Đây là Chương trình do Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ cùng với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính VPCP, cục Công nghệ thông tin Bộ y tế, Tập đoàn đầu tư và quản lý V-Startup, công ty Cổ phần truyền thông Thiên Lộc phối hợp tổ chức. Với những hoạt động thường niên gồm: diễn đàn cấp cao, chuỗi hội nghị và triển lãm, với sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ, Bộ y tế và các bộ ngành liên quan, 63 tỉnh thành phố, các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị y tế trên cả nước. Chương trình cũng thu hút sự tham gia của các tập đoàn công nghệ, các đơn vị đầu tư trong nước, quốc tế và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang mong muốn tham gia trong chuyển đổi số y tế Quốc gia, đây được xem như là một sự kiện đưa ra kiến trúc tổng thể đối với ngành y tế, và là cơ sở của y tế điện tử.
Chuyên gia (CG) Nguyễn Thy Nga: Ngày 3/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong 8 nhóm lĩnh vực cần đẩy mạnh chuyển đổi số, Y tế được xác định là lĩnh vực đầu tiên, vậy Bộ trưởng có thể cho biết những bước chuyển đổi số từ Bộ Y tế?
Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long: Có thể nói rằng, mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn và tạo ra được nhiều tiện ích trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngành y tế đã thực hiện triển khai một loạt chương trình, kế hoạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành y tế.
|
Chuyên gia truyền thông chính sách Nguyễn Thy Nga – Tổng giám đốc V-Startup phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long. |
Trong lĩnh vực quản lý, Bộ đã chính thức khai trương Cổng Công khai y tế, những thủ tục hành chính được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế là một trong hai bộ đã đạt 100% tất cả các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Trong đó, 60.000 loại thuốc, 28.000 loại thực phẩm chức năng, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành ở Việt Nam và toàn bộ dịch vụ y tế của các cơ sở đều được công khai.
Bộ xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Cho đến nay đã có trên 1500 cơ sở y tế đã nối tuyến toàn bộ, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Trong đó, Y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn. Tại 12.000 điểm trạm y tế xã sẽ không còn dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng. AI được đưa vào trong chẩn đoán, hỗ trợ bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị và tương lai sẽ được ứng dụng trong quản lý, cấp phép.
Đến nay Bộ Y tế đã công khai 532 thủ tục hành chính. 20 bệnh viện trực thuộc Bộ đã triển khai thanh toán điện tử. Còn tại các địa phương, đến cuối 2019, khoảng 41% bệnh viện triển khai nội dung này.
Từ năm 2021, Bộ Y tế sẽ chính thức đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân. Trong năm 2021 tới, Bộ sẽ thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không còn dùng giấy với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ khám sức khỏe giấy phép lái xe.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã quan tâm, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh khác.
Công tác quản lý môi trường y tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới bảo hiểm y tế toàn dân tăng từ 75% năm 2015 lên 90,7% năm 2020.
Năm 2022 và 2023, Bộ sẽ đi vào triển khai Bệnh viện không giấy tờ và mở rộng mô hình. Khi có sự thay đổi về cơ chế, cách thức điều hành, chương trình chuyển đổi số y tế sẽ được đẩy mạnh hơn, cao hơn và nhanh hơn.
CG Nguyễn Thy Nga: Vâng, thưa Bộ trưởng, với vai trò là đơn vị chủ quản, ông có ý kiến gì khi chương trình Chuyển đổi số Y tế được tổ chức để tổng kết Việt Nam 2020, một năm mà dưới tác động của COVID – 19, một khủng hoảng từ Y tế đã ảnh hưởng đến?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Với mục đích triển khai Chương trình Chuyển đổi số Y tế Quốc gia theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số Chủ trương, Chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và Quyết định số 749/QĐ-TTG ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Y tế chính là việc hướng tới quốc gia số.
“Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải đưa ra một kiến trúc tổng thể đối với ngành y tế về y tế điện tử trong tương lai, một bức tranh tổng thể về chuyển đổi số quốc gia. Từ đó chúng ta mới đưa ra được những chương trình hành động vào từng nội dung, từng đề án cụ thể. Chương trình chuyển đổi số Y tế Quốc gia – điểm sáng Việt Nam 2020 được tổ chức để trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số trong ngành Y tế, định hướng các cộng đồng Doanh nghiệp và các Đơn vị Nhà nước phối hợp, hỗ trợ thực hiện Chuyển đổi số Y tế có hiệu quả”
Các yếu tố quan trọng khiến ngành y tế Việt Nam thu hút các nhà đầu tư là dân số, sự tăng trưởng kinh tế, lối sống thay đổi, mô hình chăm sóc sức khỏe và nhu cầu bảo hiểm y tế. Đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe được dự báo ngày càng hấp dẫn bởi nhu cầu người dân về các dịch vụ y tế cao cấp tăng nhanh. Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, Việt Nam đang có cơ hội vàng để ngành y tế theo hướng tích cực cùng các tiềm năng chưa được khai phá là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào công cuộc chuyển đổi số y tế Quốc gia.
CG Nguyễn Thy Nga: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!