Cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập
Tại buổi họp báo, ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, kiên trì mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục thực hiện sắp xếp tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập và thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công.
“Trong năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện” – ông thông tin.
|
Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ thông tin tại họp báo (Ảnh: TH) |
Bên cạnh đó, thực hiện các quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án và tổ chức triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình tự chủ về tài chính. Đến năm 2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; Ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước.
Cũng theo ông Vũ Đăng Minh, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế. Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP) ở các Bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các Bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức
Về kế hoạch năm 2023, ông Vũ Đăng Minh cho hay, sẽ tập trung nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng văn bản, nhất là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị nền hành chính các cấp.
Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh. Khắc phục kịp thời hạn chế trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung rà soát, đôn đốc, thực hiện quyết liệt phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành và với chính quyền địa phương nhằm khơi thông rào cản phát triển, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ các địa phương gắn kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt là, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025. Phấn đấu hoàn thành trong 2 năm 2023, 2024 để ổn định tổ chức Đại hội Đảng các cấp vào năm 2025; đồng thời đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị gắn nâng cao chất lượng đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa theo chủ trương của Đảng và phù hợp với quy hoạch vùng, địa phương.
Củng cố ổn định tổ chức bộ máy và phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống tổ chức thi đua khen thưởng từ trung ương, bộ, ngành, địa phương; tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ chính trị của các địa phương…
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Nội vụ thông tin thêm với các cơ quan báo chí về tinh giảm biên chế, thực hiện Đề án của Bộ Chính trị về xây dựng Nhà nước pháp quyền; tổ chức chính quyền đô thị và Kế hoạch thanh tra ở một số địa phương về công tác tuyển dụng thời gian tới.../.