Ngày 3/9, ghi nhận kỷ lục gần 15.000 người mắc mới, Việt Nam vượt mốc 500.000 ca COVID-19

Thứ sáu, 03/09/2021 19:10
(ĐCSVN) - Ghi nhận kỷ lục gần 15.000 người mắc mới, Việt Nam vượt mốc 500.000 ca COVID-19; Hà Nội "chốt" 15 quận, huyện là "vùng đỏ", giãn cách nghiêm đến 21/9; Xét nghiệm toàn bộ người dân tại địa phương giãn cách; Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch; Phó thủ lĩnh Taliban sẽ lãnh đạo chính quyền Afghanistan.. là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (3/9).
leftcenterrightdel
Ngày 3/9, ghi nhận kỷ lục gần 15.000 người mắc mới, Việt Nam vượt mốc 500.000 ca COVID-19.

Ngày 3/9, ghi nhận kỷ lục gần 15.000 người mắc mới, Việt Nam vượt mốc 500.000 ca COVID-19

Tối 3/9 Bộ Y tế cho biết, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.922 ca nhiễm mới với 28 người nhập cảnh và 14.894 trường hợp trong nước (9.275 ca cộng đồng). Đây là ngày ghi nhận tổng số ca mắc cũng như ca trong cộng đồng cao nhất từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam.

Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (8.499), Bình Dương (3.676), Đồng Nai (986), Long An (564), Tây Ninh (267), Tiền Giang (154), Kiên Giang (104), Đồng Tháp (82), Đà Nẵng (81), Bình Thuận (75), An Giang (62), Khánh Hòa (61), Hà Nội (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (39), Nghệ An (37), Quảng Ngãi (24), Phú Yên (19), Bình Định (17), Thanh Hóa (15), Cần Thơ (10), Gia Lai (10), Đắk Nông (9), Bình Phước (8 ), Vĩnh Long (8 ), Trà Vinh (5), Hà Tĩnh (5), Bến Tre (5), Cà Mau (4), Quảng Nam (3), Nam Định (2), Bạc Liêu (2), Bắc Ninh (1), Hậu Giang (1), Bắc Giang (1).

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.708 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 2.536 ca, Bình Dương giảm 828 ca, Đồng Nai tăng 183 ca, Long An giảm 19 ca, Tây Ninh tăng 205 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 501.649 ca nhiễm, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.103 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 497.391 ca, trong đó có 267.894 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc và 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam.

Hà Nội "chốt" 15 quận, huyện là "vùng đỏ", giãn cách nghiêm đến 21/9

leftcenterrightdel
Hà Nội "chốt" 15 quận, huyện là "vùng đỏ", giãn cách nghiêm đến 21/9.

UBND TP Hà Nội xác định có 15 quận, huyện là "vùng đỏ", sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó" đến 21/9...

Thông tin từ UBND TP Hà Nội đưa ra chiều 3/9, sau 3 đợt giãn cách và đặc biệt sau các đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua, có thể thấy, dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tập trung ở các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, trong khi các quận huyện khác đã giảm nguy cơ.

Trong khi đó, việc nới lỏng giãn cách theo địa giới hành chính trong khu vực mật độ dân cư cao là khó khả thi.

Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, Hà Nội quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Căn cứ các yếu tố, thành phố Hà Nội quyết định thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường công tác phòng chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.

Thời gian thực hiện phân vùng tính từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9 (tức 15 ngày).

Cụ thể, phân vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hiện là vùng đỏ, có nhiều đối tượng nguy cơ cao.

Phân vùng 1 sẽ gồm 15 đơn vị hành chính, trong đó bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa , Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Tại phân vùng 1, thành phố quyết định sẽ tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó", "người ở vùng nào, ở vùng đó" để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực "vùng đỏ" và "vùng cam"…

Tại vùng 2, Hà Nội sẽ đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn. Các cơ quan liên quan có thể chia vùng 2 thành từng phân khu nhỏ để tổ chức thực hiện đảm bảo "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" để cho các Khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.

Phân vùng 3: Vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Vùng này chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy.

Phân vùng này bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của Phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín…

Xét nghiệm toàn bộ người dân tại địa phương giãn cách

leftcenterrightdel
Bộ Y tế đề nghị xét nghiệm toàn bộ người dân tại địa phương giãn cách. (Ảnh: CDC Hà Nội)

Bộ Y tế gửi công điện đến các địa phương, nêu rõ dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Một số nơi người dân di chuyển với số lượng lớn và tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng.

Nhằm phát hiện sớm F0 để khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đang giãn cách xã hội đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trước hết tại khu vực phong tỏa, nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Việc lấy mẫu xét nghiệm phải trả kết quả trong ngày.

Từ nay đến 15/9, với khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, ngành y tế đến tận nhà, từng hộ dân để lấy mẫu xét nghiệm; ít nhất ba lần (2-3 ngày một lần). Phương pháp có thể là test nhanh kháng nguyên mẫu đơn hoặc PCR mẫu gộp theo từng hộ gia đình.

Khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tại nhà tất cả người dân từ 5 đến 7 ngày một lần, bằng phương pháp PCR mẫu gộp từng gia đình.

Các địa phương tiếp tục xét nghiệm tầm soát những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... tại cộng đồng và khi họ đến bệnh viện.

Nhân viên, người lao động tại bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người cung cấp dịch vụ thiết yếu... được xét nghiệm 3 ngày một lần.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, có sự giám sát của nhân viên y tế.

Với các địa phương không giãn cách xã hội, căn cứ tình hình dịch bệnh, ngành y tế chủ động sàng lọc, phát hiện sớm người nghi ngờ nhiễm bệnh trong cộng đồng. Tất cả người ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đều xét nghiệm để kịp thời cách ly, khoanh vùng.

Các gia đình có thành viên làm việc trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhân viên ngân hàng, tiếp thị, làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, giao hàng... sẽ được xét nghiệm. Người sống trong các khu nhà trọ, khu dân cư mật độ dân số cao thực hiện xét nghiệm tầm soát.

Người lao động làm việc tại bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cung cấp dịch vụ thiết yếu... xét nghiệm 5-7 ngày một lần.

Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. (Ảnh: Bộ Y tế). 

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, ngày 3/9 gửi thư kêu gọi tất cả F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia chống dịch.

Trong thư, Thứ trưởng chúc mừng và cảm ơn những người đã không từ bỏ hy vọng, dũng cảm chiến đấu, vượt qua bệnh tật để đem lại niềm vui cho gia đình, bạn bè, mang lại hạnh phúc cho đội ngũ nhân viên y tế và thắp sáng niềm tin chiến thắng đại dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ hiện vẫn còn nhiều người đang nhiễm biến thể Delta và bệnh nhân COVID-19 phải chịu mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau. TP Hồ Chí Minh vẫn còn có quá nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết liệt, nỗ lực hết sức của chính quyền địa phương, nhân dân và các lực lượng y tế đến hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng sự chia sẻ kinh nghiệm và những bí quyết để chiến thắng bệnh tật của người đã khỏi bệnh là một phần trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của thành phố hiện nay.

"Ngành y tế rất cần sự chung tay đóng góp của F0 khỏi bệnh trong giai đoạn quyết định này, dù tôi hiểu rằng mọi người cần thời gian để dưỡng sức sau cơn bạo bệnh đáng sợ", Thứ trưởng Sơn viết trong thư.

"Với niềm hy vọng, niềm tin vào sự khống chế thành công dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi thiết tha mong đợị sự tham gia của các bạn vào công tác phòng chống dịch của thành phố. Bất kỳ vị trí, công việc nào các bạn tham gia đều được cá nhân tôi và toàn thể nhân dân thành phố trân trọng và biết ơn".

Ngành y tế sẽ tiến hành đánh giá mức độ kháng thể kháng virus bằng test nhanh và bố trí điều kiện làm việc hợp lý cho các F0 đã khỏi. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tin rằng sự có mặt của họ sẽ đem lại nguồn năng lượng tích cực, cổ vũ cho lực lượng phòng chống dịch, đặc biệt cho những bệnh nhân COVID-19 và F0.

Trước đó, tại buổi họp báo chiều 2/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết thành phố sẽ tuyển dụng và trả lương cho các F0 đã được điều trị khỏi tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Phó thủ lĩnh Taliban sẽ lãnh đạo chính quyền Afghanistan

leftcenterrightdel
Phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar. (Ảnh: Reuters). 

Ngày 3/9, các nguồn tin nội bộ Taliban cho biết, Mullah Abdul Ghani Baradar- người đứng đầu cơ quan chính trị của Taliban, sẽ lãnh đạo chính quyền mới tại Afghanistan, trong khi những vị trí cấp cao khác thuộc về Mullah Mohammad Yaqoob, con trai người sáng lập Taliban Mullah Omar, và Sher Mohammad Abbas Stanikzai, phó trưởng ban chính trị của Taliban.

"Tất cả lãnh đạo cấp cao đã đến thủ đô Kabul, nơi các công việc chuẩn bị để công bố chính quyền mới đang trong giai đoạn cuối", một quan chức Taliban giấu tên cho hay.

Một nguồn tin khác của Taliban bổ sung rằng Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tôn giáo tối cao của lực lượng này, sẽ tập trung vào các vấn đề tôn giáo và điều hành trong khuôn khổ Hồi giáo.

Tính hợp pháp của chính quyền mới sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, giữa lúc nền kinh tế Afghanistan đang bên bờ vực sụp đổ vì nạn hạn hán và hậu quả chiến tranh. Nước này phụ thuộc lớn vào nguồn viện trợ từ nước ngoài, trong khi cộng đồng quốc tế chưa công nhận Taliban.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không có kế hoạch giải phóng hàng tỷ USD dự trữ của Afghanistan được gửi trong các ngân hàng tại nước này. Trong một diễn biến tích cực, giám đốc điều hành cấp cao của công ty Western Union cho biết họ sẽ nối lại dịch vụ chuyển tiền đến Afghanistan, để duy trì mục đích nhân đạo.

Taliban từng áp đặt chế độ hà khắc tại Afghanistan trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1996 đến 2001. Tuy nhiên, lần này phong trào lại nỗ lực thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn, cam kết bảo vệ nhân quyền và không trả đũa những đối thủ cũ. Mặc dù vậy, Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác vẫn tỏ ra nghi ngờ. Họ cho biết việc công nhận chính quyền do Taliban điều hành, cũng như viện trợ kinh tế, sẽ phụ thuộc vào hành động của lực lượng này./.

Trung Anh (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực