Vietnam Airlines chính thức âm vốn chủ sở hữu

Thứ ba, 31/08/2021 21:58
(ĐCSVN) - Bệnh viện COVID-19 hệ thống thông gió một chiều chính thức vận hành; Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu; EU cảnh báo sản phẩm chứa ethylene oxide từ nhiều nước; Nhật Bản phát hiện đột biến của biến chủng Delta... là một số tin đáng chú ý ngày 31/8.

Bệnh viện điều trị COVID lớn nhất Hà Nội đi vào hoạt động

Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch quy mô 500 giường khánh thành chiều 31/8 sau một tháng xây dựng, lần đầu tiên thiết kế hệ thống thông gió một chiều kết nối tận giường.

Theo nhà sản xuất Daikin, hệ thống điều hòa thông gió tại đây là hàng đặt riêng, công suất tương đương 800 máy điều hòa dân dụng thông thường, kết hợp với 360 máy lọc không khí. Đầu mỗi giường bệnh có hệ thống hút khí thải từ bệnh nhân. Một màng lọc chuyên dụng được đặt tại lỗ hút khí để giữ lại virus, sau đó tia cực tím sẽ xử lý.

Là cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai rộng 3,5 ha, chia thành 17 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên gồm 30 buồng bệnh, trong đó có 15 buồng áp lực âm.

Khoảng 1.000 nhân viên y tế, ở tất cả chuyên ngành như Hồi sức cấp cứu, khoa Xét nghiệm, khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, làm việc tại bệnh viện. Hàng ngày, mỗi đơn nguyên có 16 bác sĩ và 40 nhân viên thay phiên nhau làm việc.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính (áo xanh nhạt, giữa), PGS TS Nguyễn Lân Hiếu (áo xanh ngọc) cùng các y bác sĩ tham quan khu cấp cứu, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, ngày 31/8. (Ảnh: Ngọc Thành)

Theo Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm giám đốc bệnh viện điều trị COVID-19 tại Hà Nội, bệnh viện hoạt động với hai mục tiêu: tuyến cuối trong tháp điều trị người bệnh COVID-19 tại thành phố và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn); và thực hiện chức năng Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) COVID-19 quốc gia.

"Đây là bệnh viện có số giường điều trị lớn nhất tại Hà Nội mà tôi không muốn đón bệnh nhân, không muốn lấp đầy khoa phòng", bác sĩ Hiếu cho biết.

Vietnam Airlines chính thức âm vốn chủ sở hữu

Do tác động nặng nề của dịch COVID-19, ngoài áp lực thanh khoản khi nợ ngắn hạn gấp 5 lần tài sản ngắn hạn, Vietnam Airlines rơi vào thua lỗ triền miên và rất khó khăn. Lỗ lũy kế đến hết tháng 6 đã vượt 17.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần Vietnam Airlines ghi nhận tăng 9% so với cùng kỳ lên 6.537 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh hơn 13% lên 10.034 tỷ đồng. Do hoạt động dưới giá vốn nên đơn vị bị lỗ gộp 3.497 tỷ đồng, mức lỗ tăng hơn 22% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, hãng hàng không quốc gia còn ghi nhận thêm khoản lỗ hơn 41 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết (con số này trong cùng kỳ là trên 95 tỷ đồng).

leftcenterrightdel
 Lỗ lũy kế đến hết tháng 6 của Vietnam Airlines đã vượt 17.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ đồng

Sau khi khấu trừ chi phí bán hàng là 311 tỷ đồng (giảm 47%) và chi phí quản lý doanh nghiệp 454 tỷ đồng (tăng 76% so với cùng kỳ), Vietnam Airlines lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 4.471 tỷ đồng (tăng lỗ hơn 33% so với cùng kỳ).

Nếu quý II/2020, Vietnam Airlines có 382 tỷ đồng lợi nhuận khác thì đến quý II năm nay, con số này giảm còn hơn 5 tỷ đồng.

