Truy tố cựu Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Thứ tư, 01/02/2023 19:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Truy tố cựu Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Siro ho gây tử vong trẻ em của hãng dược Ấn Độ chưa được cấp phép tại Việt Nam; Hàn Quốc lên kế hoạch phóng vệ tinh đa năng vào cuối năm 2023;… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (1/2).

Truy tố cựu Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Khu dân cư Tân Việt Phát 2. (Ảnh: plo.vn) 

Ngày 1/2, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh Bình Thuận trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ án xảy ra tại dự án Khu dân cư Tân Việt Phát 2 (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết).

Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương bán đấu giá 3 lô đất nêu trên với giá khởi điểm hơn 111 tỉ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên, sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá.

Đầu năm 2016, giá đất ở Bình Thuận, trong đó có 3 lô đất trên, liên tục biến động tăng. Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2. Song đến ngày 7/3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn giao và cho thuê đất đối với Công ty Tân Việt Phát nhưng lấy giá đất năm 2013. Việc giao đất năm 2017 nhưng lấy giá 2013 của các lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và cấp dưới khiến tài sản Nhà nước bị thiệt hại khi giao đất cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát là 45,4 tỉ đồng.

Trong vụ án này, còn có 14 cán bộ công chức thuộc Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế và Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận có liên quan. Trong đó, 7 người đã có dấu hiệu tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, nguyên nhân sai phạm của 14 người trên là do thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Xét tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân vi phạm và trong quá trình thực hiện không được hưởng lợi ích vật chất, cần phân hóa xử lý nghiêm khắc về Đảng và chính quyền là đủ.

Quá trình điều tra, gia đình bị can Nguyễn Ngọc Hai (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) khắc phục 300 triệu đồng, gia đình bị can Lương Văn Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) khắc phục 500 triệu đồng, gia đình bị can Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận) khắc phục 100 triệu đồng và đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Cáo trạng cũng kiến nghị khi đưa ra xét xử, Hội đồng xét xử yêu cầu các cá nhân vi phạm pháp luật phải khắc phục hậu quả số tiền thiệt hại hơn 44,4 tỉ đồng (đã trừ 900 triệu đồng gia đình ba bị can đã khắc phục). Yêu cầu Công ty Tân Việt Phát có trách nhiệm phối hợp cùng các bị can khắc phục hậu quả, thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân mua nhà đất tại dự án khu thương mại dịch vụ Tân Việt Phát 2.

Siro ho gây tử vong trẻ em của hãng dược Ấn Độ chưa được cấp phép tại Việt Nam

 Một lọ siro Doc-1 Max. (Ảnh: Kun uz)

Ngày 1/2, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin liên quan đến hai loại siro ho Ambronol và DOK-1 Max, do Marion Biotech (Ấn Độ) sản xuất. Ngay sau đó, cơ quan này đã rà soát danh mục các thuốc được nhập về Việt Nam. Theo đó, qua kiểm tra cho thấy hai loại siro ho Ambronol và DOK-1 Max do Marion Biotech sản xuất chưa được cấp phép số đăng ký và cũng không nộp hồ sơ đăng ký thuốc tại Việt Nam.

Cục Quản lý Dược cũng khuyến cáo người dân chỉ nên mua các sản phẩm thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp số đăng ký lưu hành, tránh mua, sử dụng các sản phẩm trôi nổi, các sản phẩm rao bán trên các trang mạng.

Vừa qua, tại Uzbekistan, có 19 ca trẻ em tử vong sau khi uống thuốc ho của hãng Marion Biotech (Ấn Độ). Phân tích của Bộ Y tế Uzbekistan cho thấy hai loại siro Ambronol và DOK-1 Max, do Marion Biotech sản xuất, có chứa chất ethylene glycol độc hại.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thông báo hàng chục trẻ nhỏ ở Gambia, một quốc gia ở Tây Phi, đã tử vong do tổn thương thận cấp tính có thể liên quan đến siro trị ho, cảm bị nhiễm độc do một nhà sản xuất thuốc của Ấn Độ sản xuất. WHO dẫn thông tin của Cơ quan Kiểm soát chất lượng dược phẩm Ấn Độ cho biết Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd chỉ mới cung cấp những thuốc trên đến Gambia. 4 sản phẩm bao gồm: Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup.

Hàn Quốc lên kế hoạch phóng vệ tinh đa năng vào cuối năm 2023

 Vệ tinh Arirang 5 của Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)

Ngày 1/2, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin-Truyền thông Hàn Quốc cho biết nước này lên kế hoạch phóng một vệ tinh đa năng vào quý 4 năm nay, sử dụng tên lửa không gian do châu Âu sản xuất.

Theo kế hoạch ban đầu, vệ tinh đa năng Arirang 6 của Hàn Quốc được phóng bằng tên lửa đẩy Angara 1.2 của Nga vào năm ngoái, từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở Tây Bắc nước Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ do các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin-Truyền thông Hàn Quốc cho biết đã hủy hợp đồng với Nga vào tháng trước và chọn tên lửa Vega-C do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phát triển làm phương tiện phóng Arirang 6 thông qua hình thức đấu thầu quốc tế.

Theo Bộ này, vụ phóng dự kiến được tiến hành vào quý 4 năm nay vì Vega-C vẫn đang được điều tra về lý do mất kết nối trong lần phóng ra mắt hồi tháng 12 năm ngoái.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin-Truyền thông Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch phóng một vệ tinh quan sát cỡ trung bình thế hệ tiếp theo./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực