nhà nước.
 
 Bước đầu, xác định trong quá trình thực hiện 2 hợp đồng số 1343/HĐ-BDT ngày 31/12/2016 và số 1090/HĐ- BDT (trong số 15 hợp đồng giữa Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội), các đối tượng đã nâng khống giá một số loại cây (chủ yếu là cây Chà là và Bàng lá nhỏ, trong tổng số trên 17 loại cây trong hợp đồng), gây thiệt hại tài sản cho nhà nước khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra còn xác định một số loại cây trồng mới, thay thế, bổ sung được các đối tượng nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
 
 Ngày 31/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra ở Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và "Buôn lậu" xảy ra ở thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.
 
 Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt tạm giam với 6 bị can: Nguyễn Xuân Hanh (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội); Đỗ Quang Tiến (Giám đốc Xí nghiệp cây xanh cây hoa cây cảnh thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội); Đỗ Khắc Tú Anh (Phó Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị); Nguyễn Thị Ngọc Lâm (nguyên Thẩm định viên, Công ty cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam); Nguyến Tuấn Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Xanh Hòa Lạc và Công ty TNHH Phát triển vì nhân dân); Kiều Thị Thúy (Kế toán Công ty TNHH Xanh Hòa Lạc và Công ty TNHH Phát triển vì nhân dân). 6 bị can trên bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự.
 
 Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Đình Văn (Giám đốc Công ty Hoàng Anh Phát) về tội "Buôn lậu" theo tuy định tại Điều 188, Bộ luật Hình sự.
 
 Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn, ngày 1/8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
 
 Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước./.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng 1/8 tại trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)
 
 

Ngày 1/8, Việt Nam ghi nhận 8.620 ca mắc mới


Trong ngày 1/8, cả nước ghi nhận 8.620 ca mắc mới COVID-19, trong đó 23 ca nhập cảnh và 8.597 ca ghi nhận trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận nhiều nhất với 4.052 ca, tiếp đó là Bình Dương 2179 ca, Long An 569 ca, Đồng Nai 425 ca, Khánh Hoà 298 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 184 ca, Tây Ninh 102 ca, Cần Thơ 100 ca, Đồng Tháp 86 ca, Bến Tre 82 ca, Hà Nội 81 ca, Sóc Trăng 53 ca, Vĩnh Long 50 ca, Phú Yên 49 ca, Hậu Giang 41 ca, Bình Thuận 32 ca, Trà Vinh 31 ca, Kiên Giang 24 ca, An Giang 21 ca, Bình Phước 20 ca, Bình Định 16 ca, Đắk Lắk 15 ca, Thừa Thiên Huế 14 ca, Quảng Nam 11 ca, Thanh Hóa 8  ca, Hải Dương, Kon Tum mỗi địa phương 7 ca, Gia Lai 6 ca, Quảng Ngãi 5 ca, Lâm Đồng, Hà Giang, Quảng Bình mỗi địa phương 4 ca, Quảng Trị, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An mỗi địa phương 3 ca, Đắk Nông 2 ca, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bạc Liêu mỗi địa phương 1 ca; trong đó có 2.007 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 1/8, Việt Nam có 154.306 ca mắc trong đó có 2.262 ca nhập cảnh và 152.044 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước từ ngày 27/4 đến nay là 150.474, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Cả nước có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn; 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn là: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Trong ngày 1/8, cả nước có 4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 43.157 ca.

Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 432 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.

Trong 24 giờ qua, các cơ sở xét nghiệm đã thực hiện 143.141 xét nghiệm cho 179.127 lượt người; từ ngày 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.213.144 mẫu cho 17.535.773 lượt người.

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 6.203.866 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều./.
Tiêm vaccine Covid-19 tại Nga. (Ảnh: Rykov.) 

Nhiều nước thay đổi chiến lược tiêm vaccine COVID-19 theo hướng "cây gậy và củ cà rốt"
Dễ lây lan như thủy đậu, có thời gian lây truyền dài hơn so với chủng ban đầu và có thể khiến người già ốm nặng hơn ngay cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ, biến thể Delta đang khiến nhiều nước phải thay đổi chiến lược tiêm vaccine ngừa COVID-19. 
Theo thống kê mới nhất của chuyên trang Our World in Data, dù tốc độ tiêm chủng đã tăng trong những tuần gần đây, song tới nay mới chỉ có 28,2% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Việc thuyết phục những người còn do dự tiêm vaccine đang trở thành ưu tiên cấp bách hàng đầu của nhiều quốc gia.
“Đãng lẽ con nên tiêm vaccine” - đây là dòng tin nhắn cuối cùng mà anh Michael Freedy 39 tuổi, vừa qua đời chỉ sau 2 tuần mắc COVID-19, để lại cho mẹ và vợ con. Michael Freedy nằm trong số gần 40% người dân Mỹ chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và theo chia sẻ của người vợ, gia đình họ muốn đợi một năm sau khi vaccine được đưa vào sử dụng rồi mới quyết định chủng ngừa, để xem vaccine ảnh hưởng thế nào đến mọi người.
Nếu như cách đây chưa đầy một tháng, xứ cờ hoa tưởng chừng đã thoát khỏi đại dịch, thì giờ đây, tỷ lệ số ca bệnh mới gia tăng làm trì hoãn các kế hoạch mở cửa trở lại, đồng thời đe dọa một làn sóng COVID-19 mới. Hiện cả vợ và đứa con 17 tuổi của Freedy đều đã được tiêm chủng ngừa và họ đang tích cực kêu gọi mọi người tiêm vaccine ngay để không phải trải qua mất mát như họ đang gánh chịu.
Biến thể Delta nguy hiểm và dễ lây lan hơn, trong khi tốc độ tiêm chủng giảm mạnh tới 80% đã buộc chính quyền liên bang phải có sự thay đổi trong chiến lược tiêm chủng. Tổng thống Joe Biden mới đây thông báo, tất cả nhân viên dân sự liên bang phải tiêm vaccine COVID-19, nếu không sẽ bị buộc xét nghiệm thường xuyên, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và hạn chế di chuyển. 
Ông Joe Biden cũng kêu gọi chính quyền tiểu bang và các địa phương phát 100 USD cho những người chấp nhận tiêm chủng: “Khi nhiều người được chủng ngừa hơn, chúng ta cũng được bảo vệ tốt hơn. Những gì đang xảy ra ở Mỹ hiện nay là một đại dịch, một đại dịch của những người chưa được tiêm chủng. Đây không phải là vấn đề của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, mà là vấn đề giữa sự sống và cái chết. Quyết định của bạn không tiêm chủng ngừa COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến người khác. Những người không được chủng ngừa sẽ lây lan virus.”
Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” nhằm thúc đẩy việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tại Pháp, người dân giờ phải có “thẻ y tế” chứng minh đã tiêm chủng hoặc có xét nghiệm âm tính mới có thể đi vào hầu hết địa điểm trong nhà như nhà hàng, quán bar. Tương tự tại Đức và Italy, người dân phải có tài liệu chứng minh đã tiêm chủng hoặc âm tính với virus SARS-CoV-2 mới có thể ăn tối tại nhà hàng trong nhà. 

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực