Xác minh thông tin mì Hảo Hảo chứa chất cấm

Thứ bảy, 28/08/2021 21:01
(ĐCSVN) - Bộ Công Thương rà soát toàn bộ sản phẩm của Acecook; WHO bàn giao lô hàng vật tư y tế trị giá 413.451 USD cho Bộ Y tế; Đồng Nai tiếp nhận 6.000 lọ thuốc Remdesivir hỗ trợ điều trị COVID-19; Bắt giữ 2 đối tượng mua bán, vận chuyển 20 bánh ma túy; Anh kết thúc chiến dịch sơ tán khỏi Afghanistan trong ngày 28/8… là những tin nổi bật trong ngày (28/8).

Bộ Công Thương xác minh thông tin mì Hảo Hảo chứa chất cấm

Ngày 28/8, Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết đang xác minh thông tin về việc sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam được cho là phát hiện có chất cấm.

Cụ thể, ngay khi nắm được thông tin cảnh báo, Bộ Công Thương đã đề nghị Acecook khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good được sản xuất.

Việc báo cáo kiểm tra để đánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Bộ Công Thương đang kiểm tra thông tin mì Hảo Hảo có chất cấm. (Ảnh: FSAI)

Trước đó, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo quyết định thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền của Acecook Việt Nam.

Theo thông tin từ website của FSAI đăng tải vào ngày 20/8, một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có chứa chất ethylene oxide. Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU).

Trong danh sách thu hồi có 3 sản phẩm, trong đó có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng 24-9-2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng 10-11-2022) là của Công ty Acecook Việt Nam. Sản phẩm còn lại là mì hải sản Yato (120g, hạn sử dụng 30-11-2022) có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hôm nay 28/8, Cục An toàn thực phẩm sẽ có đề nghị Bộ Công Thương làm rõ, bởi mặt hàng mì gói hiện do Bộ Công Thương phụ trách.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo chiều 28/8, ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam cho biết, hiện công ty đang xuất khẩu cho 40 nước và thông tin đăng tải trên báo chí là vấn đề xảy ra ở Ireland. "Hai sản phẩm mà Ireland đề cập đến là hai sản phẩm xuất khẩu dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa. Chúng tôi xin cam kết tất cả những sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng", ông Kajiwara nhấn mạnh.

Acecook Việt Nam tuyệt đối tuân thủ các quy định của châu Âu, Việt Nam, Nhật, Úc và nhiều nước khác, không sử dụng ethylene oxide trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu sản xuất lưu trữ.

"Hiện chúng tôi đang tiến hành phân tích, điều tra diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và có biện pháp kịp thời, hữu hiệu, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng", ông Kajiwara nói thêm. 

WHO bàn giao lô hàng vật tư y tế trị giá 413.451 USD cho Bộ Y tế

Bộ Y tế đã tiếp nhận vật tư y tế do Tổ chức Y tế thế giới tặng Việt Nam, gồm: 36.000 khẩu trang phẫu thuật, 70.000 khẩu trang hô hấp độ lọc cao, 50 bộ hệ thống thở oxy dòng cao qua gọng mũi.

Ngày 28/8, Đồng Nai đã tiếp nhận 6.000 lọ thuốc Remdesivir, 42.000 viên Rivaroxaban và 84.000 viên Methylprednisolon từ Quỹ từ thiện Kim Oanh trao tặng. Số thuốc này dự kiến được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho khoảng 7.200 bệnh nhân mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn Đồng Nai và điều trị tại nhà.

Trong đó, Remdesivir nhập khẩu từ Ấn Độ, được chỉ định dùng cho bệnh nhân bị suy hô hấp phải thở oxy, thở máy không xâm nhập dưới dạng truyền tĩnh mạch. Còn 124.000 viên thuốc dưới dạng uống do Việt Nam sản xuất dùng để điều trị bệnh nhân thể nhẹ.

Lào Cai: Bắt giữ 2 đối tượng mua bán, vận chuyển 20 bánh ma túy

Chiều 28/8, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, lực lượng công an thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lào Cai vừa triệt phá thành công chuyên án 821T, bắt 2 đối tượng đang có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép 20 bánh ma túy.

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng trinh sát phát hiện một đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn.

Đường dây này có sự tham gia của các đối tượng người bản địa ở địa bàn thị xã Sa Pa, huyện Mường Khương, cấu kết với số đối tượng người nước ngoài ở vùng tam giác vàng, tạo nên đường dây mua bán khép kín, hoạt động tinh vi, liều lĩnh và rất manh động.

 Hai đối tượng và tang vật bị thu giữ. (Nguồn: cand.com.vn)

Với mục tiêu chặt đứt “vòi bạch tuộc” thẩm lậu ma túy vào nội địa, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch COVID-19 từ tỉnh ngoài vào Lào Cai, lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai đã quyết định xác lập chuyên án mang bí số 821T, nhanh chóng dốc sức, tập trung lực lượng đấu tranh triệt phá. 

Đêm 26, rạng sáng 27/8, 3 mũi trinh sát đã lên đường xuyên đêm chốt chặn tại các địa điểm đánh bắt theo đúng kế hoạch, đặc biệt là tại các điểm giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu vào Lào Cai và các tuyến đường trọng điểm từ thành phố Lào Cai lên huyện Mường Khương.

Khoảng gần 8 giờ ngày 27/8, lực lượng trinh sát đã phát hiện và bắt hai đối tượng đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Hai đối tượng gồm: Chang A Cú, sinh năm 1990, có hộ khẩu thường trú tại thôn Vạn Dền Sử 2, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và Châu Thị Cha, sinh năm 1992, có hộ khẩu thường trú tại thôn Tòng Sành, xã Cốc San, thành phố Lào Cai.

Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 20 bánh heroin, 2 xe môtô, 9 triệu đồng và một số tài liệu khác có liên quan.

Tại cơ quan cảnh sát điều tra, các đối tượng khai nhận đã móc nối với một đầu mối trung gian chuyên mua bán trái phép chất ma túy từ Myanmar vào Điện Biên và đề nghị mua 20 bánh để bán kiếm lời.

Anh kết thúc chiến dịch sơ tán khỏi Afghanistan trong ngày 28/8

Bộ Quốc phòng Anh cho biết đã sơ tán hơn 14.500 người khỏi Afghanistan trong 14 ngày qua. Bộ này đã ngừng thông báo về sơ tán tới những công dân Afghanistan liên quan, tập trung vào các công dân Anh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: hungarytoday.hu) 

Ngày 28/8, phát biểu trên BBC Radio 4, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh, Nick Carter cho biết các chuyến bay sơ tán cuối cùng mà nước này thực hiện sẽ rời Kabul cùng ngày sau đó sẽ là các chuyến bay rút nốt số quân Anh còn lại ở Afghanistan.

Ông Carter tuyên bố: "Chúng tôi sẽ thực hiện một số chuyến bay dân sự nữa nhưng sẽ là rất ít," sau đó là "đưa binh sỹ chúng tôi trở về trên những máy bay còn lại."

Trước đó, ngày 27/8, Bộ Quốc phòng Anh cho biết đã sơ tán được hơn 14.500 người khỏi Afghanistan trong 14 ngày qua.

Bộ này đã ngừng việc thông báo về sơ tán tới những công dân Afghanistan liên quan, tập trung vào các công dân Anh. Ông Carter đánh giá chiến dịch sơ tán của Anh "đã được làm tốt trong hoàn cảnh hiện tại" song cũng thừa nhận rằng "rất đau lòng khi không thể đưa tất cả mọi người rời đi."

Theo quan chức này, số người Afghanistan thuộc diện được sơ tán nhưng không thể đi là "hàng trăm," trong đó nhiều người do lo ngại an ninh nên không đến sân bay.

Ông Carter nhấn mạnh họ sẽ được chào đón ở Anh nếu có thể rời đi sau thời hạn chót ngày 31/8, qua nước thứ ba hay theo các cách khác. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Anh, có khoảng 800-1.100 công dân Afghanistan từng làm việc cho lực lượng Anh đồn trú ở Afghanistan và đủ điều kiện sơ tán nhưng không thể thực hiện được điều này.

Theo một thống kê của hãng tin Reuters ngày 28/8, Mỹ và các đồng minh đã sơ tán khoảng 111.000 người khỏi Afghanistan kể từ ngày 14/8, trước thời điểm lực lượng Taliban tiến vào Kabul và giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này./.

Đỗ Thoa (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực