Phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng

Chủ nhật, 12/03/2023 20:07
(ĐCSVN) - Phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng; Khởi tố thêm nhiều bị can liên quan đến ngành đăng kiểm; Tổng giám đốc WHO tuyên bố mạnh chưa từng thấy về nguồn gốc COVID-19… là một số tin đáng chú ý hôm nay (12/3).
 Hai đối tượng Sang và Thịnh bị công an bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)

Phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng

Chiều 12/3, Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, vừa phối hợp triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.

Đây là nhóm tội phạm với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online trên Internet, rồi dụ dỗ họ chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo như Shopee, Lazada...

Trong số 23 đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ, qua điều tra xác định, đối tượng cầm đầu ở Việt Nam là Nguyễn Hoàng Sang (SN 2001), Lê Trường Thịnh (SN 1997), cùng ở Tây Ninh.

Ngoài lừa đảo tuyển cộng tác viên qua mạng, nhóm này thường xuyên lập tài khoản trên website Corona đặt cược đánh bạc “tài xỉu” để được hưởng hoa hồng.

Trước đó, đầu tháng 1/2023, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định Sang, Thịnh cùng nhóm đối tượng câu kết với "Lùn" và "Trắng" (chưa rõ nhân thân, người Trung Quốc) thành lập công ty trá hình, đặt trụ sở tại nước ngoài tổ chức sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều công dân Việt Nam.

Theo đó, "Lùn" và "Trắng" đã tuyển gần 100 người Việt Nam, đưa sang Campuchia làm việc bằng hình thức thông qua các trang mạng xã hội, đăng bài viết với nội dung hứa hẹn mức lương cao, đãi ngộ hấp dẫn để tuyển hoặc khuyến khích các nhân viên lôi kéo thêm bạn bè, người thân sang Campuchia cùng làm việc.

 Sau đó , "Lùn" và "Trắng" cho các đối tượng hưởng hoa hồng trên tổng số tiền lừa chiếm đoạt của các nạn nhân.

Vai trò của Sang và Thịnh trực tiếp giao việc cho các đối tượng gọi điện, nhắn tin qua mạng xã hội Facebook để dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân tham gia theo dõi, bấm yêu thích (còn gọi là "thả tim") trên ứng dụng TikTok, mạng Facebook.

Các đối tượng hướng dẫn nạn nhân liên hệ qua ứng dụng Telegram gặp "chuyên gia" lừa chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng của chúng. Khi nạn nhân 'dính bẫy' đã chuyển tiền thì sẽ càng bị nhấn sâu với lợi nhuận chúng đưa ra.

 Đến khi đạt số tiền nhất định, nhóm lừa đảo liền chặn liên lạc, xóa tài khoản và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Với phương thức, thủ đoạn tinh vi trên, cộng với lòng tham hay làm giàu nhanh của các nạn nhân, nên các đối tượng đã lừa đảo hàng nghìn người Việt Nam, chiếm đoạt số tiền ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

 Công an khám xét Trung tâm Đăng kiểm 50- 13D. (Ảnh: tienphong.vn)

Khởi tố thêm nhiều bị can liên quan đến ngành đăng kiểm

Ngày 12/3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can và tạm giam đối với Mai Văn Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và kỹ thuật ô tô Tiên Phong (địa chỉ tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) về tội “Đưa hối lộ”. 

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Mai Đức Truyền, chuyên viên Phòng kiểm định xe cơ giới về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền của Công ty Tiên Phong để bỏ qua thiếu sót trong hồ sơ trên và thẩm định đạt. Do đó, đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ”.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Mai Văn Quân với vai trò của mình đã có hành vi đưa tiền cho các đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe, với mục đích được bỏ qua các lỗi, thiếu sót trong hồ sơ nhằm để được thẩm định đạt hồ sơ thiết kế.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam về hành vi nhận hối lộ đối với: Nguyễn Chí Quyết (sinh năm 1992, ngụ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk); Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1990, ngụ quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) và Phạm Văn Luân (sinh năm 1991, ngụ huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) là Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-13D (huyện Bình Chánh) để điều tra về các hành vi sai phạm trong hoạt động đăng kiểm.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, việc khởi tố, bắt giam các đối tượng trên nằm trong hoạt động mở rộng điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” liên quan đến sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và nhiều trung tâm đăng kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Liên quan đến các vụ án này, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố 147 bị can để điều tra về các hành vi nêu trên.

Hiện vụ án vẫn đang tiếp tục được các cơ quan chức năng mở rộng điều tra và xử lý triệt để, nghiêm minh tất cả các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, tàu thuyền gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters )

Tổng giám đốc WHO tuyên bố mạnh chưa từng thấy về nguồn gốc COVID-19

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh việc tìm ra nguồn gốc đại dịch COVID-19 là yêu cầu mang tính đạo đức và phải kiểm tra mọi giả thuyết.

Reuters ngày 12/3 cho biết tuyên bố do ông Ghebreyesus đưa ra trên mạng xã hội Twitter và được xem là bình luận mạnh mẽ nhất của WHO về việc tìm ra nguồn gốc đại dịch COVID-19.

"Hiểu nguồn gốc của COVID-19 và khám phá tất cả giả thuyết là một yêu cầu về mặt khoa học để giúp chúng ta ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai và một yêu cầu về mặt đạo đức, vì hàng triệu người đã tử vong và những người sống chung với hội chứng COVID-19 kéo dài" - ông Ghebreyesus viết.

Cách đây tròn 3 năm, WHO lần đầu tiên sử dụng cụm từ "đại dịch" để mô tả sự bùng phát COVID-19 trên toàn cầu.

Tờ The Wall Street Journal trước đó đưa tin một cơ quan của Mỹ đã đánh giá rằng đại dịch COVID-19 có thể bắt nguồn từ rò rỉ phòng thí nghiệm ngoài ý muốn của Trung Quốc, gây áp lực buộc WHO phải đưa ra câu trả lời. Bắc Kinh đã bác bỏ giả thuyết này.

Cuối tuần trước, các nhà hoạt động, chính trị gia và học giả viết trong một bức thư ngỏ rằng trọng tâm của dịp kỷ niệm 3 năm COVID-19 nên tập trung vào việc ngăn chặn tình trạng cung cấp vắc-xin COVID-19 không công bằng. Điều này được cho là dẫn đến ít nhất 1,3 triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được.

Hồi năm 2021, một nhóm nghiên cứu do WHO dẫn đầu đã tới TP Vũ Hán - Trung Quốc. Đây là nơi báo cáo các trường hợp COVID-19 đầu tiên ở người.

Trong một báo cáo chung, nhóm này kết luận virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền từ dơi sang người thông qua một loài động vật khác nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.

Kể từ đó, WHO đã thành lập một nhóm cố vấn khoa học về các mầm bệnh nguy hiểm nhưng chưa đưa ra bất kỳ kết luận nào về nguồn gốc COVID-19./.

P/V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực