Nhằm cung cấp cho cử tri và bạn đọc cả nước về kết quả việc thực hiện Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021, chiều 21/12, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
|
Các khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: ĐBND |
Khách mời tham gia Tọa đàm gồm có: Ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Bộ Công an; PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tại tọa đàm, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, 11 tháng năm 2021, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí, số vụ giảm 24%, số người chết giảm xấp xỉ 18%, số người bị thương giảm xấp xỉ 30%. Có ý kiến cho rằng số tai nạn giao thông giảm nhiều là do dịch Covid-19, các địa phương trải qua thời gian giãn cách. Nhưng theo báo cáo đánh giá tác động toàn cầu của Covid-19 đối với tai nạn giao thông, trong 31 quốc gia tham gia báo cáo đánh giá thì có 15 quốc gia giảm dưới 15%, 13 quốc gia giảm từ 15-24%, và chỉ có 5 quốc gia giảm trên 25%. Đối chiếu điều kiện Việt Nam chúng ta giảm xấp xỉ 18%. Có thể thấy, Việt Nam đang ở mức trung bình tiên tiến.
Theo báo cáo tác động của Covid-19 đến an toàn giao thông của Hội đồng an toàn giao thông Châu Âu, thì tại các quốc gia thực hiện giãn cách toàn phần, tai nạn giao thông số người thiệt mạng giảm 36%. Tại Việt Nam, giãn cách xã hội quy mô lớn, tháng 8 giảm 53% số người thiệt mạng, tháng 9 giảm 54%. Đây là con số chứng minh Việt Nam có tốc độ kéo giảm tai nạn giao thông so với quốc tế, kể cả so sánh đồng thời có Covid-19 và thực hiện giãn cách toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong điều kiện Covid-19 cũng nảy sinh một số vấn đề như: giao thông vắng, các nguồn lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch, do đó lái xe có xu hướng lái nhanh, vượt ẩu, tăng tốc độ, tình trạng đua xe phát triển, nhiều người dân không chấp hành hiệu lệnh, không chấp hành tín hiệu đèn, vi phạm tốc độ... gây ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Để giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông, theo các khách mời, cần tập trung vào nhiều giải pháp, từ trước mắt đến lâu dài, trong đó có giải pháp về thể chế chính sách pháp luật, giải pháp tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATGT; tăng cường giảng dạy về văn hóa giao thông trong nhà trường... Đặc biệt, cần xây dựng văn hoá giao thông, nâng cao ý thức của người dân. Việc xây dựng văn hóa giao thông không chỉ là xây dựng luật, xây dựng các hình thức xử phạt, mà phải xây dựng từ hạ tầng giao thông cho đến việc bố trí, sắp xếp, quản lý các phương tiện giao thông. Quan trọng hơn cả, là phải xây dựng được ý thức tự thân của mỗi người khi tham gia giao thông vì lợi ích của bản thân và cộng đồng.
Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Tết năm nay tình hình giao thông sẽ diễn biến khó lường: thứ nhất, tâm lý “giải phóng” của người dân sau thời gian dài giãn cách xã hội; thứ hai, lượng phương tiện cá nhân sẽ gia tăng do người dân sợ dịch bệnh ít sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn. Ngoài ra, tỷ lệ người uống rượu, bia trong dịp Tết cũng tăng cao, gây mất an toàn giao thông.
Để có một cái Tết an toàn, đòi hỏi mỗi người người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành để bảo đảm ATGT, bên cạnh đó, cả cộng đồng cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, thực hiện tốt khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” và thực hiện nghiêm quy định 5K về phòng chống dịch của Bộ Y tế. Các Bộ, ngành, địa phương cần sớm xây dựng các kịch bản, dự báo để lường trước các diễn biến về giao thông trong dịp Tết và thực thi quyết liệt hơn các quy định hiện hành về an toàn giao thông.
T. Huyền