Kết quả, mức thua lỗ trước thuế của Vietnam Airlines trong quý II lên tới 4.466 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế là 4.528 tỷ đồng và lỗ ròng thuộc về công mẹ là 4.449 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, vào hồi đầu tháng 7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.

EU cảnh báo sản phẩm chứa ethylene oxide từ nhiều nước

Không chỉ Việt Nam, nhiều sản phẩm vào EU của các nước khác cũng vừa bị cảnh báo vi phạm vì chứa ethylene oxide, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia.

Hiện một số lô mỳ tôm của Việt Nam và Hàn Quốc đã bị 8 nước, gồm: Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy, Ireland, Đan Mạch, Luxembourg và Thụy Sỹ cảnh báo có chứa ethylene oxide (EO).

Theo thông báo gần đây của Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Uỷ ban châu Âu (RASFF), Đức thu hồi lô mỳ ăn liền hãng Nongshim (Hàn Quốc) sản xuất ngày 27/1 và 3/3/2021 vì chứa EO vượt ngưỡng. Nồng độ của EO trong các sản phẩm mỳ của Hàn Quốc được tìm thấy là 5-7,4 mg/kg, trong khi theo tiêu chuẩn của EU là không quá 0,05.

Thực tế, theo bà Thúy, hàng trăm thông báo được các nước phát đi liên quan đến chất EO thông qua RASFF. Các sản phẩm bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao... đến từ nhiều nước.

leftcenterrightdel
 Mỳ tôm chua cay Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam được bày bán tại siêu thị ở thị trường trong nước. (Ảnh: Anh Minh)

Với phở khô vị bò gà của Thiên Hương bị Na Uy cảnh báo, thu hồi tại thị trường này do phát hiện lô sản phẩm hạn dùng 7/2/2022 có chứa 0,052 mg/kg-ppm ethylene oxide. Theo bà Thuý, mức "vi phạm rất thấp", vì quy định ngưỡng tối đa là 0,05 mg/kg. Gần đây sản phẩm nhiều nước bị cảnh báo nhiễm chất này, nên việc kiểm soát "được chú ý hơn trước".

EO thường được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao trong một số sản phẩm nông sản; khử khuẩn các nguyên liệu thực phẩm, đặt biệt cho các gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế.. do yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella.

Việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý muốn vào thị trường EU, cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI... để hiểu các thủ tục liên quan đến sản phẩm của mình.

Nhật Bản phát hiện đột biến của biến chủng Delta ở bệnh nhân COVID-19

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Y - Nha khoa Tokyo cho biết, đột biến trên được phát hiện ở một bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta nhập viện giữa tháng này tương tự với đột biến ở biến chủng Alpha.

Kết quả phân tích trình tự gen đã phát hiện đột biến N501S ở biến chủng Delta, tương tự đột biến N501Y làm tăng khả năng lây lan ở biến chủng Alpha - biến chủng được phát hiện đầu tiên tại Anh. Đến nay mới chỉ ghi nhận 8 trường hợp nhiễm đột biến này bên ngoài Nhật Bản.

leftcenterrightdel

Nhật Bản phát hiện đột biến của biến chủng Delta ở một bệnh nhân COVID-19 (Ảnh: Kyodo)

Do bệnh nhân không có lịch sử ra nước ngoài hay nhiễm virus do tiếp xúc cộng đồng thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu tin rằng đột biến N501S nhiều khả năng đã âm thầm xuất hiện ở Nhật Bản.

Nhóm nghiên cứu cho biết, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định tác động của đột biến mới đến mức độ lây lan hay mức độ "né" miễn dịch của virus.

Delta là biến chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và nhanh chóng lan ra ít nhất 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đe dọa thành quả chống dịch của nhiều nước. Sự xuất hiện của Delta đang khiến một số chính phủ trên thế giới xem xét lại chiến lược chống dịch./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực