Tình hình tử vong mẹ - tử vong sơ sinh tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc

Thứ sáu, 20/11/2015 12:06
(ĐCSVN) - Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) vừa công bố Báo cáo điều tra tử vong mẹ (TVM) và tử vong sơ sinh (TVSS) tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc, thời gian thực hiện từ tháng 6-11/2015.

Các tỉnh được điều tra bao gồm Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Giang.

  

 Sinh con tại nhà là lựa chọn của nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số
Ảnh: Thương Huyền


Báo cáo nêu rõ, nếu năm 2009, tỷ số TVM/100.000 trẻ đẻ sống các tỉnh lần lượt là Điện Biên 409, Lai Châu 215, Sơn La 167, Cao Bằng 143 Lào Cai 133 thì năm 2015 đã giảm lần lượt là 83, 149, 102, 96, 126. Riêng tỉnh Bắc Kạn, số ca tử vong mẹ lại tăng lên (năm 2009 là 46, năm 2015 là 83).

Tính theo dân tộc, dân tộc H'mông chiếm tỷ lệ lớn nhất. Phần lớn các trường hợp TVM tại địa bàn điều tra đều làm nông nghiệp (chiếm 94,3%); trình độ học vấn thấp từ THCS trở xuống (90,1%), đặc biệt là đối tượng bà mẹ mù chữ chiếm tới hơn một nửa số ca TVM (54,3%).

Bên cạnh đó báo cáo cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 50% số ca TVM sinh con tại nhà và chỉ có 19,3% số TVM đi khám thai đủ 3 lần trong thai kỳ và chủ yếu do người không có chuyên môn đỡ đẻ.

Nguyên nhân tử vong của các bà mẹ được thống kê như sau: do băng huyết chiếm 51,4%; do nhiễm khuẩn chiếm 14,3%, chửa ngoài tử cung chiếm 5,7%; còn lại là các nguyên nhân khác.

Báo cáo cũng nêu rõ, nguyên nhân tỷ lệ TVM chậm tiếp cận dịch vụ y tế là do tình trạng đường xá khó khăn; khoảng cách xa từ nhà đến cơ sở y tế, không có sẵn phương tiện vận chuyển và thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng trong việc đưa sản phụ đến cơ sở y tế.

Về tình hình TVSS, tổng hợp từ số liệu điều tra của địa phương năm 2014, báo cáo chỉ rõ, có 2 tỉnh tăng so với năm 2009 là Lai Châu và Điện Biên; tỉnh có tỷ suất TVSS cao nhất là Lai Châu 17,1/1000 trẻ đẻ sống, tiếp đến là Lào Cai, Cao Bằng. TVSS xảy ra nhiều nhất ở khu vực người mẹ làm nông nghiệp và hạn chế trình độ; người mẹ không khám thai đầy đủ cũng chiếm tỷ lệ cao 20,4‰ trẻ đẻ sống. Sinh con tại nhà có 14,2‰.

Các nguyên nhân tử vong có thể kể đến là do đẻ non, nhẹ cân 35,9, do ngạt 23%, do viêm phổi nhiễm khuẩn là 24% và do các nguyên nhân khác.

Các yếu tố liên quan đến TVSS gồm tập quán đẻ tại nhà 47,4%; kinh tế khó khăn 27,5%, cấp cứu, chuyển tuyến chậm 12,7%; thiếu sự quan tâm của gia đình 17,4%; người mẹ trẻ, hiểu biết hạn chế chiếm 9,8%.

Theo Ths. Bs Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), báo cáo này có ý nghĩa rất lớn, kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị được rút ra thông qua các phát hiện của nghiên cứu sẽ cung cấp bằng chứng và là cơ sở cho Bộ Y tế trong việc xây dựng chính sách góp phần làm giảm TVM và TVSS. Bên cạnh đó, các phát hiện và khuyến nghị từ nghiên cứu này sẽ giúp lãnh đạo các địa phương và ngành y tế xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm tiêp tục cải thiện tình hình sức khoẻ bà mẹ và trẻ em thông qua tăng cường năng lực hệ thống CSSKSS. Điều này sẽ góp phần đạt được và duy trì bền vững các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong thời gian tới. Theo đó, Vụ sẽ kiến nghị với Bộ Y tế tiếp tục đầu tư và triển khai nhân rộng các mô hình đơn nguyên sơ sinh, cô đỡ thôn bản nhằm hỗ trợ cho y tế các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực