Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã

Thứ tư, 31/05/2023 21:02
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong gần một thập kỷ tồn tại, việc thực thi Luật Hợp tác xã đã bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy khu vực này vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động cũng như loại hình kinh doanh-sản xuất phù hợp với phương thức hợp tác bình đẳng này.
Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu với chủ đề “ Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã” 

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã tổ chức buổi công bố kết quả nghiên cứu với chủ đề “ Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã”. 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho biết, Luật Hợp tác xã hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua vào kỳ họp thứ 4 năm 2012 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2013 cho đến nay đã đi vào cuộc sống được gần 10 năm. Mục tiêu chính của Luật Hợp tác xã là khuyến khích loại hình hợp tác giữa người lao động, nâng cao vị thế người lao động và hiệu quả kinh tế xã hội thông qua sự hợp tác tự nguyện giữa các cá nhân, thoát ly dần khỏi mô hình hợp tác xã truyền thống, không còn phù hợp.


PGS.TS Nguyễn Đức Thành Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược Việt Nam phát biểu tại chương trình  

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Trong gần một thập kỷ tồn tại, việc thực thi Luật Hợp tác xã đã bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy khu vực này vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động cũng như loại hình kinh doanh-sản xuất phù hợp với phương thức hợp tác bình đẳng này. 

Tại báo cáo công bố đã đóng góp một số điểm sửa đổi của dự thảo Luật Hợp tác xã 2023 so với Luật Hợp tác xã 2012. Cụ thể, tại Điều 22 về chính sách thuế, phí và lệ phí, Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

Báo cáo cũng đóng góp Chính phủ quy định chi tiết Điều 73 về góp vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cụ thể: phần vốn góp của thành viên chính thức thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không quá vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không quá vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã…..

Chia sẻ quan điểm của mình, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Mô hình của hợp tác xã Việt Nam phải là mô hình của người nông dân. Ông cũng nêu ra vấn đề rằng, về mặt lý thuyết, hợp tác xã mang lại lợi ích to lớn nhưng tại sao một bộ phận không nhỏ nông dân Việt Nam vẫn chưa mặn mà với hợp tác xã.

"Hợp tác xã phải thực sự là của người nông dân. Tính chất hợp tác xã là tổ chức tự trị của người nông dân, do đó những quy định của Luật Hợp tác xã nên là những hướng dẫn người nông dân hơn là quy định cứng đóng khung. Nếu không thì kết quả đạt được chỉ ở trên báo cáo”- GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh.

Lâm Hằng - Thảo Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực