Vì sao tội phạm tham nhũng vẫn còn gia tăng và diễn biến phức tạp?

Thứ năm, 15/09/2022 14:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân tội phạm tham nhũng vẫn còn gia tăng và diễn biến phức tạp, là do sự sơ hở trong quy định của pháp luật, công tác tổ chức thi hành pháp luật hay do nhận thức của cán bộ nên dẫn tới coi thường pháp luật?.

Sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm vừa qua của các cơ quan chức năng, cũng đã điều tra, khám phá rất nhiều vụ việc phạm tội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến trật tự, an toàn xã hội và vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị báo cáo phân tích, đánh giá cụ thể và sâu sắc hơn về tính chất, mức độ tội phạm, nhất là sự ra gia tăng hành vi bạo lực, bạo hành, những hành vi phạm tội với những hình thức rất tàn ác mà chúng ta thấy dư luận xã hội đã phản ánh một số vụ việc, nhất là hành vi phạm tội đối với trẻ em. Qua đó có thể triển khai và đề xuất những giải pháp hữu hiệu để có thể ngăn chặn được vụ án có tính chất nghiêm trọng như vậy.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị báo cáo làm rõ thêm nguyên nhân vì sao thời gian qua rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nguy hiểm cũng đã được xử lý hết sức quyết liệt và xử lý nghiêm, có tính răn đe rất cao nhưng loại tội phạm này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà lại còn tăng lên tương đối cao (trên 33%). Đặc biệt là những vụ án như ở Công ty cổ phần Việt Á, vụ án Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC. Trên cơ sở đó đề nghị phân tích sâu hơn và có giải pháp hữu hiệu để kiềm chế, đẩy lùi loại tội phạm này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng . Ảnh: QH.

Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo báo cáo Chính phủ và như phản ánh trong dư luận, tội phạm tham nhũng vẫn còn gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong năm 2002, đã xử lý 637 vụ với 1.366 bị can phạm tội tham nhũng, tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước.

“Đề nghị đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân tại sao, như tôi nói là chúng ta kiên quyết xử lý, xử lý mạnh như thế nhưng vẫn gia tăng. Đây là do sự sơ hở trong quy định của pháp luật hay là do công tác tổ chức thi hành pháp luật hay là do nhận thức của cán bộ cho nên dẫn tới coi thường pháp luật?”, ông Tùng đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị với Chính phủ phối hợp với Viện, Tòa và các cơ quan tư pháp cố gắng để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng càng cao càng tốt.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, qua nghiên cứu thực tiễn, một số Tòa các cấp dưới, Tòa 2 cấp ở dưới, Tòa địa phương thì chất lượng một số bản án ban đầu, nhất là án sơ thẩm cần tiếp tục nghiên cứu, nhất là án hành chính và án dân sự. Có nhiều bản án sau khi đã tuyên khó thi hành, vì vậy dẫn đến tình trạng kiến nghị, đề nghị và kháng nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều là do án sơ thẩm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu hiện tượng chống người thi hành công vụ có biểu hiện nghiêm trọng. Dẫn chứng các vụ lao xe vào cảnh sát giao thông, hay cầm dao chém công an ngay ở trong trụ sở của UBND ở Tuyên Quang, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần phải có một biện pháp bảo vệ người thi hành công vụ, vì đây là những người đại diện cho Nhà nước.

“Một mặt chúng ta quy định để những người thi hành công vụ bảo đảm sự tôn trọng với người dân, nhưng ngược lại chúng ta cũng phải bảo vệ những người thi hành công vụ để thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như những người thực thi nhiệm vụ”, ông Vinh nói.

Giải trình thêm về về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay: Trong năm 2022 có nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện và đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn còn có những hạn chế, tồn tại như trong báo cáo Chính phủ nêu, ý kiến các vị đại biểu phát biểu và Ủy ban Tư pháp thẩm tra. Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nói riêng và phòng chống tham nhũng nói chung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ triển khai kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm đối với các địa phương và các bộ, ngành và chỉ rõ những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt trên từng mặt về công tác phòng, chống tham nhũng để báo cáo Thủ tướng.

Về đánh giá tình hình tham nhũng và kiến nghị của Ủy ban về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tư pháp và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu, bổ sung nội dung đánh giá dự thảo tình hình tham nhũng trong báo cáo chính thức trình Quốc hội tới đây, nhất là bổ sung đánh giá về tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục; tình trạng tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống vẫn còn xảy ra…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực